Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dáng dừa, hồn đất Bến Tre

 
 
Dừa là một loài cây, với Bến Tre còn hơn thế nữa!
 
Về nguồn gốc của cây dừa, các học giả vẫn còn tranh cãi: nó xuất phát từ Đông Nam châu Á hay từ Tây Bắc Nam Mỹ. Chỉ biết, đã bao đời nay, dừa gắn bó với đất và người Bến Tre của Việt Nam. Dừa tham gia vào mọi lĩnh vực: ẩm thực, vật dụng, bóng mát, văn hóa, tâm linh, du lịch, nghệ thuật… Với Bến Tre, dừa là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
 
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), năm 2011, thế giới có 11,86 triệu ha đất trồng dừa, ở 93 quốc gia, trải dài từ Đông sang Tây bán cầu, tập trung nhiều nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn ở Việt Nam, vào đầu năm 2015 có trên 150.000ha dừa, trong đó, Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn với trên 67.000ha, chiếm 40% tổng sản lượng dừa cả nước. Vì vậy, không có tỉnh nào đòi tranh danh hiệu “Xứ Dừa” với Bến Tre. 
 
Về mặt kinh tế, với Bến Tre, dừa chiếm hơn 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất sang thị trường trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2012, dừa Bến Tre đã lọt vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Cũng từ năm 2012, Lễ hội Dừa ở cấp quốc gia được tổ chức tại Bến Tre. Đây là một sự kiện văn hóa - du lịch thu hút sự chú ý của nhiều người trong và ngoài nước. 
 
Dừa là loài cây mà tất cả các phần của nó đều có thể mang lại lợi ích cho con người. Dừa còn là loại cây cho quả tương đối nhiều (tới 75 quả/cây mỗi năm), vì thế nó có giá trị kinh tế đáng kể. Hơn thế nữa, dừa được tôn thờ trong đời sống tinh thần. Tên gọi của dừa trong tiếng Phạn là “Kalpa vriksha”, nghĩa là “Cây đem lại mọi thứ cần thiết cho cuộc sống”. Trong tiếng Mã Lai, dừa được gọi là “pokok seribu guna” - “Cây có ngàn công dụng”. Tại Philippines, dừa được gọi là “Cây của sự sống”. Còn ở Bến Tre - Dừa là biểu tượng của sự kiên cường và duyên dáng.
 
 
Dáng dừa, hồn đất, tình người…
 
Tôi có một chút tự hào ngầm là sinh ra ở nơi nhạc sĩ tài ba Nguyễn Văn Tý chào đời. Không phải chỉ ở Bến Tre, mà khắp cả Việt Nam, không ai không biết đến bài hát “Dáng đứng Bến Tre”. Với bài hát này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã đưa Bến Tre đến với mọi nhà. Tôi yêu Bến Tre khi chưa đặt chân tới đất này. Tôi đã lấy Bến Tre làm bối cảnh, lấy người Bến Tre làm nhân vật cho tiểu thuyết “Đường về”. Mỗi lần đến Bến Tre, tôi có tâm trạng đặc biệt, cứ tìm kiếm một điều gì đấy ở cây dừa, thông qua cây dừa.
 
Bến Tre được xem là nơi “địa linh, nhân kiệt”. Vùng đất này sinh ra, nuôi dưỡng, ôm ấp vào lòng rất nhiều danh nhân, nhân sĩ, học giả, nhà văn hóa, nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử, như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Trương Vĩnh Ký, Võ Trường Toản, Sương Nguyệt Anh... Trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng, thống nhất xây dựng đất nước là Trung tướng Đồng Văn Cống, nữ tướng Nguyễn Thị Định. Người phụ nữ đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - bà Nguyễn Thị Kim Ngân sinh ra và lớn lên ở Bến Tre… Với thế đất, dáng sông, quyết tâm của con người, nơi đây sẽ còn sinh ra những nhân cách lớn. 
 
 
Trong thời bình, nói tới Bến Tre, người ta nghĩ ngay tới cây dừa và nguồn cảm hứng cho thơ ca, nhạc họa. Với các nghệ sĩ, cảnh và người luôn hòa quyện với nhau. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã thấy vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Bến Tre qua vóc dáng cây dừa. Để viết được những câu: “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó, là con gái của Bến Tre…”, có lẽ Nguyễn Văn Tý đã bị cảnh và người ở đây mê hoặc. Nổi bật lên giữa sông nước là những cây dừa; viết nên những trang sử hào hùng là những con người. Và chính người Bến Tre hôm nay đang biến vùng đất này thành một nơi thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
 
Từ quá khứ đến tương lai: Truyền thống lên tiếng
 
 
Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trung tâm của tỉnh Bến Tre cách TP. Hồ Chí Minh 87km về phía Tây. Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, độ cao chênh lệch khá lớn, tối đa là 3,5m. Đất Bến tre do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Vài trăm năm trước, nơi đây còn hoang vu, lầy lội; có nhiều loài dã thú như cọp, heo rừng, trâu rừng, cá sấu, trăn, rắn sinh sống. Những lưu dân người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào đây lập nghiệp. Chắc chắn, những cư dân đầu tiên của Bến Tre sống dựa vào cây dừa, biến cây dừa thành “người bạn tri kỷ” của mình.
 
Bến Tre là quê hương đồng khởi - sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Đồng khởi chính là sự hội tụ của tinh thần yêu nước, ý chí tiến công cách mạng, sự dũng cảm, kiên cường và đầu óc sáng tạo của người Bến Tre. Đây chính là truyền thống quý báu của Bến Tre. Truyền thống này đang phát huy sức mạnh trong công cuộc phát triển và hội nhập.
 
Để phát triển vùng đất này, dừa là cây trồng đầu tiên Bến Tre dựa vào. Dừa vừa là nông nghiệp, công nghiệp, vừa là du lịch, môi trường… Tuy nhiên, chỉ có dừa không, Bến Tre cũng khó lòng cất cánh. Một lần nữa, Bến Tre lại phát huy sức mạnh đoàn kết của người dân. Phong trào Đồng khởi khởi nghiệp được phát động. Đây là một chiến dịch dài hơi để phát triển kinh tế. 
 
 
Hưởng ứng phong trào Đồng khởi khởi nghiệp, các ngành, địa phương ở tỉnh Bến Tre đã rầm rộ ra quân. Nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Tính đến đầu năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 3.200 doanh nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm, thực hiện đạt nhiều kết quả. 
 
Hiện nay, Bến Tre đã cơ bản xây dựng hoàn chỉnh các kế hoạch nhằm cụ thể hóa phong trào Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp gồm: Cẩm nang chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh; Kế hoạch chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp... Lãnh đạo Bến Tre hiểu rằng, làm kinh tế khác với đấu tranh chính trị, quân sự; khi làm kinh tế, tính khoa học phải được tôn trọng.
Xứ dừa Bến Tre đang chuyển mình. Cái dáng cứng cáp, ngay thẳng, duyên dáng của cây dừa đang bao trùm vùng đất đầy màu xanh. Ở đây vẫn ấp ủ những điều kỳ diệu trong dáng cây, hồn đất, tình người.

Hồ Bất Khuất/GĐ&TE