Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đảm bảo không học sinh nào bị thất học sau dịch bệnh Covid-19

(Dân sinh) - Năm học mới 2021 - 2022 khởi đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước tình hình đó, một số địa phương đã chủ động miễn, giảm học phí cho học sinh. Ngành Giáo dục cũng kịp thời có hướng dẫn sát sao với nhà trường, nhằm không để học sinh, sinh viên nào bị bỏ lại phía sau.

Đảm bảo không học sinh nào bị thất học sau dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1.

Đảm bảo không học sinh nào bị thất học sau dịch bệnh Covid-19.

Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, với các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể.  

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ mà ngành đặt ra, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để ngành thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học; trước mắt tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học. Bộ GD&ĐT cũng đề xuất chính phủ xem xét các phương án miễn, giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021 - 2022.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, khiến học sinh phải nghỉ học. Học trực tuyến trong điều kiện thiếu thiết bị học tập cũng ảnh hưởng một phần đến kết quả học tập của học sinh. Do đó, đề nghị đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục, trong đó có phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mầm non 3 - 4 tuổi; thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi, vùng cao nhiều khó khăn mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng phương án hỗ trợ tài chính cho sinh viên, đặc biệt là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.  

Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, ngành Giáo dục cũng như Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề công bằng trong giáo dục, vì sau dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề nhất là học sinh. Theo thống kê của Vĩnh Long, năm học 2021 - 2022, tỉnh có 200.000 em đến trường, trong đó học sinh hoàn cảnh khó khăn là 14.000 em. Số học sinh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (F0, F1, F2, trong khu cách ly phong tỏa) là 695 em. Tỉnh đang huy động hỗ trợ các đối tượng học sinh, không để các em thiếu dụng cụ, sách giáo khoa khi trở lại trường học sau dịch Covid-19.  

Tại cuộc họp Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Đối với những học sinh, sinh viên gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường.

Để thực hiện điều này, theo đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, có gói an sinh hỗ trợ tạo điều kiện cho tất cả học sinh; nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn được bảo vệ với phương châm không để trẻ em, học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhất là hậu Covid-19.  

Nhiều địa phương bắt đầu triển khai miễn học phí cho học sinh

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng việc miễn, giảm học phí cho học sinh năm học mới này. Cụ thể, thành phố sẽ miễn học phí trong 9 tháng của năm học 2021 - 2022 cho các trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập. Không áp dụng đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông thuộc cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với các đối tượng được giảm học phí theo các chính sách của Trung ương và thành phố được cấp bù phần hỗ trợ cho bằng 100% mức thu học phí công lập năm học 2021 - 2022.

Đảm bảo không học sinh nào bị thất học sau dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 4.

Do ảnh hương dịch bệnh, nhiều địa phương bắt đầu triển khai miễn học phí cho học sinh.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã thống nhất, học sinh các trường công lập và ngoài công lập từ bậc mầm non đến THPT (trừ các trường vốn đầu tư nước ngoài) sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% học phí trong năm học 2021 - 2022, với kinh phí dự kiến khoảng 138 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp hiện nay, việc ban hành chính sách hỗ trợ học phí nêu trên sẽ giúp phụ huynh đỡ khó khăn, động viên và khuyến khích học sinh trước thềm năm học mới.

Tương tự, năm học 2021 - 2022, học sinh bậc THPT ở Hải Phòng sẽ được miễn 100% học phí. Trước đó, năm học 2020 - 2021, địa phương này cũng miễn học phí cho học sinh mầm non và THCS.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã đồng ý miễn học phí học kỳ I năm học 2021- 2022 cho khoảng 1,71 triệu học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT các trường công lập (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên)  để chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2021-2022, TP Hà Nội thực hiện miễn giảm 50% học phí cả năm học cho học sinh các cấp với tổng nguồn kinh phí 900 tỷ đồng. Học kỳ II, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để có thể miễn giảm 100% học phí cho người học.

Ông Cương cho biết thêm, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong toàn ngành, bảo đảm mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau", trong đó có việc đẩy mạnh phong trào "Máy tính cho em", hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến để sẵn sàng cho năm học mới.