Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đăng ký vào đại học, cao đẳng 2016: Lời khuyên của Thứ trưởng

Khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) các thí sinh (TS) cần xác định rõ nên xét tuyển vào ngành nào hoặc theo tổ hợp môn thi nào để có nhiều cơ hội trúng tuyển ngay từ đầu vào ngành mình yêu thích, phù hợp với năng lực...

Cân nhắc kỹ trước khi đăng ký

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong quá trình xét tuyển, việc đầu tiên là TS phải xác định được ngành nghề mình yêu thích, đó là điều hết sức quan trọng. Bởi vì nếu chọn ngành mình không thích, khi học các em sẽ thấy không phù hợp với sở thích của mình, nản chí, có thể lại đăng ký thi lại vào một trường khác, như vậy sẽ rất lãng phí về thời gian và công sức.

“TS phải căn cứ vào kết quả học tập của mình, kết quả thi so với kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường để nộp vào các trường, nhóm trường phù hợp. Sau khi nộp xong TS chờ kết quả, không phải bận tâm nhiều đến theo dõi số lượng TS nộp vào trường như năm 2015. Sau khi báo kết quả nếu trúng tuyển, quyết định học TS nộp giấy báo kết quả thi cho trường và chờ ngày nhập học” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm nay TS được đăng ký xét tuyển vào 2 trường với tối đa 4 ngành. Có nghĩa là nếu sử dụng hết số lượng tổ hợp môn, mỗi TS được phép đăng ký xét tuyển bằng 4 tổ hợp khác nhau. Tuy nhiên, cách tối ưu nhất là dựa vào ngành yêu thích, đối chiếu tổ hợp xét tuyển của trường với kết quả thi để chọn ra tổ hợp xét tuyển có kết quả cao nhất.

“Cần đặc biệt lưu ý là năm nay TS không được thay đổi nguyện vọng trong quá trình nộp hồ sơ. Thời gian xét tuyển ngắn hơn và TS có tới 2 cơ hội trúng tuyển. Khi đó, những TS điểm cao có khả năng trúng tuyển cả 2 trường, các TS này sẽ chiếm chỗ của những TS thấp điểm hơn. Vì vậy, nguy cơ không trúng tuyển vào trường nào của TS điểm cao vẫn có. Trường hợp này, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, cần lưu ý đến sự “vừa sức” khi đăng ký xét tuyển ở từng nhóm trường và trong từng loại tổ hợp môn”.

Quy trình đăng ký xét tuyển

Để đăng ký xét tuyển ĐH 2016, TS cần điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng ký xét tuyển theo quy định. Trong các đợt xét tuyển TS nộp phiếu đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển qua bưu điện; đăng ký xét tuyển trực tuyến qua mạng hoặc nộp trực tiếp tại trường (nếu trường đó chấp nhận hình thức này).

Khác với năm ngoái, năm nay Bộ quy định TS chỉ được đăng ký tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Trong các đợt xét tuyển bổ sung TS được đăng ký tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành, không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt.

Đăng ký xét tuyển vào nhóm GX (nhóm trường)

Có 12 trường ĐH tham gia nhóm GX gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, ĐH Thăng Long, Học viện Ngân Hàng và Học viện Chính sách và Phát triển.

Theo PGS, TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội,  TS đăng ký vào nhóm GX có lệ phí đăng ký vào 1 trường là 30.000 đồng; từ 2 trường trở lên là 60.000 đồng. TS có thể đến bất kỳ một trường thành viên nào của nhóm GX để nộp lệ phí đó. Nếu TS ở xa không trực tiếp đến trường nộp được thì có thể nộp qua đường bưu điện trong hồ sơ gửi về các trường. Ngoài ra, nhóm GX cũng mở một tài khoản ở ngân hàng. Tài khoản này chỉ kích hoạt từ ngày 31/7 đến 15/8/2016. Do vậy TS và người nhà có thể chuyển tiền vào tài khoản đó. Mặt khác TS có thể sử dụng dịch vụ của các nhà mạng để có thể nộp lệ phí đó. Như vậy, với tất cả các phương thức từ truyền thống cho đến hiện đại đều được nhóm GX thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho TS nộp lệ phí đăng ký xét tuyển.

Nguyên tắc xét tuyển của nhóm GX là xét tuyển theo nhóm ngành: Một nhóm ngành bao gồm một hoặc vài ngành đào tạo của một trường thuộc nhóm GX, được ấn định một mã ngành, nhóm ngành. Xét tuyển theo các nguyện vọng của TS đã đăng ký (xếp theo thứ tự ưu tiên trên Phiếu đăng ký xét tuyển): Mỗi nguyện vọng ứng với một mã xét tuyển, nếu TS trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả điểm xét của TS  và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các TS đã đăng ký vào nhóm ngành đó. Các thí sinh lưu ý, trong mẫu xét tuyển bình thường sẽ có 1 dòng cuối cùng ghi là: “Các TS đăng ký xét tuyển vào nhóm GX và nhóm của ĐH Đà Nẵng không sử dụng phiếu này”.