Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đắng chát phận người làm thuê nơi đất khách

Vì không có công ăn việc làm, vì miếng cơm manh áo, nên những người dân nơi phên giậu ấy đã nhắm mắt ra đi, sang bên kia biên giới làm thuê, với hy vọng có những đồng tiền từ việc bán sức của mình, để cứu giúp gia đình. Nhưng niềm hy vọng mong manh ấy của họ gặp rất nhiều cạm bẫy gian truân. Họ bị bóc lột sức lao động thậm tệ, tiền công cũng bị cướp đoạt, thậm chí có người thành vong hồn nơi đất khách. Chuyện đang xảy ra ở hầu hết các tỉnh giáp biên giới phía Bắc trong những năm gần đây.

 

Không chỉ người lớn mà rất nhiều trẻ em cũng vượt biên sang biên giới làm thuê.


Gian nan đời làm thuê 

Đã thoát thân về nước được một thời gian, nhưng anh Lèng Văn Chinh vẫn thẫn thờ khi nhớ về những ngày sang biên giới làm thuê. Chinh bảo, nhà anh nghèo lắm, trong bản cũng nhiều hộ nghèo như gia đình Chinh. Người dân tộc trên vùng này mỗi năm chỉ trông vào vụ lúa trồng ở các thửa ruộng bậc thang trên núi cao. Núi thì cao, canh tác theo tập quán cũ, phân bón không có nên “cái lúa” nó cũng về nhà ít đi. Lúa “về nhà” mỗi năm ít dần, nên cái nghèo và đói thường xuyên đeo bám người dân nơi đây.

Thế rồi trong một lần tới huyện Xín Mần (Hà Giang) chơi, Chinh đã gặp lại ông chú họ tại một phiên chợ. Sau vài chén rượu đãi nhau, thấy Chinh kêu không có việc làm, ông chú chỉ sang biên giới và rỉ tai Chinh cho biết: “Bên ấy có mối, công việc vừa nhàn, lại thu nhập cao”. Theo lời ông chú mỗi ngày làm công, được trả cho 60 tệ, tương đương 180 nghìn tiền Việt Nam. Nghe bùi tai, sau buổi chợ, Chinh về nhà chia tay Vợ và 3 đứa con, sắp quần áo rồi lên đường và không quên rủ thêm 3 người bạn cũng cùng cảnh ngộ. Sang đất Xín Mần, 4 người của Chinh cùng 11 người nữa đã được đưa lên ô tô. Xe đến biên giới, không hộ chiếu, không giấy thông hành, chờ tối, họ đưa 14 người lén lút vượt biên.

Sang đến bên kia biên giới, ông chú họ lại “bàn giao” bọn Chinh cho 2 ông “cai”. Bọn Chinh lại bị tống lên xe, đi tiếp ba ngày ba đêm nữa vào sâu trong biên giới Trung Quốc rồi bị tống vào một khu trang trại rộng ngút ngàn. Bọn Chinh không biết nơi này là đâu, chỉ lờ mờ hình như đó là tỉnh Quảng Đông. Từ đây bọn Chinh bắt đầu những chuỗi ngày lao động hết sức cơ cực của đời mình.

Bằng những cuộc gặp gỡ ngoài chợ, rất nhiều người đã có ý định vượt biên kiếm việc làm.

Sáng sớm, 5 giờ cả nhóm Chinh bị chủ đánh thức. Không kịp rửa mặt, đánh răng, ăn sáng chỉ cơm nguội với cá khô, rồi lên núi, phát cỏ, trồng bạch đàn, đến lúc mặt trời đứng bóng mới được nghỉ. Trưa về lán, cơm cũng chỉ có chút thức ăn mặn chát và canh rau lõng bõng. Cơm xong, hút được vài ba điếu thuốc lào, uống vội hớp nước rồi bọn Chinh lại bị dồn lên núi. Tối nhọ mặt người, chủ mới cho “hạ sơn” để về ăn bữa cơm, cũng đạm bạc như buổi trưa rồi lăn ra ván liếp mà ngủ để cho ngày làm việc cật lực hôm sau. Sống trong cảnh cùng cực ấy, không được ông chủ trả lương như “hợp đồng miệng”, nên bọn Chinh nhất loạt đòi về. Lúc này ông chủ bảo, chưa xong việc nên chưa được tiền và chưa được về. Thấy bị đối xử không ra gì, cả bọn Chinh nhất loạt cự lại, ông chủ chấp nhận đưa 4 người trong đó có Chinh lên ô tô. Xe chạy hơn 1 ngày, đến nửa đêm, bọn Chinh bị đổ xuống vệ đường, còn ông chủ bỏ trốn mất tích. Hỏi thăm, bọn Chinh được biết đang ở Châu Văn Sơn. Lúc này chả còn cách nào, cả bọn đành cứ nhằm hướng Nam, vừa đi vừa hỏi đường. Xin ăn, xin uống, mất 5 ngày cả bọn đi bộ thất thểu phồng rộp chân mới về được đến biên giới Việt Nam và tiếp tục chui lủi tìm đường về quê.

