Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội, học sinh ở nhiều nơi chưa được tựu trường và phải học bằng hình thức trực tuyến.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 08/10/2021, cả nước có 31 tỉnh, thành phố đang học trực tuyến, có 23 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp; 9 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
Cũng như nhiều quốc gia khác, dịch Covid-19 cũng đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục nước ta. Giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập. Học sinh học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng tới chất lượng học tập của học sinh. Các em tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, không gian mạng, thiếu tương tác, vận động trực trực tiếp dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng về về thể chất, về tâm lý, sức khỏe tinh thần và kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh của trẻ em; nguy cơ trẻ em bị tai nạn thương tích trong quá trình sử dụng thiết bị học trực tuyến. Nhiều em thiếu thiết bị phục vụ học trực tuyến (máy tính, đường truyền Internet…).
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi; rà soát gửi Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vaccine cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định; quán triệt, thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh cần nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp “tất cả vì tương lai con em chúng ta”...
Là một phần trong nhiều hành động nhằm dần mở cửa trở lại đất nước, cùng với mở cửa các nhà máy, phương tiện công cộng, cơ sở kinh doanh…, việc mở cửa lại trường học đóng vai trò quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Chắc chắn rằng việc đi học trở lại sẽ không thể giống như những gì đã quen thuộc từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng hy vọng rằng với cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều sẵn có tâm lý thích ứng, thái độ cẩn trọng và quyết tâm học tập để cùng nhau trở lại trường. Và trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, các chính quyền địa phương cũng cần linh hoạt và sẵn sàng thích ứng để bảo đảm an toàn cho mọi trẻ em.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ em trở lại trường học trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo các chuyên gia về trẻ em, cần xây dựng phương án, kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho học sinh trong trường hợp được cấp phép; ưu tiên vaccine cho những người trực tiếp cung cấp dịch vụ giáo dục trẻ em tại các địa bàn nóng vùng dịch Covid -19.
Thực hiện đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại trường học gồm một số nội dung về: Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học; thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường; đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón; có nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường…
Đồng thời, xây dựng kịch bản cụ thể ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp xuất hiện ca F0, F1 tại trường học và triển khai thực hiện chương trình dạy học linh hoạt vừa bảo đảm sức khoẻ và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, hoàn thành chương trình giáo dục và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Các giải pháp lâu dài cần triển khai việc lồng ghép, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn, phòng chống xâm hại, phòng chống tai nạn, thương tích, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội trong đại dịch Covid-19; Tăng cường việc bảo vệ trẻ em trong quá trình học trực tuyến để bảo vệ trẻ em trước các thông tin xấu, độc và các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.