Vai trò thiết yếu của người chăm sóc trong sự phát triển não bộ của trẻ
Những năm đầu đời được gọi là giai đoạn vàng cho sự phát triển. Bằng chứng cho thấy 3 năm đầu đời là thời điểm hình thành các kết nối nơ-ron thần kinh mạnh mẽ nhất của cấu trúc não bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy sức khỏe và dinh dưỡng phù hợp trong 3 năm đầu đời sẽ làm tăng trị số trung bình 4,6 lần, nhờ đó sẽ đem lại tác động tích cực đến năng suất lao động và thu nhập trung bình. Ngoài ra, trẻ em nhận được sự chăm sóc dinh dưỡng lành mạnh trong một nghìn ngày đổi đời sẽ có khả năng phục hồi khỏi bệnh tật nguy hiểm đến tính mạng gấp 10 lần.
Những trải nghiệm đầu đời và môi trường từ khi trẻ sinh ra đến 3 tuổi rất quan trọng vì chính trong các điều kiện này, các liên kết thần kinh trọng yếu trong bộ não của trẻ được hình thành và phát triển thông qua các tương tác của trẻ với cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ (NCST) khác. Trẻ học bằng cách khám phá môi trường xung quanh và thực hành các kỹ năng mới qua việc vui chơi và giao tiếp với những người chăm sóc mình. Mối quan hệ tình cảm gắn kết giữa trẻ và NCST chính sẽ đặt nền móng cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Ngoài nguồn dinh dưỡng, các hoạt động khuyến khích từ NCST cũng là một yếu tố thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Việc hỗ trợ trẻ phát triển có thể được NCST thực hiện ngay mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm như: mỉm cười, dỗ dành, nói chuyện, hát, giao tiếp với trẻ thông qua nét mặt, cử chỉ, lời nói…
Việc NCST thực hành phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ (PP ĐTTNNB) có thể mang lại các lợi ích như sau: khuyến khích sự phát triển não bộ của trẻ; Tạo nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ, thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội của trẻ; Phát triển mối quan hệ tình cảm gắn kết giữa NCST và trẻ; Phát hiện sớm các rối loạn phát triển ở trẻ và có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Hỗ trợ trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện
Đánh thức tiềm năng não bộ là phương pháp tiếp cận được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phát triển với mục tiêu hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ 0-3 tuổi thông qua việc khuyến khích người chăm sóc trẻ, cán bộ y tế cơ sở và giáo viên mầm non thực hành các kỹ năng chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển cho trẻ. Sự kết hợp này sẽ tạo cơ hội cho trẻ được khám phá môi trường xung quanh, thực hành các kỹ năng mới qua việc vui chơi, khám phá, trải nghiệm các tình huống và giao tiếp với người chăm sóc trẻ.
3 năm qua (2020-2022), PP ĐTTNNB được áp dụng thực hiện tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) bởi Dự án “Phát triển trí tuệ cho Tương lai tươi sáng”. Dự án đã hỗ trợ gần 1500 trẻ em dưới 3 tuổi và gần 1300 người chăm sóc trẻ tại 5 xã Đại Lịch, Minh An, Tân Thịnh, Thượng Bằng La và thị trấn Sơn Thịnh thông qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ NCST, các chuyến thăm hộ và hỗ trợ thực hành PP ĐTTNNB tại nhà.
Ngoài ra, hơn 800 nhà cung cấp dịch vụ và hơn 170 thành viên cộng đồng đã được tập huấn về PP ĐTTNNB, các khóa tập huấn bổ trợ, các tài liệu hướng dẫn lồng ghép và các sự kiện và chiến dịch truyền thông về phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ.
Ông Nguyễn Đình Liên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: “Việc lồng ghép PP ĐTTNNB đã giúp tăng cường năng lực, kỹ năng thực hành của cán bộ y tế và giáo dục, qua đó nâng cao hiệu quả công việc chuyên môn; đặc biệt, phương pháp này giúp hỗ trợ trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, tình cảm xã hội một cách toàn diện”.
Tại hội thảo “Giới thiệu PP ĐTTNNB và Trao đổi về cơ hội hợp tác nhằm đạt được mục tiêu phát triển trẻ thơ toàn diện” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) tổ chức tại ngày 3/11 Hà Nội, anh Hiếu, một NCST tại xã Thượng Bằng La tâm sự: “Tham gia các buổi sinh hoạt do dự án tổ chức đã giúp tôi có nhiều kiến thức áp dụng vào việc chăm sóc con mình. Tôi thấy mọi việc bắt đầu dễ dàng hơn, không còn xáo trộn nhiều như thời điểm mới có em bé. Cảm ơn dự án đã giúp tôi trở thành “ông bố quốc dân” như lời vợ tôi nói”.
Chia sẻ về những tác động của dự án, một NCST tại xã Sơn Thịnh cho biết: “Đến lúc tham gia câu lạc bộ em mới thấy mình còn rất nhiều thiếu sót. Chăm con không chỉ là miếng ăn với giấc ngủ đâu, mà còn rất nhiều kiến thức khác nữa. Mình dạy con, tương tác với con, chơi cùng con để con hiểu biết hơn. Cô giáo chỉ là một phần thôi, bố mẹ mới là quan trọng nhất. Nên là từ lúc đấy em với chồng em bỏ bớt điện thoại để hai vợ chồng chơi cùng con”.
Ghi nhận những thành tựu của dự án, bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả Chương trình (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) cũng bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả tích cực của sự phối hợp liên ngành trong việc áp dụng các phương pháp tiếp cận mới như PP ĐTNNB, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế sẽ góp phần mang lại khởi đầu tốt đẹp và tương lai tươi sáng cho mọi trẻ em. “Để nhân rộng các tiếp cận trong tương lai, dự án sẽ tiếp tục nỗ lực vận động chính sách nhằm hỗ trợ trẻ phát huy hết khả năng của mình thông qua các biện pháp can thiệp sớm về sức khỏe và giáo dục”, bà Dương thông tin.
Qua PP ĐTTNNB, NCST và các nhân viên cung cấp dịch vụ hỗ trợ (giáo viên, nhân viên y tế) sẽ được hướng dẫn và áp dụng các thông tin về:
- Chăm sóc đáp ứng: là cách NCST phản hồi một cách nhất quán và phù hợp với các tín hiệu, nhu cầu của trẻ. Qua đó, NCST và trẻ thể hiện mối quan hệ xã hội, tình cảm và xây dựng lòng tin, tôn trọng trong giao tiếp.
- Hỗ trợ phát triển là cách thúc đẩy quá trình học hỏi của trẻ nhỏ thông qua khám phá, trải nghiệm với môi trường xung quanh và tương tác với người chăm sóc trẻ. Chất lượng và tần suất tương tác quyết định số liên kết của các nơ-ron thần kinh, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ.