Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm ẩn cư, vang danh và bất tử

Nguyễn Tư Nghiêm suốt cuộc đời đã sống xứng đáng với sự tôn vinh dành cho danh họa. Không chỉ ở tài năng khác biệt với những thành công sáng giá trong và ngoài nước, mà sức bền sáng tác và ảnh hưởng của ông đã vượt thế kỷ, để thành bất tử trong sự nể phục của các thế hệ nghệ sĩ.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. 

Như nhiều người thời trước đi theo kháng chiến, phần vì sự lạc hậu của các cụ thân sinh, phần vì loạn lạc chiến tranh lí lịch công tác cách mạng nhiều khi phải khai chệch với năm sinh thật. Nguyễn Tư Nghiêm, trên mọi giấy tờ đều ghi sinh năm 1922, nhưng ông khẳng định cuối năm 2013, khi tôi đến thăm nhà ông, được trò chuyện và xem ông vẽ, thì ông mang tuổi Bính Ngọ 1918. Cầm tinh con ngựa, thảo nào ông hay vẽ ngựa và vẽ hay, lạ, kì khôi thế.

Người ta thấy, với danh họa này, vẽ luôn là hành trình, là cuộc chơi đầy thích thú cho đến lúc mắt mờ, tay run, tóc trắng vẫn bận bịu mỗi chiều trong phòng vẽ. Ông không quảng giao, tránh đám đông, "trốn" các hội thảo, hội nghị, hội hè, sự kiện, không đến xem các triển lãm (TL), dự liên hoan, yến tiệc, không phải bởi khó tính, cao ngạo. Nhưng ông ân cần với những người đến thăm mình. Cư xử ấm áp với mọi người, bình dị với  lớp trẻ, chưa bao giờ Nguyễn Tư Nghiêm tỏ ra kênh kiệu, tỏ ra mình là danh họa mà đòi người khác phải thế này thế khác với  mình. Họa sĩ (HS) Vi Kiến Thành nhớ lại: "Tôi từng đến thăm ông từ lúc mới ra trường đi làm, tại căn phòng thuộc tầng trệt nhà A1, tập thể Trung Tự, vốn là một nửa căn hộ cũ của nhạc sĩ Trần Hoàn mà Nhà nước phân lại cho ông. Rồi thăm ông ở căn phòng nhỏ tầng 3, số 65 Nguyễn Thái Học. Ông luôn gần gũi trong cư xử. Là danh họa, ông chỉ chuyên chú vẽ, không màng chức tước, bổng lộc. Ông không tỏ ra kiêu chảnh, vẫn gửi tác phẩm tham gia các TL chung cùng anh em các thế hệ. Năm 1990, ông gửi tác phẩm Thánh Gióng. BTC treo, trưng bày, ông không đến xem Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, giải Nhất cũng không đến nhận, chúng tôi phải mang tiền, giải thưởng đến tận nhà cho ông”.

Tranh sơn mài Con nghé quả thực (1957) - Một tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Tư Nghiêm.

Ngay với các nghệ sĩ lớn của thế giới, không phải ai cũng nhận được sự tâm phục khẩu phục thống nhất của các thế hệ, đồng nghiệp cùng thời và lớp hậu bối. Nguyễn Tư Nghiêm có được sự kính trọng toàn vẹn của mọi người về nhân cách nghệ thuật. Ông đã vẽ bền bỉ đến tháng 5/2016, khi phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Xô và nằm đây ngót tháng trời. HS Đặng Xuân Hòa đầy cảm phục khi nhắc đến Nguyễn Tư Nghiêm: "Với tôi, ông thực vĩ đại về sức lao động. Với nghệ sĩ, sáng tạo, làm nhiều mới thấy được khả năng, người đó thấy chính mình và mọi người thấy rõ người đó. Vẽ 10 bức khác với 100 bức, càng khác vẽ 1.000 bức. Văn chương cũng thế. Vẽ - viết nhiều mà đa dạng, đạt dấu ấn thì mới tài. Vẽ nhiều là một khả năng đặc biệt đáng quý; vẽ nhiều mà lại đẹp, có phong cách thì là tài năng lớn. Nguyễn Tư Nghiêm với bút pháp chủ nghĩa biểu hiện đã tạo nên con đường nghệ thuật lớn lao đích thực, ai nói về già ông vẽ lặp lại là nhận xét hời hợt. Ông càng vẽ càng phong phú, thanh thoát hơn. Nguyễn Tư Nghiêm  đã vẽ chăm chỉ, phong độ trong nhiều bối cảnh xã hội, nghệ sĩ lớn mới có phong độ như thế".

