Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam; TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bà Catherine Phương – đại diện UNDP tại Việt Nam; Bà Phạm Thị Lan – đại diện UNICEF tại Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam; đại diện các Bộ, Ban, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức, hội của NKT các tỉnh thành, các tổ quốc tế, chuyên gia trong nước và quốc tế...
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Hệ thống chính sách, pháp luật về NKT ngày càng hoàn thiện
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia tham gia tích cực và hiệu quả Công ước Liên Hợp quốc về quyền của NKT.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo.
Bàn chủ tọa điều hành Hội thảo
Thời gian vừa qua, bằng nỗ lực và quyết tâm cao, VN đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, có nhiều chính sách chương trình hành động để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT. Trong đó, bằng đóng góp quan trọng của các tổ chức NTK, của Nhà nước và của cộng đồng xã hội.
Sau khi Luật Người khuyết tật được ban hành và có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ một số nội dung chính từ phiên đối thoại với các bộ, ngành về tình tình thực hiện chính sách pháp luật đối với NKT.
Đặc biệt, ngày 5/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019 phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, Quyết định số 1100 ngày 21/6/2016 của TTCP phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước Quốc tế về quyền của NKT (gọi tắt là kế hoạch 1100). Kế hoạch và đề án này đã cụ thể hóa những hoạt động, giải pháp qua từng giai đoạn để thực hiện Quyết định Luật NKT và công ước LHQ về quyền của NKT. Đến nay việc tổ chức thực hiện Luật NKT trên cả nước đã được 8 năm và chuẩn bị kết thúc đề án 1019. Luật và Đề án đã tạo điều kiện thuận lợi cho NKT xóa bỏ mặc cảm, tự vươn lên hòa nhập xã hội và đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cùng với sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hoạt động trợ giúp NKT cũng có sự thay đổi căn bản, đó là chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo, từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển với việc ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh đối với NKT. NKT được trợ cấp xã hội, được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… Điều này đã mang lại cho NKT sự tự tin, tự lập trong cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương NKT thành đạt trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học và chính trị, xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, trong quá trình triển khai Luật NKT và Đề án 1019 đã bộc lộ một số bất cập, ảnh hưởng đến kết quả trợ giúp NKT, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của NKT.
Đánh giá về việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật đối với NKT, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đến nay về cơ bản, hệ thống chính sách về NKT của VN tương đối đầy đủ, thống nhất và toàn diện với một luật chuyên ngành là Luật Người khuyết tật. Nhiều luật có nội dung lồng ghép và từ năm 2016 đến nay, một số văn bản liên quan đến NKT tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và ban hành, bao gồm 4 luật có lồng ghép các quy định liên quan đến NKT. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành 37 văn bản bao gồm nghị định, thông tư, quyết định, công văn nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách đối với NKT trong các lĩnh vực: giáo dục, dạy nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giao thông, y tế chăm sóc sức khỏe cho NKT…
Bà Catherine Phương, đại diện UNDP Việt Nam trình bày tóm tắt một số phát hiện từ nghiên cứu về khoảng trống pháp lý liên quan đến NKT nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.
Điều này đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của NKT. Nhà nước luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp NKT tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội thuận lợi; Hoạt động trợ giúp NKT đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư. Các rào cản xã hội, rào cản giao thông, đi lại, thông tin… từng bước giảm dần; quyền của NKT ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
Một số hạn chế và định hướng thời gian tới
Tuy nhiên, cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật đối với NKT thời gian qua cũng còn có những hạn chế: Đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT còn nhiều khó khăn, khoảng 15% NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo; vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt của xã hội đối với NKT.
Ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu
Trong khi đó, tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn; giao thông đô thị, các công trình xây dựng từ trước không được quan tâm cải tạo đảm bảo tiếp cận cho NKT. Ở một số địa phương tiến độ triển khai Đề án trợ giúp NKT, Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng còn chậm, bố trí kinh phí thấp hoặc không bố trí kinh phí để thực hiện Đề án. NKT còn khó tiếp cận các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở. Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp...
Bà Phạm Thị Lan – Chuyên gia Quyền trẻ em UNICEF Việt Nam chia sẻ một số thách thức trong việc cung cấp các dịch vụ đối với NKT/Trẻ khuyết tật.
Từ những bật cập nêu trên, ông Bùi Sỹ Lợi cũng gợi ý một số định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về NKT trong giai đoạn tới, trong đó cần đảm bảo cho NKT hòa nhập cộng đồng về mọi mặt ngày càng tốt hơn, thực hiện có hiệu quả luật pháp, chính sách của Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên làm công tác NKT ở các cơ sở; phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội giúp đỡ NKT… Nghiên cứu, xây dựng một số luật liên quan đến NKT như: Luật sửa đổi Luật người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật sức khỏe tâm thần; hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển nghề công tác xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về NKT phù hợp với Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền của NKT. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về NKT, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với NKT; hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các tổ chức của NKT...
Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em