Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đằng sau tiếng còi cấp cứu 115

Mỗi ngày nhận hàng trăm cuộc gọi quấy rối, hàng chục chuyến xe khởi hành nhưng không đón được bệnh nhân, bị người nhà nạn nhân thóa mạ, tấn công là chuyện thường xảy ra tại đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An.

 

Tại phòng trực tổng đài của đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An, rít vội điếu thuốc rồi liên tiếp nhấc hai cuộc điện thoại gọi tới, ông Nguyễn Trung Thông cố lắng nghe tín hiệu từ đầu dây bên kia để cấp báo với nhân viên của mình nhanh nhất. Kết quả ông đều nhận được những tiếng cười nhão, câu tục tĩu...

 

Ông Nguyễn Trung Thông tại phòng trực tổng đài đội vận chuyển cấp cứu. Ảnh: Hải Bình.


Theo người đàn ông có kinh nghiệm nhiều năm trực tổng đài, bình quân mỗi ngày có đến hàng trăm cú nháy máy, cuộc gọi ảo quấy rối, thông báo địa điểm người bị bạn yêu cầu xe cấp cứu chạy tới. Có rất nhiều lượt xe của đơn vị xuất bến đi đón nạn nhân nhưng khi tới nơi mới té ngửa mình bị lừa. Trái khoáy hơn, cũng vô số cuộc gọi thật, nhưng khi xe cấp cứu chạy tới nơi thì nạn nhân khỏe lại, hoặc người thân lại chuyển ý vận chuyển bằng xe máy hoặc taxi, phương tiện vận chuyển khác nên xe cấp cứu phải ngậm ngùi quay đầu về.

'Bằng kinh nghiệm của người thường thuyên nghe máy, mình có thể lọc được rất nhiều những cuộc gọi quấy rối. Ví dụ lắng nghe giọng nói của họ có hồi hộp, có gấp gáp hay không… thì chứng tỏ đó là cuộc gọi thật. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một phần nào, vì thực chất rất nhiều cuộc gọi giả danh đã đánh lừa được người trực ', ông Thông tâm sự. Ông nói rằng dù nhiều cuôc gọi vô duyên văng tục, nhưng trách nhiệm và quy định nên người cầm máy chỉ được lắng nghe.

Tranh thủ thời gian ngắn chưa nhận nhiệm vụ, anh Ngô Tiến Hiệp (38 tuổi) với 10 năm kinh nghiệm là tài xế lái nói rằng bản thân đã chạy hàng nghìn chuyến xe đưa đón người bị bệnh, người tai nạn, nhưng mỗi một lần lại là một kỷ niệm vui buồn khác nhau. Vui vì đã kịp thời đưa đón, cấp cứu kịp thời những trường hợp nguy cấp giữa lằn ranh sự sống và cái chết rất mong manh.

Ba năm trôi qua, với Hiệp chuyến xe cấp cứu do anh làm tài xế vượt hơn 60 km từ thành phố Vinh tới huyện Diễn Châu vận chuyển nạn nhân trong một vụ lật xe khách tại dốc Truông Vê xảy ra vào rạng sáng 22/8/2012 khiến 35 người bị thương, 3 người chết…

"Nhận được tin báo, tôi lái chiếc xe đầu tiên xuất kích, biết vụ tai nạn nạn đặc biệt nghiêm trọng, dù trời chạng vạng sáng, tôi tập trung cao độ cho xe chạy gần 80 km/h. Tới nơi thấy nhiều người bị thương nằm chồng chất, múa me vương vãi. Theo quy định mỗi xe chỉ vận chuyển một người một chuyến. Nhưng thời điểm đó quá nhiều người nên tôi và đồng nghiệp đưa lên xe tới 5 nạn nhân rồi tức tốc chạy về bệnh viện", anh Hiệp kể. Một số nạn nhân sau khi khỏe mạnh đã gửi lời cảm ơn tới các nhân viên cấp cứu, bác sĩ khiến anh rất cảm động.

