Trường TH School là mô hình liên thông từ 2 tuổi đến hết PTTH với học phí từ 200 - 500 triệu đồng/năm cho các cấp học. Ảnh minh họa.
Chia sẻ quan điểm về mức thu khủng tại một số trường dân lập tại Hà Nội, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, hiện nay Trường THPT Lương Thế Vinh thu 1.650 .000 đồng/học sinh/tháng tiền học. Chủ trương của nhà trường thu không cao để với những gia đình công chức bình thường có 1 hoặc 2 con có thể theo học được. Chủ trương từ đầu của nhà trường luôn tìm cách thu học phí thấp nhất, trả tiền cho thầy giáo vào top cao nhất. Muốn vậy phải tiết kiệm chi tiêu. Các khoản thu của nhà trường dựa trên cơ sở chi phí trả tiền cho thầy giáo và các chi phí khấu hao hạ tầng. Nhà trường không đặt vấn đề lợi nhuận là chủ yếu. Nếu trường được mở ra nhằm đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư có nghĩa là kinh doanh giáo dục.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh.
Ở Việt Nam hiện nay đang một số tập đoàn lớn như: TH True milk, Vingroup… đầu tư vào kinh doanh giáo dục. Đã kinh doanh thì phải có lợi nhuận nhưng với mức thu lên tới 500 triệu – 600 triệu đồng/năm là quá cao. “Nhiều người có rằng “đắt xắt ra miếng”, tuy nhiên các bậc phụ huynh cần phải thận trọng, cận nhắc kỹ khi quyết định cho con theo học ở hệ thống những trường dân lập quốc tế bởi nhiều khi chất lượng chưa chắc đã tương xứng với số tiền phụ huynh đầu tư cho con học” PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Còn TS Lê Thống Nhất - Tổng Giám đốc Công ty CP Trường học Lớn Việt Nam (Big School), cho rằng “khó có thể nói học phí của các trường dân lập quốc tế là đắt hay rẻ vì giá cả phụ thuộc vào chất lượng mà chất lượng của giáo dục thì phải trải nghiệm qua thời gian mới biết được. Mức học phí các trường đưa ra như thế, cơ sở vật chất có thể hiển hiện dễ dàng nhìn thấy nhưng chất lượng giáo viên, chất lượng của các chương trình học thì cần phải có thời gian để kiểm chứng. Thị trường sẽ có câu trả lời cho sản phẩm giáo dục của mỗi trường vì mỗi phụ huynh là một khách hàng mà khách hàng thì không thể mạo hiểm, bởi lẽ chỉ một sai lầm khi chọn trường không chỉ tiêu tốn của cha mẹ hàng trăm triệu đồng sẽ khiến đứa trẻ mất rất nhiều cơ hội phát triển trong tương lai”.
Nói về quan điểm của mình, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Những trường làm tốt thì thu nhiều tiền, ai có điều kiện thì cho con vào học, tuy nhiên trong một đất nước cần phải có sự quản lý của cơ quan nhà nước, phải có những chế tài, qui định nhất định. Ngành giáo dục phải nghiên cứu xem các trường thu như vậy có thỏa đáng không? Nhà nước không thể khoán trắng mức thu chi cho các trường dân lập được mà cần có bộ phận nghiên cứu và định hướng nhất định về mức thu chi của các trường. Mức thu này phải dựa trên thu nhập của người dân, mức tiêu dùng …
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.
“Chúng ta không thể so sánh mức thu của Việt Nam với nước Úc được. Ví dụ ở Úc người ta bán 30 USD/quả thanh long nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 1 USD, do vậy ở những nước đó có thể thu rất cao nhưng mặt bằng giá ở Việt Nam khác. Vì vậy cần phải có quy định hợp lý đừng để người ta lạm dụng là trường quốc tế để đẩy giá lên” – TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, cơ sở để xây dựng mức thu học phí sẽ dựa trên nhiều chí phí như: chi phí đầu tư hạ tầng phải tính toán ra và được khấu hao trong bao nhiêu năm. Thứ hai chi phí trong quá trình đào tạo (trong đó cơ bản nhất là lương giáo viên, công tác quản lý một và phần lãi suất theo ngân hàng mà chủ đầu tư đã bỏ vốn ra) từ đó sẽ chia cho số lượng học sinh học tại trường.
Như ở Singapore mức học phí cấp tiểu học từ 550 lên 600 SGD/tháng đối với du học sinh quốc tế nói chung và chỉ từ 370 lên 390 SGD/tháng đối với du học sinh đến từ ASEAN. Ở bậc trung học, mức học từ 800 lên 950 SGD/tháng đối với du học sinh quốc tế; và từ 550 lên 600 SGD/tháng đối với du học sinh ASEAN. Ở cấp dự bị đại học (tương đương cấp 3), mức thu từ 1.150 lên 1.300 SGD/tháng đối với du học sinh quốc tế; và từ 800 SGD lên 860 SGD/tháng đối với du học sinh ASEAN. Trong khi đó Việt Nam đưa ra 500 -600 triệu đồng/9 tháng/ học sinh là quá cao.
“Việc học giỏi, thành công hay không ngoài những điều kiện về giáo dục thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là người học. Học ở đâu cũng cần người học có ý chí học tập. Có môi trường học tập tốt, đẳng cấp quốc tế mà người học không học hành chăm chỉ thì chỉ gây lãng phí tiền của gia đình”.