Nguyễn Tư Nghiêm sống ẩn để dốc trọn thời gian, sức lực cho nghệ thuật, ông ẩn mình giữa trung tâm Hà thành mà vẫn thức nhạy mọi chuyển biến thời cuộc, nhân sinh. Điệu múa cổ, một kiệt tác của ông không chỉ mang vẻ đẹp ấn tượng của chuyển động và trạng thái biểu cảm của nhân vật. Điệu múa thời gian, mang tinh thần hiện đại, đó là điệu của của những kiếp người, những thế thời. Tranh Nguyễn Tư Nghiêm đầy chuyển động trong lối sống tĩnh lặng của HS. Sự bùng nổ của đối lập phát tiết tinh hoa. Ông ít nói, ít tuyên ngôn chỉ có một lần ông phát biểu trong một hội nghị về quan điểm nghệ thuật của mình: "Khai thác, đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại". Nguyễn Tư Nghiêm suốt đời đã làm việc, sáng tạo trên tinh thần này.

Tranh của ông đóng góp đột phá cho ngôn ngữ tạo hình Việt Nam (VN). HS Vi Kiến Thành nhận định: "Một số HS lớn, phong cách chỉ là phát triển kiến thức được học từ mĩ thuật Pháp. Sòng phẳng nhất mà nói, chỉ có hai người có đóng góp đặc biệt cho ngôn ngữ tạo hình VN bằng cách tân nổi trội là Nguyễn Sáng và Nguyễn Tư Nghiêm. Nét của Nguyễn Tư Nghiêm độc đáo ở hình và độ rung cảm, làm nên một cấu trúc khác thường. Tôi không muốn nhắc tên cụ thể những HS chịu ảnh hưởng motif phong cách của ông, nhưng tư tưởng nghệ thuật của ông ảnh hưởng lớn tới vài thế hệ và sẽ tiếp tục, bởi nó đúng với tinh thần nhận diện bản sắc văn hóa và nhu cầu bức thiết của đổi mới. Chính bởi những rung cảm khi đi nét, tranh Nguyễn Tư Nghiêm rất khó bắt chước. Nếu là tranh đạo, người có nghề nhìn biết ngay".

Thánh Gióng (1990).

Sự ẩn mình làm Nguyễn Tư Nghiêm có phần thiệt thòi, có những người trong giới còn mù mờ không biết ông còn sống hay đã mất. Ông không thỏa mãn hay gặm nhấm hào quang, danh tiếng. Việc tên ông được đặt tên đường 16 năm trước khi từ trần cũng hi hữu. Quyết định số 14/2000/QĐ-UB-VX ngày 7/4/2000 của UBND TP Hồ Chí Minh, đặt tên phố nhỏ Nguyễn Tư Nghiêm nối các hương lộ, tức đường trong làng, trong xóm, ở quận 2. Có người trong Ủy ban đặt tên cũng chẳng nắm rõ về ông và ông thì dường như chẳng để tâm, hân hoan với việc ấy, mà vẫn đi đến cùng con đường của mình.

Giá tranh của Nguyễn Tư Nghiêm vào hàng đắt nhất trong số các tranh của các HS Việt Nam. Đấy là cái giá xứng đáng của bậc thầy (Maitre), đại thụ của Mỹ thuật Việt.