Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, kỳ họp này đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội và nhân sự cấp cao của Nhà nước... Theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sau 19 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Kỳ họp đánh dấu sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội; sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan liên quan; sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí. Với những kết quả đạt được, Quốc hội khóa XIII đã khép lại một nhiệm kỳ đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và rất đáng tự hào, tiếp tục khẳng định tư tưởng đổi mới không ngừng để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 47 của UBTV QH khóa XIII.
Theo tờ trình dự kiến chuẩn bị kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày: Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XIV sẽ làm việc khoảng 15 ngày (trong đó có 1 ngày dự phòng; có 1 ngày làm việc vào thứ bảy). Phiên khai mạc tiến hành vào ngày 20/7/2016 và phiên bế mạc dự kiến vào ngày 9/8/2016. Phiên trù bị dự kiến tiến hành vào ngày 19/7/2016. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV sẽ nghe phát biểu của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu. Cơ quan lập pháp sẽ dành 11 ngày cho công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác...
Kết luận về nội dung về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các đơn vị được phân công phải rà soát cẩn thận, chuẩn bị tiến hành các công việc một cách bài bản, khoa học.
Cùng ngày, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND. Theo đó, Nghị quyết quy định về tiền lương, hoạt động phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng, khen thưởng theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về phòng làm việc, máy móc, trang thiết bị văn phòng đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; chi hỗ trợ công tác phí; khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; may lễ phục; học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu.
Trước đó, thảo luận về Tờ trình của Chính phủ, đa số ý kiến của UBTVQH thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Nghị quyết. UBTVQH thống nhất quy định mức tiền công lao động đối với đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách nhưng không khống chế thời gian tối đa mà tính theo thực tế hoạt động. Về mức hoạt động phí giữ mức như hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Cũng trong buổi sáng 25/4/2016, UBTVQH cũng đã họp bàn về tờ trình của Chánh án TANDTC về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án Nhân dân, về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tòa án; về bổ sung tạm thời biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, Thẩm phán Trung cấp và Thẩm phán Sơ cấp.
Theo đó, các thành viên UBTV QH thống nhất, trong khi chưa có Đề án tổng thể của Nhà nước về cải cách tiền lương thì cần tiếp tục áp dụng Nghị quyết số 81/2014/NQ-QH13 của Quốc hội để Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán TANDTC tiếp tục được hưởng thang, bảng lương theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH (thang, bảng lương của công chức A3, gồm 6 bậc từ 6,2 đến 8,0).
Về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm Tòa án nhân dân; Giấy chứng minh Thẩm phán và Giấy chứng minh Hội thẩm. Theo các đại biểu là phù hợp, thể hiện toàn diện, sâu sắc nhất hình ảnh của Tòa án và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, trang phục xét xử của Thẩm phán là áo choàng dài tay màu đen. Chánh án TANDTC sẽ quy định về thiết kế riêng của từng loại trang phục xét xử của các ngạch Thẩm phán.