Đang khỏe mạnh bình thường, bà Phạm Thị Nguyên (sinh năm 1948, trú tại tổ dân phố 19, khu 4, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) bỗng nhiên nhận được hồ sơ mình là người tàn tật nặng, đã hưởng trợ cấp xã hội từ năm 2006. Đặc biệt hơn, bà còn nhận được giấy… chứng tử của mình tại quê ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng).
Giấy chứng tử ghi chết do ốm
Bà Nguyên bức xúc kể: “Quê gốc của tôi ở thôn Quần Mục 3, xã Đại Hợp, Kiến Thụy. Năm 1997, tôi theo chồng về thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng. Tôi đã làm thủ tục cắt khẩu về Cát Hải từ lúc lấy chồng và không liên quan gì đến việc quản lý hành chính tại xã Đại Hợp. Đầu năm 2015, tôi có việc về quê thì người làng nói UBND xã Đại Hợp đã thông báo tôi chết do bệnh tật từ cuối năm 2014”.
Bà Nguyên cho biết, sau đó bà đến UBND xã Đại Hợp để tìm hiểu. Đến đây bà mới biết hồ sơ về bà có một giấy chứng tử từ tháng 11/2014, kèm những giấy tờ hưởng chế độ chính sách người tàn tật nặng, trong khi chân bà chỉ đi lại hơi khó khăn một chút do bệnh bẩm sinh.
Bà Nguyên làm đơn gửi Phòng LĐ-TB&XH huyện Kiến Thụy và UBND xã Đại Hợp yêu cầu làm rõ vì sao bà bị khai tử như vậy. “Tôi gửi đơn từ đầu năm 2015. Lúc đó có cán bộ xã liên lạc với tôi và nói không làm đơn, để qua đại hội đảng bộ xã sẽ giải quyết. Sau đó, họ lờ đi” - bà Nguyên kể.
Bà Phạm Thị Tờ, em gái bà Nguyên, hiện trú tại xã Đại Hợp, khẳng định: “Chị tôi còn sống khỏe mạnh và gia đình tôi không ai đi làm giấy chứng tử cho chị ấy cả”.
Bà Phạm Thị Nguyên (ảnh chụp tối 10/12) và bản sao giấy chứng tử cho bà không biết do ai làm. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
Hưởng trợ cấp cho đến khi… “chết”
Chúng tôi đã làm việc với bà Phạm Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, người ký vào giấy chứng tử (bản sao) của bà Phạm Thị Nguyên vào 25/11/2014 (giấy chứng tử ghi bà Nguyên… chết vào 24/11/2014). Bà Thúy công nhận chính bà đã ký vào tờ giấy chứng tử số 66 - Quyển số 01-2014, chứng nhận bà Nguyên đã… chết. Bà Thúy nói: “Cấp dưới đưa văn bản lên, tôi ký và không kiểm tra”.
Người thực hiện giấy chứng tử cho bà Nguyên trên giấy tờ là ông Hoàng Văn Đông, cán bộ tư pháp xã Đại Hợp. Ông Đông nhìn vào giấy chứng tử nói: “Chữ viết giấy chứng tử không phải là chữ của tôi. Bản chứng tử này không có trong hồ sơ gốc tôi đang quản lý. Tôi khẳng định giấy chứng tử này là giả mạo”.
Tuy nhiên, giấy chứng tử này lại được chuyển lưu tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Kiến Thụy từ cuối năm 2014.
Hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội cho người tàn tật của bà Nguyên tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Kiến Thụy thể hiện bà Nguyên là người tàn tật nặng, hưởng mức trợ cấp 65.000 đồng/tháng từ năm 2006. Đến 1/1/2007, bà Nguyên được hưởng mức trợ cấp 120.000 đồng/tháng; đầu năm 2013, bà Nguyên được điều chỉnh tiếp mức trợ cấp là 360.000 đồng/tháng (đối với người khuyết tật nặng và người cao tuổi, theo Nghị định 67/2007) cho đến khi bà Nguyên “chết” vào 24/11/2014.
Phó bí thư ký nhận trợ cấp và khai tử?
Hồ sơ xét hưởng trợ cấp xã hội của bà Nguyên bao gồm sơ yếu lý lịch; bản khai nhân khẩu; phiếu rà soát đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Tất cả loại giấy tờ này không có tờ nào bà Nguyên ký, nhưng lại thể hiện có chữ ký xác nhận của bà Phạm Thị Tờ, em ruột bà Nguyên. Khi PV cho bà Tờ xem, bà Tờ khẳng định: “Tôi chưa hề ký vào bất cứ văn bản, giấy tờ nào. Những chữ ký trong các giấy tờ này là giả mạo”.
Hồ sơ thể hiện bà Phạm Thị Hợi - cháu của bà Nguyên là người thụ hưởng tiền trợ cấp xã hội của bà Nguyên. Nhưng bà Hợi khẳng định: “Tôi không đi lĩnh tiền cho bà Nguyên bao giờ”.
Bà Hoàng Thị Tuyết, cán bộ chính sách xã hội UBND xã Đại Hợp, cho biết: “Người làm hồ sơ cho bà Nguyên thì tôi không nắm vì năm 2010 tôi mới tiếp nhận công việc. Từ lúc tôi làm đến nay, ông Phạm Bình Thủy - hiện là phó bí thư thường trực Đảng ủy xã ký nhận tiền giúp bà Nguyên. Sau đó mỗi lần rà soát hồ sơ của người hưởng chính sách xã hội, ông Thủy đều nói bà Nguyên ốm đau và không thể có mặt để làm các thủ tục nên ông Thủy làm thay. Ông Thủy nói bà Nguyên là bác ruột của ông, mà ông lại là phó bí thư thường trực Đảng ủy xã thì tôi không dám nghi ngờ gì. Vì vậy tôi để ông Thủy làm tất cả thủ tục cho bà Nguyên, trong đó có việc ông Thủy ký nhận tiền thay bà Nguyên”.
Ngoài ra, bà Tuyết còn nói: “Ông Thủy đưa tôi bản sao giấy chứng tử (của bà Nguyên) và nói làm thủ tục cắt trợ cấp xã hội cho bà Nguyên. Tôi hỏi có làm thủ tục mai táng phí cho bà Nguyên không, ông Thủy nói không cần làm, chỉ cần gửi hồ sơ cắt trợ cấp xã hội cho bà Nguyên là được”.
Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Bình Thủy nhằm làm rõ việc này nhưng ông Thủy từ chối với lý do: “Tôi không nhớ gì về trường hợp này cả”.
Ngày 11/12, UBND huyện Kiến Thụy sẽ thành lập đoàn thanh tra để thanh tra về vụ việc. Nếu có sự việc trên, UBND huyện sẽ giao các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. Ông BÙI ĐỨC THẢO,Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, Hải Phòng |