Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm

Từ xa xưa, vào mùa trổ hoa ngô đồng đỏ, những bông hoa nở rộ cả một vùng núi trên đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An, Quảng Nam) cũng là lúc những người phụ nữ trong xã đảo khăn gói lên núi lấy cây ngô đồng về đan võng.

 

Cù Lao Chàm bao quanh là biển, có 8 hòn đảo và 7 bãi biển, những cây ngô đồng vào mùa nở đỏ cả vùng biển. Võng ngô đồng độc đáo bởi nó được làm từ thân cây ngô đồng, phơi khô tước thành sợi và rồi nối đan lại với nhau. Bây giờ chỉ còn lại những người già đan võng, nghề này cần sự kiên nhẫn bởi hai tháng mới đan được một chiếc võng.

 

Cù Lao Chàm với đặc trưng cây ngô đồng.ảnh:Huyền Trang

 

Bà Lý Thị Quỳ, dù đã qua cái dốc bên kia cuộc đời, bà vẫn sống ở xã đảo Tân Hiệp, bà bảo cha mẹ gọi tên bà là Cù Quỳ, để cho “dễ nuôi”. Bà đan võng từ hồi còn là con gái, bà nói: “Hồi đó, chỉ đan nằm trên đảo thôi, bây giờ khách du lịch nhiều, người ta muốn mua nhiều mà mình làm không kịp bán”.

Võng ngô đồng chắc lắm, nó như cây ngô đồng, phong ba bão táp đều không sợ, lại sử dụng được rất lâu. Người xưa kể, Cù Lao Chàm nơi ngư dân ra khơi đánh bắt cá, và những người phụ nữ ngồi chờ chồng. Chiếc võng ngô đồng đan tháng này qua tháng khác đến khi xong thì thuyền vừa cập bến. Chồng nằm võng đỡ mệt lại mát mẻ. Bà Quỳ nói: “Khi giao thương với đất liền phát triển, chúng tôi mang vào Hội An bán, nhờ võng mà nuôi con cái lớn”.

Đan võng không có gì khó khăn nhưng cần kiên nhẫn, một sợi ngô đồng đều rât quý, người ta dùng nước thấm vào mỗi sợi khi đấu nối các sợi lại với nhau, vuốt cho đều đẹp. Những hoa văn trên võng cũng được bàn tay các chị, các mẹ đan lại khéo léo. Cứ như thế đến 2 tháng là xong một chiếc võng. Bà Quỳ bảo: “2 tháng bán ra chừng 5 triệu/chiếc”.

 

Bà Quỳ đan võng ngô đồng từ hồi còn con gái.ảnh:Huyền Trang

 

Ngô đồng có một đặc tính khiến người Hà Nội rất thích là trị phong, bà Quỳ kể: “Người nằm trên võng, những  vỏ cây của ngô đồng đâm vào lưng chà nhẹ nhàng, nằm lâu có tác dụng hút hết độc phong trong người. Người già nằm rất tốt”.

Một cái võng sử dụng ít nhất cũng 20 năm, người trong làng giờ chưa đến chục người làm võng, bà Quỳ bảo: “Ngày xưa nhiều người làm, bây giờ không người trẻ nào ngồi kiên nhẫn đan từng sợi cây cả, lại làm cả mấy tháng mới được một cái, vất vả quá”.

Bà Quỳ còn băn khoăn khi cây ngô đồng càng hiếm, trước kia ra trước ngõ là có, giờ phải lên núi cao mới tìm thấy, những người đàn ông trai tráng mỗi lần lên núi thường tìm giúp những người già, “Thân già rồi không đạp rừng tìm cây được nữa, đàn ông vào rừng tìm cây đập vỏ mang về mình làm thôi”-Bà nói.

Nghề đan võng ngô đồng trở thành đặc trưng của vùng đảo Cù Lao Chàm, hiện nay, nghề này nằm trong danh sách thu hút du lịch của thành phố Hội An và dự kiến sẽ xây dựng đường ngô đồng đỏ trở thành đường du lịch biển.