Đây là thông tin do Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH về tình trạng trục lợi chính sách ưu đãi NCC.
*Ưu đãi đối với NCC là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân NCC. Tuy nhiên trong thời gian qua đã có không ít đối tượng lợi dụng chính này để trục lợi?
- Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi NCC với cách mạng thì công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách cũng không ngừng được đẩy mạnh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để rà soát, phát hiện những bất cập của chính sách và tổ chức thực hiện chính sách.
Tính từ năm 2012 đến hết năm 2016, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành việc xác lập, xét duyệt hồ sơ tại 5 Quân khu (2,3,4,5,7). Qua kiểm tra hơn 60.000 hồ sơ tại các đơn vị, địa phương nêu trên, phát hiện hơn 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có hơn 1.800 hồ sơ không đảm bảo cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi, đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ các chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng: chi sai nội dung, chi trùng lĩnh, trùng cấp kinh phí NCC, đã kiến nghị xuất toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 13 tỷ đồng.
Qua thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH đã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra khởi tố để xử lý theo pháp luật đối với các sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm. Các cơ quan chức năng đã điều tra truy tố đưa ra xét xử 49 vụ, gồm 171 bị cáo, trong đó phạt tù là 45 người, cho hưởng án treo 124, phạt tiền 2 người.
*Đối tượng hồ sơ giả mạo chủ yếu là những đối tượng nào, thưa ông?
- Chính sách ưu đãi NCC tách ra mấy nhóm; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, Bà mẹ VNAH. Trong đó nhóm đối tượng có hồ sơ sai phạm nhiều nhất là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (chiếm từ 13 -17%) và người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ (chiếm khoảng 40 - 45%). Nếu phát hiện một hồ sơ liệt sĩ giả, số tiền Nhà nước thất thoát khi chi trả một lần là hơn 1 triệu đồng. Nhưng với hồ sơ thương binh, người có công giả, ngân sách nhà nước sẽ thất thoát từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi trường hợp, vì thời gian chi trả kéo dài.
Nhóm đối tượng thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trong những năm qua Bộ trưởng đã chỉ đạo và Thanh tra Bộ đã làm rất quyết liệt. Trong năm 2017 giải cơ bản xong. Tính đến nay chỉ còn lại Quân khu I chưa được thanh tra còn lại tất cả các quân khu khác đều đã được thanh tra toàn diện về việc xác lập hồ sơ thương binh do quân khu quân đội thực hiện, việc xác lập đó sai đúng thế nào tại từng quân khu đã chỉ rõ.
Nhóm đối tượng người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học: Năm 2018, Bộ trưởng chỉ đạo tập trung thanh tra việc hưởng chế độ chất độc hóa học tại các địa phương trong cả nước, vì vậy Bộ đã mở hai cuộc tập huấn liên tiếp tại Quảng Bình và Khánh Hòa cho các địa phương để chuẩn bị tiến hành thanh tra diện rộng về đối tượng người tham gia kháng chiến nhiễm hóa học và con đẻ của họ. Thanh tra Bộ đã chỉ đạo chung cho thanh tra toàn ngành xây dựng kế hoạch chung cho năm 2018 ưu tiên thanh tra hồ sơ hưởng chất độc hóa học và con đẻ của họ.
Các chuyên viên Cục người có công kiểm tra công tác lưu trữ hồ sơ tại Vĩnh Phúc.
*Theo ông, đâu là nguyên nhân của những sai phạm?
- Kết quả thanh tra cho thấy, hồ sơ sai phạm, làm giả giấy tờ tập trung ở nhiều dạng: Người làm chứng không đủ điều kiện làm chứng, hoặc giả mạo người làm chứng; tẩy sửa, ghi thêm nội dung vào giấy tờ gốc; tự chế ra con dấu giả đóng vào hồ sơ; giấy tờ gốc làm căn cứ xác lập hồ sơ nhưng không bảo đảm tính pháp lý… Khi các cơ quan chức năng làm chặt chẽ hơn, đối tượng giả mạo hồ sơ nghĩ ra cách di chuyển hồ sơ từ phía Bắc vào phía Nam, rồi hợp thức hóa hồ sơ tại nơi chuyển đến.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giả mạo hồ sơ người có công để trục lợi có ba nguyên nhân chính, đó là: Sự thiếu trung thực của người xác lập hồ sơ, văn bản pháp luật còn nhiều kẽ hở; sự thiếu trách nhiệm của cán bộ chính sách trong thực thi công vụ. Những đường dây “chạy” chế độ người có công, đều có sự tiếp tay của một số cán bộ, từ khâu xác lập hồ sơ, giám định y khoa...
*Việc thu hồi tiền chi trả trợ cấp sai được thực hiện như thế nào để vừa đảm nghiêm kỷ cương phép nước nhưng cũng thể hiện tính nhân văn?
- Về nguyên tắc tiền hưởng sai là phải thu hồi, nhưng chúng ta ngoài giữ nghiêm kỷ cương phép nước thì Bộ LĐ-TB&XH còn là cơ quan chủ trì của giảm nghèo cho nên đối với những gia đình hưởng chế độ NCC sai quy định của nhà nước mà là hộ nghèo, cận nghèo, hoặc là bản thân người đó có bệnh hiểm nghèo thì Chủ tịch UBND tỉnh phải có văn bản báo cáo với Bộ từng trường hợp về lý do tại sao đề nghị không thu hồi . Sau đó Bộ báo cáo Thủ tướng để xem xét không thu hồi tiền hưởng sai. Đối với những người đã trục lợi chính sách nếu tự nguyện khai ra trả lại tiền nhà nước, các cơ quan chức năng cũng không xem xét khởi tố việc vi phạm.
* Bộ trưởng đặt ra mục tiêu trong năm 2017, giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC và phấn đấu đến năm 2020 trên toàn quốc sẽ giải cơ bản hồ sơ tồn đọng NCC. Vậy thời gian tới công tác thanh tra sẽ được triển khai như thế này đối với lĩnh vực này thưa ông?
- Năm 2017, Bộ trưởng đã ký ban hành Quyết định 408 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công (NCC) với mục tiêu không để những người đã có quá trình cống hiến hy sinh cho đất nước bị thiệt thòi. Tuy nhiên, mục tiêu đó sẽ có những hạt sạn, sẽ có người không có cống hiến hy sinh mà được hưởng chế độ, vì vậy Thanh tra Bộ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đi thanh tra, kiểm tra, xem xét lại những trường hợp hưởng sai theo Quyết định 408.
Trong năm 2018, đối với lĩnh vực NCC, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung Thanh tra hồ sơ đối tượng người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa và con đẻ của họ. Bên cạnh đó sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất từng hồ sơ; cá nhân, địa phương nào sai phạm, có dấu hiệu trục lợi chính sách sẽ xử lý nghiêm, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự.
Xin cảm ơn ông!