Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Dân quay quắt vì thiếu nước sạch sinh hoạt

Tình trạng nắng nóng kéo dài cùng nhiệt độ tăng cao trong những ngày qua đã gây hạn hán trên diện rộng ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), cuộc sống của người dân vì thế cũng đảo lộn do thiếu nước sinh hoạt trầm trọng…

Dân khát, trẻ nhỏ càng khát hơn…

Hơn một tuần qua, ông Nguyễn An (xã Tân Hợp) phải xách can đi khắp xóm, đến những nhà có giếng đào để xin nước về dùng, bởi Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh thực hiện cắt nước luân phiên.

Gặp chúng tôi khi đang cố sức vận chuyển hai can nước vừa xin được ở một nhà hàng xóm, ông An than vãn: “Mấy hôm nay không có nước sinh hoạt, tôi phải đi xin từng can nước giếng về để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, cũng chỉ tằn tiện trong chuyện nấu nướng, tắm giặt thì phải hạn chế. Lúc tối, nhà máy nước có xả chừng một tiếng đồng hồ, nhưng nước chảy rất chậm, không giải tỏa được cơn “khát” của người dân trong nhiều ngày qua”.

Theo lời ông An, tình trạng thiếu nước sạch đã diễn ra gần một tháng nay, khiến việc sinh hoạt của gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác gặp rất nhiều khó khăn. Để đối phó với tình trạng thiếu nước trầm trọng như hiện nay, ông dự định thuê người đào giếng hoặc khoan giếng để chủ động nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

Vùng Lìa đang thiếu nước trầm trọng.

          Do việc thiếu nước diễn ra trên diện rộng nên rất nhiều hộ dân ở huyện Hướng Hóa còn khốn khó hơn vì chuyện xin nước từ các gia đình có giếng cũng không dễ. Tình trạng hạn hạn khiến nhiều giếng đào gần trơ đáy. Nhiều hộ dân phải đi mua nước với giá đắt đỏ, hoặc sử dụng nước ở các khe, suối không đảm bảo vệ sinh.

Các hộ kinh doanh những ngành nghề nhỏ lẻ như: Giặt quần áo, rửa xe, đá lạnh... hoạt động cầm chừng theo lượng nước dự trữ được. Việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trên địa bàn cũng không thể nào đáp ứng, ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của các loại cây trồng, vât nuôi.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Hoàng Thị Xinh, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tân Liên, bức xúc: “Gần cả tháng nay, nhà trường luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc trẻ của các giáo viên cũng như sinh hoạt của các cháu nhỏ”.

Trường mầm non xã Tân Liên hiện trông giữ và dạy dỗ 300 trẻ mầm non. Để đảm bảo việc sinh hoạt và vệ sinh cho các cháu, cán bộ, giáo viên ở đây đã phải thay phiên nhau đi xách nước ở bên ngoài về dùng. “Tình trạng này còn kéo dài thì các cháu đã khổ mà chúng tôi càng vất vả hơn, vừa lo nước ở trường, vừa lo nước ở nhà”, cô Xinh nói.

Theo lời cô Xinh, do thiếu nước kéo dài nên hệ thống nước sạch trong trường cũng như các công trình vệ sinh không thể hoạt động được vì không có nước. Hằng ngày các cô giáo trong trường phải thay phiên nhau, trầy trật mãi mới xách được từng can nước về lau dọn, vệ sinh cho các cháu. Dự kiến, nhà trường sẽ phải đóng cửa trong giai đoạn nghỉ hè nếu địa phương và ngành chức năng không có biện pháp khắc phục, hỗ trợ…

Nói về tình trạng thiếu nước trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh, ghi nhận: Thời gian qua Xí nghiệp cung cấp nước cho 3.200 hộ dân ở thị trấn Khe Sanh và các xã vùng ven: Tân Liên, Tân Lập, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Long...

Tuy nhiên, thời gian này mực nước ở hồ chứa tại thôn Đại Thủy (xã Tân Liên) chỉ đạt 30-40% so với mức bình thường, hạ rất thấp so với mực nước các năm trước.

Hồ chứa hiện đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, mỗi ngày Xí nghiệp cố gắng lắm cũng chỉ hút được 14-16 tiếng đồng hồ, lưu lượng nước hút được khoảng từ 1100-1200 khối nên không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân.

Đề cập đến biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn, ông Thiện cho biết, Xí nghiệp đã cố gắng khắc phục bằng một số biện pháp, như: Thường xuyên cử công nhân đi khơi thông dòng chảy các khe suối, nạo vét lòng hồ chứa nước ở thôn Đại Thủy để tích tụ nước được nhiều hơn; tăng cường sửa chữa các vị trí đường ống bị hư hỏng, lắp thêm thiết bị xả khí, xả nước để nước luân chuyển nước hiệu quả hơn, lắp đặt các tuyến đường ống dã chiến để phục vụ tốt cho nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Trong việc phân phối nước, ông Thiện khẳng định đơn vị đã chia ra từng nhánh, tuyến đường, khu phố để cấp nước, đảm bảo cho người dân sinh hoạt; đồng thời vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, cùng chia sẻ khó khăn cùng xí nghiệp qua mùa khô này. Cùng với đó, Xí nghiệp sẽ triển khai tìm kiếm một nguồn nước khác để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thời gian tới.

Ông Thiện khẳng định thêm rằng, dù nước sinh hoạt có thiếu nhưng chất lượng nước được đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người sử dụng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ người dân ở các xã có đường ống nước của Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh bị thiếu nước mà hầu hết các địa phương của huyện Hướng Hóa đều phải chịu chung cảnh: Nước sinh hoạt quý hơn bất cứ thứ gì vào lúc này.

Một cán bộ ở xã Thuận chia sẻ: “người dân các xã vùng Lìa bắt đầu bước vào “mùa” thiếu nước khi mà đường ống nước tự chảy đã hư hỏng, trong khi nước sông Sê Pôn hay các sông, suối khác cũng đã cạn kiệt”.