Vong hồn đất khách

Dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, khi đem chuyện thân phận những người dân vượt biên chui sang bên kia làm thuê, đâu cũng thấy và toàn những chuyện mủi lòng. Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên... toàn những chuyện khổ, những cơ cảnh tựa địa ngục chốn trần gian cả.

Là người Mông, sống mãi tận xã Phó Bảng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) nên Vừ Mí Phừ cũng khốn khó lắm. Lại thấy người ta bảo bên kia biên giới có việc làm, bắt được mối nên Phừ quyết ra đi. Chỗ Phừ sang làm việc là một nông trường trồng rừng, ông chủ bảo sẽ trả cho 120 tệ, tương đương gần 400 nghìn/ngày công. Sang đến nơi Phừ mới vỡ mộng. Vì ngoài việc cho ăn, cho ở chả hơn “con ngựa được nuôi trong chuồng”, làm quần quật mấy tháng Phừ không được trả lương như đã hứa. Sau 7 tháng làm việc, đòi mãi, ông chủ mới trả cho... 3 tháng lương. Chỗ Phừ làm cũng có rất nhiều người Việt Nam sang theo kiểu chui lủi, nên ông chủ thường cấm bọn Phừ ló mặt ra đường.

Vừ Mí Phừ vẫn còn kinh hãi bởi những trận đòn bên xứ người.

Sống chui lủi, làm việc quần quật và bị quỵt lương như vậy nhưng vận may cũng không đến với Phừ. Một buổi, đang trên đường lao động về, công an nước bạn ở khu sở tại đã ào đến. Phừ và 15 lao động Việt cùng tình cảnh bị bắt lên xe, đưa về đồn giam giữ. Bọn Phừ không biết nên thường xuyên bị tra khảo, đánh đập và được nuôi dưỡng không ra gì. Riêng Phừ còn bị họ dùng dùi cui và gậy sắt đánh gây thương tật ở bắp tay. Sau mấy ngày trong đồn, cả nhóm bị đưa đi lao động ở bên ngoài để lấy tiền cho chi phí giấy tờ, thuê xe lên biên giới và bị trả về nước qua Đồn Biên phòng Phó Bảng.

Bị quỵt lương, đối xử không ra gì, bị bắt bớ và đánh đập vẫn còn may đối với những người dân nghèo khi vượt biên làm thuê. Tháng 11/2015, 10 thanh niên dân tộc xã Phó Bảng trốn sang biên giới làm thuê đã gặp tai nạn. Trên đường di chuyển từ Quý Châu về Ma Ly Pho (Trung Quốc) chuyến xe gặp tai nạn làm chết tại chỗ Hoàng Càn Sênh, sinh năm 1992 tại Yên Cường (huyện Bắc Mê) và Vàng Chứ Dia, sinh năm 1961 tại Sính Lủng (huyện  Đồng Văn). 7 người khác bị thương, sau khi hoàn hồn đã tự tìm đường trốn về Việt Nam.

Cần có giải pháp

Hiện nay theo thống kê tại các tỉnh biên giới phía Bắc, tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang biên giới làm thuê ngày một đông, bắt đầu rộ lên vào năm 2011 và ngày một tăng trong những năm gần đây. Theo thống kê của UBND huyện Si Ma Cai (Lào Cai), toàn huyện có 395 người đi nơi khác làm thuê, trong đó có 210 người sang Trung Quốc. Qua khảo sát và nắm tình hình thì những người đi làm thuê chỉ mang tính tự phát, với mục đích kinh tế.

Vấn đề lao động vượt biên trái phép làm thuê, đặc biệt với các trường hợp đi làm thuê bị lừa gạt, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là ở những xã biên giới. Để xảy ra vấn đề này, theo các tỉnh có hiện tượng này thì ngoài lý do kinh tế thì còn là sự ý thức của người dân.

Tỉnh Hà Giang, vùng đất địa đầu Tổ quốc có tới trên 300km đường biên giới và có tới 7/11 huyện, thành phố thuộc vùng giáp biên với Trung Quốc, theo thống kê, hiện nay đã có 7/7 huyện xuất hiện tình trạng người dân vượt biên trái phép làm thuê. Trong số người sang biên giới làm thuê có tới 94% là xuất nhập cảnh chui. Thời gian qua, tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em, người dân vượt biên trái phép sang biên giới làm thuê ở địa bàn Hà Giang xảy ra ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng với tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt nhiều trường hợp còn tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Đặc biệt như xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn), thời gian qua đã có 340 trường hợp bỏ sang Trung Quốc làm thuê, trong số đó có gần 20 em học sinh cấp 2. Đây chỉ là con số thống kê được, còn thực tế thì phải cao hơn thế...