Như Dân trí đã thông tin, ngày 2/4, rất đông người dân ở huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) và TP Vinh (tỉnh Nghệ An) đã lái ô tô dán băng rôn, dùng nhiều xấp tiền lẻ có mệnh giá từ 200 đồng đến 2.000 đồng để mua vé tại trạm thu phí BOT Bến Thủy 1. Việc này khiến nhân viên thu phí phải rất mất nhiều thời gian kiểm đếm tiền nên xảy ra tình trạng giao thông ở 2 bên cầu bị ùn tắc nghiêm trọng.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 3/4, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận sự phản ứng của người dân là có cơ sở và cho rằng mức phí cao khi qua trạm BOT Bến Thủy cần thiết phải có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Hiện tại, đối với các trường hợp dân cư gần khu vực trạm thu phí có tần suất đi lại nhiều lần trong ngày là áp dụng thu vé tháng, quý, năm. Các loại vé này đã giảm rất nhiều so với vé ngày. “Người dân muốn phải được miễn phí, nhưng theo quy định của Bộ Tài chính đã là phí thì không được miễn mà chỉ được giảm” - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Người dân phản đối gay gắt vì cho rằng trạm BOT qua cầu Bến Thủy có mức phí quá cao (ảnh: Xuân Sinh)
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, về nguyên tắc, Bộ đồng ý chủ trương để cho doanh nghiệp và địa phương tự thu xếp mức phí, ủng hộ việc miễn - giảm phí cho người dân sống gần khu vực trạm, cho các đối tượng chính sách. Việc thu xếp phí phù hợp doanh nghiệp và địa phương hoàn toàn có thể chủ động làm.
“Người dân bức xúc đòi giảm phí, nhưng Bộ GTVT muốn duyệt mức giảm như thế nào phải căn cứ vào đề xuất của địa phương. Cho đến nay (ngày 3/4), UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chưa hề có văn bản nào gửi Bộ GTVT kiến nghị về mức phí giảm cụ thể.
Bộ GTVT sẽ tổ chức cuộc họp về vấn đề của trạm BOT qua cầu Bến Thủy, Bộ sẽ mời các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và nhà đầu tư tới làm việc, trên cơ sở thống nhất phương án thu phí cụ thể giữa các bên để gửi văn bản lên Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo” – lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Trạm thu phí BOT Bến Thủy I và Bến Thủy II được lập ra để thu phí hoàn vốn cho Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh và “thu hộ” cho 4 dự án BOT khác nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Người dân cho rằng trạm thu phí được đặt “nhầm chỗ”, khiến người dân không sử dụng hoặc sử dụng rất ít công trình BOT nhưng vẫn phải nộp phí. Trong khi đó, để nhanh chóng hoàn vốn cho dự án, mức phí qua trạm liên tục được điều chỉnh tăng từ 15.000 đồng lên tới 45.000 đồng/lượt.
Người dân cố tình trả tiền lẻ khi mua phí qua trạm BOT Bến Thủy ngày 2/4 để nhân viên thu phí phải mất rất nhiều thời gian kiểm đếm (ảnh: Nguyễn Duy)
Cần phải nói thêm rằng, không riêng tại trạm BOT qua cầu Bến Thủy, việc người dân kéo nhau đến phản đối các trạm thu phí đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Dù phương án giảm phí phần nào dần ổn định được tình hình, nhưng về lâu dài Bộ GTVT cần có giải pháp hợp tình hợp lí để xử lý triệt để.
Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đã nhìn nhận lại tổng thể và đang trình Thủ tướng Chính phủ tiến tới hướng giải quyết đối với những xã ở 2 bên trạm có người dân đi lại hàng ngày sẽ giảm 100%, đối với 2 huyện lân cận thì giảm 50%, các đối tượng khác thực hiện vé quý, vé tháng. Khi Thủ tướng phê duyệt và ban hành thì quy định này sẽ áp dụng trên toàn quốc.
“Bộ GTVT đang cố gắng để giải quyết dứt điểm trong năm 2017. Hiện Bộ GTVT đã giải quyết được khoảng 98% trên toàn quốc, trên cả còn 5 trạm thu phí đang đặt “nhầm chỗ”, trong đó có trạm BOT qua cầu Bến Thủy” - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.