Sau khi trò chơi Pokemon Go chính thức phát hành ở Việt Nam đã tạo nên một cơn sốt. Nhiều người hoảng hốt khi thấy cả một xã hội “lên đồng”, cúi gằm mặt, dành hết tâm sức cho những quái thú ảo trong điện thoại đi động. Những người ở thế giới thực đang lao mình như thiêu thân theo những con vật ở thế giới ảo gây ra nhiều hậu quả khó lường.
PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)
Say mê bắt Pokemon đến nỗi bị giật điện thoại ở nơi công cộng, háo hức bắt Pokemon đến nỗi không phân biệt được đang đi trên đường phố hay đi nhầm vào đồn công an, mải miết chạy theo Pokemon gây tai nạn cho người khác, trốn làm, bỏ học để săn Pokemon...
Câu chuyện nam thanh niên bị bắn chết ở Mỹ khi đang chăm chú săn bắt quái thú khiến trò Pokemon Go không đơn thuần chỉ là game giải trí.
Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về việc mà một đám đông đang nhao nhác "lên đồng" về một trò chơi điện tử như Pokemon Go?
Như các bạn đã thấy, Pokemon Go không giống những game giải trí đơn thuần. Thoạt nghe hướng dẫn thì có vẻ nó là một trò chơi lành mạnh, bổ ích. Nó kích thích người chơi vận động liên tục để giải phóng năng lượng cơ thể, sáng tạo trong cách huấn luyện vật ảo.
Những ngày qua, khi theo dõi cũng như đọc tin tức về hiện tượng game Pokemon Go, tôi có thể nhìn thấy và khẳng định luôn rằng phần tiêu cực của trò chơi nhiều hơn tích cực. Không ít người bỏ việc làm, bỏ học hành để chạy theo một trò chơi. Thậm chí, trường hợp vi phạm giao thông, vi phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến trò chơi này.
Vấn đề ở đây tôi cho rằng đó là một sự vô thức tập thể. Thấy thiên hạ người ta chơi thì mình cũng lao theo. Tất nhiên, lớp trẻ rất năng động, lớp trẻ rất thích những cái mới và lớp trẻ rất hòa nhập với cái mới là điều tôi không phủ nhận. Nhưng mà thấy người ta chơi rồi mình cũng chơi, thấy người ta ham hố thì mình cũng ham hố và dẫn đến những hiện tượng hiện nay là không được.
- Ông có thể giải thích rõ hơn về cái gọi là "sự vô thức tập thể"?
Vô thức tập thể là một hiện tượng tâm lý, hiện tượng xã hội. Nó lây lan từ người này sang người khác. Mà cái vô thức tập thể này lợi ít hại nhiều. Ví dụ, thế giới người ta cũng có những trào lưu như lớp trẻ đua nhau khởi nghiệp, đua nhau làm giàu, đua nhau sáng tạo. Tại sao mình không đua vào những trào lưu đó mà lại đi đua vào những trò vô ích, vô bổ dễ dãi như vậy?
Những hình ảnh không hiếm sau khi Pokemon Go phát hành tại Việt Nam
Lý do là mình thiếu bản lĩnh của con người, tâm lý đám đông, tâm lý tính chất vô thức đã kéo người ta chạy theo. Nó cũng là một bệnh của giới trẻ thế giới hiện nay nhưng ở Việt Nam tính đua đòi, a dua cao nên biểu hiện "vô thức tập thể" rõ ràng hơn.
Mới đây nhất, khi tôi xem một chương trình truyền hình đưa tin về đám đông bạn trẻ đang cầm điện thoại đuổi theo vô thức một con vật ảo Pokemon, tôi đã phải thốt lên rằng: "Bảo hoàng hơn vua". Tức là, thấy người ta lao vào việc gì thì mình cũng lao vào cho nó giống người khác. Mình không có tính chủ động, tính chất đánh giá và tự chủ để biết phải nên chọn lựa cái gì và không chọn lựa cái gì phù hợp với bản thân.
Xe máy xếp hàng trước cổng Văn Miếu săn Pokemon
- Theo ông đánh giá, liệu đây có phải là trò chơi sớm nở tối tàn hay với lượng người chơi đông đảo như vậy Pokemon Go sẽ sống được quá trình lâu dài?
Tôi tin chắc rằng trò Pokemon Go này rồi cũng sẽ qua nhanh thôi. Nó cũng chỉ là một trào lưu lãng xẹt của giới trẻ. Nhà sản xuất nắm bắt được xu hướng đám đông vô thức của người dùng và PR trúng vào đó. Tôi không phủ nhận sáng tạo của người phát hành game nhưng không phải sáng tạo nào cũng mang tính nhân văn nhân bản, không phải sáng tạo nào cũng mang tính tích cực cho xã hội.
- Trên mạng xuất hiện câu chuyện kể về một nhân viên văn phòng chui vào gầm bàn ngồi cười vì vừa bắt được một con Pokemon. Ông đánh giá thế nào về hành động này?
Đây chính là biểu hiện mặt trái của trò chơi. Nó làm cho con người ta vô ý thức, không có ý thức về nhân cách của mình. Nếu tôi đến cơ quan nào đó, thấy một nhân viên ngồi dưới gầm bàn cười khúc khích, rõ ràng tôi sẽ đánh giá nhân cách người này kém đi chứ.
- Theo ông nó có phải là biểu hiện của việc nghiện game giống như những trò chơi khác?
Hiện người chơi Pokemon Go chưa đến mức gọi là nghiện game nhưng nó cũng là bước đầu của câu chuyện người ta bị nghiện mà không ý thức về nhân cách. Rủ nhau làm cái này, rủ nhau làm cái kia, a dua làm cái này cái khác trong khi xã hội đang cần một cái sự sáng tạo nào đó có ích hơn.
Trò chơi này đã làm cho người ta mải mê cái đó đến mức mà anh thiếu đi cái ý thức về nhân cách, ý thức trách nhiệm của mình trước xã hội, trước công việc.
- Đứng ở góc độ xã hội học, ông đưa ra lời cảnh tỉnh nào cho những người đang và sẽ tiếp tục say mê với trò chơi này?
Bây giờ các vị hứng thú như vậy nhưng đến một lúc các vị cũng chán cả thôi. Nên ý thức trước để tránh những trường hợp đáng tiếc đối với mình và những người xung quanh.
Tránh nó đi chứ đừng lao vào cái mà mình biết cuối cùng nó cũng nhàm chán, vô bổ. Đối với người trẻ mình nên tìm những trò, những trào lưu, xu hướng nó có ý nghĩa với cuộc sống của mình và cộng đồng hơn.
Trò chơi này đã làm cho người ta mải mê cái đó đến mức mà anh thiếu đi cái ý thức về nhân cách, ý thức trách nhiệm của mình trước xã hội, trước công việc. |
- Xin cảm ơn ông!