Trong phiên tòa xử vụ kiện của Vipico, chính quyền TP. Đà Nẵng thua kiện vụ hủy kết quả đấu giá đất vàng. Ảnh KT
Dân kiện chính quyền và dân đã thắng
Cách đây khoảng 30, 40 năm, người dân cũng như doanh nghiệp ít khi nghĩ tới chuyện đưa các cơ quan công quyền ra tòa, mặc dù họ thấy mình bị o ép, bị đối xử bất công. Sau đó thì có một số người không chịu nổi nên khởi kiện. Tuy nhiên, phần thua luôn thuộc về họ.
Khoảng mươi năm trở lại đây tình hình đã khác, dân khởi kiện cơ quan công quyền nhiều hơn và họ thắng kiện cũng nhiều hơn. Ví dụ, ngày 28/8/2015, TAND huyện Hớn Quản (Bình Phước) xét xử vụ kiện hành chính giữa cô giáo Hoàng Thị Thinh, khởi kiện quyết định hành chính do Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản ban hành và khởi kiện hành vi hành chính của nhiều công chức, viên chức hoạt động trong ngành Giáo dục tại huyện Hớn Quản. Công lý đứng về phía cô Hoàng Thị Thinh, mặc dù chính quyền tìm mọi cách thoái thác trách nhiệm.
Ở TP. Hồ Chí Minh cũng có một số người dân kiện và thắng kiện chính quyền địa phương. Đó là vào ngày 13/10/2013, bà Thúy đã làm đơn khởi kiện UBND quận Bình Thạnh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định. Hay việc ông Nguyễn Tiến Đạt kiện UBND huyện Củ Chi và thắng kiện.
Ông Phan Kỳ Nam (ngụ thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cũng đã thắng kiện UBND thị xã Vĩnh Châu vào năm 2017. Năm 2018, ông Phạm Hồng Phương (SN 1963), trú tại tổ 18, khu 2A, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long cũng được TAND tỉnh Quảng Ninh xử cho thắng kiện UBND TP. Hạ Long.
Như vậy, chúng ta có thể thấy là người dân ngày càng tự tin kiện chính quyền địa phương khi họ thấy mình bị chính quyền “cậy quyền, cậy thế” o ép, khiến họ chịu thiệt thòi. Chỉ có điều, sau khi thắng kiện, họ bị chính quyền dây dưa không chịu thi hành bản án.
Doanh nghiệp cũng đã dám đưa chính quyền ra tòa và cũng đã thắng
Vị thế của doanh nghiệp không thuận lợi như người dân (vì doanh nghiệp còn phải kinh doanh) nên doanh nghiệp có phần vị nể chính quyền hơn, ít dám kiện tụng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn làm việc này, họ đành phải làm cái việc bất đắc dĩ là khởi kiện chính quyền ra tòa.
Một trong những vụ án mà giới báo chí quan tâm là việc Tập đoàn Bảo Sơn khởi kiện Cục Thuế Hà Nội. Vụ án kéo dài qua nhiều năm và đã qua 2 lần xét xử nhưng chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể, vào năm 2019, TAND TP. Hà Nội mở 2 phiên tòa xét xử vụ án này nhưng kết luận là Tập đoàn Bảo Sơn nên kiện Sở Tài chính Hà Nội thì đúng hơn.
Ở Hà Nội, Tập đoàn Mường Thanh đang bị khởi tố. Nhưng tại Đà Nẵng, Tập đoàn Mường Thanh lại đang khởi kiện chính quyền Đà Nẵng. Như thế, chúng ta đã thấy được sự phức tạp của cuộc sống, và tòa án được chọn làm nơi giải quyết các tranh chấp.