Anh nhớ lần tham gia vận chuyển các nạn nhân một vụ lật xe khách chở hơn 30 người từ Lạng Sơn vào Nghệ An đi đám cưới gặp nạn sáng 29/11/2014 ở đường tránh thành phố Vinh khiến hơn 20 hành khách gặp nạn cùng chiếc xe khách lật ngang dưới ruộng bùn.

"Hôm đó, tôi và nhân viên y tế tiếp cận hiện trường thấy các nạn nhân nằm lấm lem bùn, với nhiều vết thương. Không kịp nghĩ gì nữa, tôi động viên đồng nghiệp hãy làm thế nào nhanh nhất để khênh được nhiều người bị nạn lên xe. Khi đã đưa được mọi người về tới khoa cấp cứu thì quần áo, đầu tóc mình cũng như tắm dưới vũng bùn. Nhưng vui vì tất cả các nạn nhân đó đều được cấp cứu kịp thời', anh Hiệp tâm sự.

Theo anh Hiệp, không ít lần anh và đồng nghiệp phải hứng những lời chửi bới, thóa mạ của người nhà vì họ luôn cho rằng xe cấp cứu tới hiện trường chậm. Người tài xế tâm sự, trong thâm tâm mỗi người tài xế luôn muốn chạy xe với mục tiêu làm sao tiếp cận được hiện trường, tới nhà nạn nhân nhanh nhất. Tuy nhiên nhiều lúc gặp sự cố giao thông như tắc đường thì đó là những điều ngoài ý muốn khi xe đành phải tới chậm hơn so với dự tính.

 

Anh Ngô Tiến Hiệp, tài xế 10 năm lái xe tại đội vận chuyển cấp cứu. Ảnh: Hải Bình.


"Có những vụ khi người nhà nạn nhân gọi điện xong vài phút, quảng đường cách xa tới cả vài chục cây số thậm chí cả gần trăm cây số nhưng họ đã nóng ruột gọi điện trở lại tổng đài phàn nàn sao mà xe lại chưa thấy? Lại có khi tiếp cận hiện trường thì bị người nhà nạn nhân chửi rằng tại sao xe lại đến chậm như thế…", anh Hiệp nói. Những lần như thế anh chỉ biết ngậm ngùi không dám đấu khẩu lại mà chỉ luôn ý thức một nhiệm vụ trên hết đó là cấp cứu nạn nhân.

Không chỉ thóa mạ, chửi bới, bản thân anh còn có những lần bị cả người nhà của người bệnh tấn công bằng tay chân vì cho rằng xe cấp cứu tới hiện trường chậm khiến nạn nhân thêm thời gian đau đớn. "Tôi hiểu tâm trạng người nhà nạn nhân khi có người gặp tai nạn hay đau ốm. Tâm lý của họ thì muốn nhanh nhưng họ không hiểu hết được vấn đề, cứ nghĩ chỉ gọi một cuộc điện thoại là xe cấp cứu có mặt", anh Hiệp chia sẻ chuyện về nghề.

Cùng là tài xế, anh Cao Sỹ Hùng (43 tuổi) với gần 10 năm kinh nghiệm chạy xe kể rằng, đã nhiều Tết anh không được sum vầy bên vợ con gia đình vì phải trực Tết. Kỷ niệm trực Tết gần nhất là chiều 30 Tết năm 2013 anh nhận nhiệm vụ chạy chuyến xe cấp cứu vận chuyển một bệnh nhân từ bệnh viện ở Nghệ An nguy kịch ra bệnh viện Hà Nội cứu chữa..

“Chuyến xe ngày cuối năm hôm đó mật độ người tham gia giao thông đông hơn so với ngày thường, dù xe có còi ưu tiên nhưng cũng không thể chạy nhanh theo ý muốn. Khi đưa được nạn nhân tới bệnh viện ở Hà Nội cứu chữa an toàn, quay về tới Nghệ An cũng là lúc đồng hô điểm sắp điểm sang năm mới”, tài xế Hùng kể. Vì đặc thù công việc, dù có xao xuyến chút ít khi những ngày Tết không được sum vầy bên người thân nhưng anh luôn lấy trách nhiệm đặt lên trên hết để hoàn thành công việc. 

