Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đảm bảo an toàn cho trẻ em khi ở nhà cao tầng

Ban công, cửa sổ, lô gia ở các chung cư, nhà cao tầng… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích đối với trẻ em. Thời gian gần đây, đã có không ít vụ tai nạn thương tâm khi trẻ em bị ngã từ tầng cao chung cư dẫn tới tử vong. Làm sao để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi sống ở các khu chung cư, nhà cao tầng luôn là mối lo của rất nhiều phụ huynh.

Bé gái rơi từ tầng 12A của một tòa chung cư Hà Nội xuống đất, rất may mắn cháu được một nam thanh niên gần đó lao đến đỡ được. Ảnh KT

Bé gái rơi từ tầng 12A của một tòa chung cư Hà Nội xuống đất, rất may mắn cháu được một nam thanh niên gần đó lao đến đỡ được. Ảnh KT

Đã có rất nhiều lời cảnh báo, nhiều bài học rút ra từ những vụ tai nạn thương tâm, nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ tai nạn đau lòng khi trẻ em rơi ngã từ nhà cao tầng. Đại đa số trẻ rơi ngã từ nhà cao tầng đều tử vong hoặc chấn thương nặng. Nguyên nhân xảy ra nNhững vụ tai nạn thương tâm này đều do sự chủ quan lơ là của người lớn trong việc trông giữ, quản lý trẻ. Bên cạnh đó là những thiết kế mở, không có rào chắn, lưới bảo vệ ở cửa sổ, lô gia, ban công… khiến trẻ dễ leo, trèo ra ngoài dẫn tới rơi, ngã.

Các gia đình cần lưu ý, ban công, cửa sổ, lô gia… ở chung cư, nhà cao tầng cần đặt yếu tố an toàn, đặc biệt an toàn đối với trẻ em lên trước yếu tố thẩm mỹ.

Gia đình chị Hạnh mới chuyển đến một chung cư ở Thanh Trì (Hà Nội). Vì có 3 con nhỏ đều dưới 10 tuổi nên ngay khi nhận bàn giao nhà từ chủ đầu tư, mặc dù ban công chung cư đã có lan can cao 1,4m nhưng việc đầu tiên trước khi chuyển tới ở là chị gọi thợ lắp lưới an toàn ban công và chấn song các cửa sổ. Việc lắp đặt thêm lưới an toàn chị Hạnh cũng cân nhắc, tham khảo ý kiến, thiết kế như thế nào để không làm ảnh hưởng đến lối ra khẩn cấp, khả năng thoát hiểm và tiếp cận của phương tiện cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy khi xảy ra trường hợp khẩn cấp. Chị cũng rất để ý và luôn nhắc nhở các con khi chơi ở các nhà hàng xóm, vì một số nhà toàn người lớn nên không lắp lưới an toàn và chấn song cửa sổ, dễ dấn tới mất an toàn khi các con nô đùa, chạy nhảy. 

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng quan tâm đến vấn đề an toàn để lắp chấn song cửa sổ, lưới chắn ban công, lô gia khi mua nhà ở các khu chung cư. Nhiều người còn chủ quan, cho rằng ban công đã có lan can nên không cần phải lắp đặt gì thêm. Thực tế thì trẻ nhỏ thường hiếu động, người lớn còn chủ quan lơ là, trong khi hành lang, lan can, cửa sổ ở đa số các khu chung cư thiết kế thiếu an toàn đang là “những cái bẫy vô hình” đối với trẻ. 

Người lớn không được cho trẻ đứng trên ban công, cửa sổ, rất nguy hiểm! Ảnh Lê Thúy

Người lớn không được cho trẻ đứng trên ban công, cửa sổ, rất nguy hiểm! Ảnh Lê Thúy

Để đảm bảo an toàn cho con trẻ, các gia đình cần lưu ý những điểm sau:

- Khu vực ban công không được kê bàn ghế, võng, để các thùng hộp dễ leo trèo…

- Hạn chế kê giường, tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ.

- Các cửa chính, cửa sổ phải có chốt an toàn trẻ không tự mở được.

- Dùng lưới rào lan can quây phần trước ban công, cửa sổ.

- Lan can ban công phải cao từ 1,4m trở lên.

- Các thanh chắn ban công nên là thanh dọc và khoảng cách giữa các thanh không quá 10cm.

- Nếu là ban công kính thì kính lắp đặt phải là kính chịu lực.

- Chiều cao từ mặt sàn lên bậu cửa sổ phải đạt từ 1m trở lên và cửa sổ phải có chấn song hoặc lưới an toàn.

- Sử dụng các bề mặt không trơn trượt ở ban công. 

Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra gần đây khi người lớn để trẻ nhỏ ở nhà một mình. Vì vậy, không được để trẻ dưới 6 tuổi ở nhà một mình mà không có người lớn giám sát. Các gia đình cần nêu cao cảnh giác, cẩn trọng khi nhà có con nhỏ. Một chiếc chậu, một chiếc ghế nhựa hay một vài đồ vật, thùng, hộp… tập kết ở góc lan can cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị lộn cổ xuống. Cần phải huấn luyện trẻ em về nhận thức nguy hiểm. Khi không sử dụng ban công, hãy khóa các cửa lớn và cửa sổ sát ban công. Luôn nhắc nhở trẻ không được leo trèo qua các lan can, cửa sổ, cầu thang; không nên để trẻ vui chơi một mình ở bất kỳ đâu. Người lớn cần tránh thực hiện các hoạt động có thể gây nguy hiểm trước mặt trẻ (chơi đùa ngoài ban công; ngồi lên thành ban công; cho trẻ chơi đùa, đứng trên ban công…) vì trẻ thường bắt chước rất nhanh.

Bên cạnh việc mỗi gia đình phải đảm bảo an toàn cho con em mình thì các chủ đầu tư, ban quản lý các chung cư cao tầng cũng cần xem xét lại cách bố trí vật dụng, cũng như thiết kế khu vực ban công, cửa sổ của các căn hộ sao cho đảm bảo quy chuẩn về an toàn.

Qua những vụ việc liên quan tới tai nạn của trẻ em tại các khu chung cư cao tầng trong thời gian qua, vấn đề quy định về lan can, lôgia và ban công để hạn chế những tai nạn tương tự đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Theo các chuyên gia, quy chuẩn xây dựng các công trình dù cao hay thấp đều phải đảm bảo an toàn về kết cấu, lan can, cầu thang… Tuy nhiên, rất nhiều công trình đã không thực hiện nghiêm túc quy chuẩn này. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, kiểm tra những quy chẩn xây dựng, đảm bảo an toàn của các công trình trước khi cấp phép sử dụng.

Ghi nhớ nguyên tắc “5 Không” an toàn

- Không bao giờ để trẻ (dưới 6 tuổi) ở nhà một mình dù chỉ là trong giây lát, kể cả khi trẻ ngủ.

- Không bao giờ cho rằng trẻ sẽ nghe lời và không nghịch hoặc không làm điều gì đó nguy hiểm. Trẻ thường tò mò, ưa thích khám phá và sẽ làm tất cả mọi thứ nhằm thỏa mãn những điều này.

- Không bao giờ phớt lờ hoặc bỏ qua bất kỳ điều gì trong ngôi nhà mà bạn nghĩ hoặc cảm thấy có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

- Không bao giờ cho phép sự chậm trễ nếu bạn có thể làm điều gì đó để ngăn ngừa tai nạn hoặc sự cố có thể xảy ra cho trẻ.

- Không bao giờ tin tưởng giao phó tính mạng và sự an toàn của trẻ cho người giúp việc trong gia đình hoặc người già, người cao tuổi.