Tham dự cuộc họp có đại diện nhiều Bộ, ngành liên quan gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội xuất khẩu lao động…
Nhiều nội dung được sửa đổi toàn diện
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cá nhân ông được giao trách nhiệm cùng Ban soạn thảo xây dựng Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) để trình Chính phủ, sau đó sẽ trình UBTVQH vào tháng 4 và dự kiến sẽ đưa ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để thảo luận.
"Nhiều nội dung sẽ phải sửa đổi một cách toàn diện, từ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật, những vấn đề mới và cả những vấn đề còn vướng mắc trong thời gian qua để đảm bảo Luật mới được xây dựng một mặt giải quyết được tất cả những vướng mắc đang đặt ra, đồng thời, mở ra những vấn đề để vừa đảm bảo quản lý nhà nước vừa thích ứng với thị trường lao động.", Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị Ban soạn thảo tập trung thảo luận những vấn đề lớn, có tính chất cốt lõi của Luật.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, Dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Văn kiện Đại hội Đảng cũng như các Chỉ thị của Bộ Chính trị trong điều kiện lực lượng lao đông trong nước dồi dào, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn khá phổ biến, khả năng tạo việc làm trong nước còn hạn chế thì hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dự án Luật tập trung vào 6 nhóm nội dung: Sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài trên cơ sở các hình thức đi làm việc ở nước ngoài của Luật hiện hành; Minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; Các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
"Quan điểm chỉ đạo khi xây dựng Luật, thứ nhất là, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật. Hai là, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động , đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ba là đảm bảo điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đủ để lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực về cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Bốn là đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai minh bạch về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, đảm bao sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật", ông Tống Hải Nam cho biết.
Tại cuộc họp, đại biểu các Bộ, ngành đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật, nâng cao chất lượng doanh nghiệp và chất lượng nguồn lao động đưa đi, các vấn đề về bảo vệ quyền lợi cho người lao động, công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Đơn giản với người lao động nhưng phải chặt chẽ với doanh nghiệp
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tất cả các ý kiến góp ý sẽ được Bộ tiếp thu và sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan và tổ biên tập hoàn thiện Tờ trình Dự án Luật.
"Bên cạnh việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân, rà soát lại ý kiến của các bộ ngành, các cơ quan, các địa phương và hiệp hội, tôi đề nghị mở rộng việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các nghiệp đoàn ở một số nước mà chúng ta đang phái cử lao động, ý kiến của những người đã từng đi lao động ở nước ngoài, kể cả ý kiến của những phóng viên viết về lĩnh vực này. Càng lấy ý kiến rộng rãi càng tốt, lấy ý kiến cho đến khi Thường vụ Quốc hội họp, thậm chí cho đến khi Quốc hội thông qua Luật.", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật, Bộ trưởng đề nghị, hiện nay ngoài đối tượng điều chỉnh toàn diện trong Dự án Luật thì những đối tượng có thể áp dụng môt số điểm của Luật này và những luật khác liên quan như lao động đường biên hay các loại hình hợp tác lao động ngắn hạn giữa các địa phương mà chúng ta đang thí điểm… cũng cần nghiên cứu đưa vào, trong đó phải làm rõ trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan và các địa phương…
Bộ trưởng yêu cầu, Luật phải nêu rõ được vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đây là một trong những giải pháp để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đồng thời, mở rộng quyền công dân và khắc phục được những khuyết điểm trong thời gian qua.
Đồng thời, Luật phải đảm bảo tạo sự vận động phù hợp với thị trường lao động, góp phần xây dựng thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh và hiện đạị, phải đúng thông lệ quốc tế nhưng phải bám vào hiệp định hợp tác lao động (MOC) với từng nước.
"Về thủ tục, phải rất đơn giản với người lao động. Cởi mở với người lao động, nhưng phải chặt chẽ với doanh nghiệp. Chặt chẽ không phải là "bó" doanh nghiệp mà phải công khai, minh bạch, thậm chí cấp thủ tục không cần gặp trực tiếp mà tất cả tiến hành qua mạng", Bộ trưởng lưu ý.