Kể về đặc thù của nghề, anh Hùng nói rằng hàng ngày các chuyến xe cấp cứu không chỉ riêng là những chuyến đưa người đau ốm, bị nạn mà cũng có rất nhiều chuyến xe đưa thi thể người quá cố, người bị bệnh hiểm nghèo, người tai nạn không may mắn về với gia đình. Luôn tâm niệm rằng nghề của mình cũng là nghề làm phúc, vì vậy anh rất ít khi nề hà hay ái ngại.

Điển hình như năm 2014, có lần một mình anh Hùng cầm lái chạy quảng đường hơn 500 km từ Lào về qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đưa 3 thi thể nạn nhân trong một vụ tai nạn về Hà Nội. “Ba thi thể nạn nhân để phía sau nhưng tâm lý lái xe của tôi hoàn toàn bình thường trong nhiều giờ. Vì mình làm phúc nên không nghĩ ngợi hay cảm giác sợ hãi. Vì không có những người làm việc như mình thì nạn nhân sẽ làm sao về được với người thân”, anh Hùng kể. Anh thừa nhận rằng cái gì lâu cũng thành quen vì trước đó thời mới vào nghề, song cũng không ít lần có cảm giác lạnh xương sống khi tiếp xúc với thi thể nạn nhân.

Bật mí về cách giữ gìn sức khỏe tốt nhất cho bản thân để đảm bảo công việc, anh Hùng cho biết, không chỉ riêng bản thân mà tất cả đồng nghiệp ở đội không ai được uống bia rượu. Sau mỗi lần chạy xe đường dài về thì họ sẽ được sắp xếp vào một căn phòng riêng để có một giấc ngủ sâu và ngon nhất để hồi lại sức khỏe. Ngoài ra việc kiểm tra sức khỏe cũng được đơn vị thường xuyên khắt khe. Nếu cảm thấy sức khỏe có vấn đề hoặc chuyện riêng tư ảnh hưởng tới tâm lý thì phải báo cáo cấp trên để xin nghỉ.

Không trực tiếp làm xế nhưng anh Đặng Đình Kỷ (37 tuổi) nhân viên y tế hơn 6 năm kinh nghiệm tại đội vận chuyển cấp cứu lại có những câu chuyện nhớ đời và không ít áp lực. Theo quy định, mỗi một xe cấp cứu sẽ có một tài xế và một nhân viên y tế, và anh Kỷ có vô số lần anh trực tiếp ngồi trên xe cấp cứu để bóp khí ô xy, kiểm tra nhịp tim, cấp cứu...để các nạn nhân giữ được mạng sống cho tới bệnh viện để có điều kiện cứu chữa tốt hơn.

“Những lúc ngồi túc trực bên nạn nhân, người mắc bệnh hiểm nghèo được vận chuyển trên xe cấp cứu cảm giác áp lực rất lớn đè lên vai mình nhưng phải tập trung hết cao độ để giữ được sức khỏe ổn định cho người bệnh”, anh Kỷ kể. Có nhiều người vượt qua được hoãn nạn thì họ chỉ gửi tới một lời cảm ơn suông cũng là món quà mà anh và các anh cảm thấy hạnh phúc.

 

Đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An. Ảnh: Hải Bình.

 

Theo thống kê của Đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An, trong năm 2015 có đến 950 chuyến xe xuất bến nhưng không đón được bệnh nhân hoặc không thu được tiền. Nguyên nhân là do các cuộc điện thoại ảo; năm 2014 là 870 chuyến và năm 2013 là 700 chuyến.

Bình quân mỗi ngày, tổng đài của đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An nhận được hàng trăm cuộc gọi quấy rối; Bình quan mỗi tháng, đôi vận chuyển cấp cứu làm nhiệm vụ đưa đón 700-800 chuyến xe/tháng. Cá biệt tháng Tết nguyên đán số lượng lượt vận chuyển cấp cứu tăng hơn so với ngày thường.

Đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An thuộc Công ty cổ phần bệnh viện 115 Nghệ An. Đi vào hoạt động từ năm 2006, hiện toàn đội có 18 xe cấp cứu và 44 cán bộ nhân viên. Họ làm việc, túc trực 24/24h.