Tại Đà Nẵng, mới xảy ra một sự kiện khiến dư luận chú ý. Đó là vào ngày 2/3/2020, HĐXX của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng trong phiên phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo với nguyên đơn là UBND TP. Đà Nẵng và giữ nguyên án sơ thẩm; buộc UBND TP Đà Nẵng công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Vipico (trụ sở ở Hà Nội) đối với lô đất ký hiệu A20 mặt tiền đường Võ Văn Kiệt. Đây là vụ án đã qua xử sơ thẩm (tại phiên sơ thẩm, chính quyền Đà Nẵng cũng thua kiện).
Nội dung khởi kiện: Ngày 27/6/2017, Công ty cổ phần Vipico được Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP. Đà Nẵng công nhận là đơn vị trúng đấu giá khu đất A20 ở phía đông cầu Rồng (quận Sơn Trà), diện tích 11.487m2, với giá 56.800.000 đồng một m2. Ngày 28/7/2017, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 4105 công nhận kết quả đấu giá. Hai tháng sau, Cục Thuế Đà Nẵng thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất và nộp lệ phí trước bạ. Vipico phải nộp 652 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, chia làm 2 đợt, mỗi đợt 50% và kết thúc nộp đợt 2 vào 9/12/2017. Ba tháng sau, Vipico thanh toán đợt 1 số tiền 326,7 tỷ đồng. Đợt 2, doanh nghiệp nộp chậm 52 ngày số tiền 326,4 tỷ đồng so với thông báo của cơ quan thuế. Giữa tháng 11/2018, UBND TP. Đà Nẵng ra Quyết định số 5443 hủy Quyết định 4105 về công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất.
Công ty Vipico cho rằng, họ chậm nộp tiền thì chỉ bị phạt thôi chứ không có cơ sở nào để hủy kết quả quyền sử dụng đất của họ. Thế là qua 2 phiên tòa, họ đã thắng kiện.
Khu đất A20 nằm phía đông cầu Rồng, quận Sơn Trà mà UBND TP Đà Nẵng đã hủy kết quả đấu giá của Vipico. Ảnh KT
Buồn hay vui khi người dân, doanh nghiệp thắng kiện chính quyền?
Trước hết, phải nói với nhau điều này: Chuyện người dân, doanh nghiệp khởi kiện cơ quan Nhà nước ra tòa là bình thường, nó thể hiện sự văn minh trong quá trình hoạt động, kinh tế - xã hội. Sự việc này chứng tỏ đất nước Việt Nam đang thực sự hướng tới xã hội văn minh trong thời kỳ hội nhập. Tư duy dân kiện chính quyền chẳng khác nào “trứng chọi với đá” đã lỗi thời.
Tuy nhiên, việc chính quyền liên tiếp thua kiện trong các vụ án hành chính khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi và có cảm giác chính quyền ở một số nơi chưa làm tốt công việc của mình. Đây là điều rất đáng suy ngẫm.
Theo ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND tối cao) thì trước đây (và ngay cả hiện nay), cơ quan Nhà nước thường làm thay luôn việc của tòa. Hơn thế nữa, các cơ quan chức năng sai do không làm đúng thẩm quyền, họ ban hành quyết định không phù hợp, thậm chí vượt thẩm quyền, ban hành quyết định thay luôn cấp trên, thay cả tòa án.
Một điều dễ thấy là những người đứng đầu các cơ quan công quyền địa phương thường cho rằng, dân ít khi dám kiện chính quyền ra tòa vì tòa cũng là chính quyền. Thực tế là chánh án tòa án các cấp đều tham gia cấp ủy (chánh án tòa án huyện là huyện ủy viên, chành án tòa án tỉnh là tỉnh ủy viên, chánh án tòa án tối cao là trung ương ủy viên) nên khiến người ta nghĩ thế. Tuy nhiên, tòa án có tính độc lập tương đối của tòa; những sai phạm rõ ràng của chính quyền thì tòa không thể bao che được.
Dù nhiều người trong chúng ta có chút ngậm ngùi khi chính quyền thua kiện nhưng đây là sự việc nên vui thì đúng hơn, hợp hơn.
Trần Nghiêm/TC GĐ&TE