Những năm gần đây, Lê Thế Song cũng là người sáng tạo ý tưởng và viết kịch bản cho hàng trăm lễ hội lớn của cả nước, trong đó anh cũng tham gia với vai trò vừa là tác giả kịch bản, vừa là tổng đạo diễn cho một số lễ hội tiêu biểu. Các chương trình do Lê Thế Song làm tổng đạo diễn được các nhà chuyên môn và giới truyền thông đánh giá hoành tráng, đặc sắc và luôn mang đậm dấu ấn kết hợp giữa các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống và tư duy hiện đại, để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả . Anh chia sẻ “Gìn giữ truyền thống trong lối tư duy hiện đại” là kim chỉ nam cho những sáng tạo của mình.
Say đắm kịch hát dân tộc
Tác giả Lê Thế Song sinh ra và lớn lên ở vùng quê châu thổ Sông Hồng (tỉnh Hà Nam). Làng Ngò quê hương anh có chiếu chèo nổi tiếng và câu "Rượu Bèo Chèo Ngò" đi vào ký ức của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Những tích cũ, trò diễn dân gian thấm đẫm vào tuổi thơ của Lê Thế Song từ lúc nào không rõ.
Mối duyên đối với việc sáng tác chèo được khởi phát lên từ những ngày Lê Thế Song viết bài hát cho đội chèo của làng, xã… thông qua chương trình đưa nghệ thuật đến cộng đồng. Sau này, anh nên duyên với chị Xuân Hồng (con gái cố tác giả Hoàng Luyện- Giải thưởng Nhà nước về VHNT)- người khích lệ anh có những sáng tạo và theo đuổi đam mê của mình.
Anh cùng bà xã Xuân Hồng từng có những ngày tháng làm dự án cho các tổ chức phi chính phủ. Nhiệm vụ của vợ chồng anh là về các vùng quê, tìm kiếm các nhân tố tài năng, đào tạo họ thành những nồng cốt văn nghệ để phục vụ chính cộng đồng mình. Từ công việc này, Lê Thế Song đã có cơ hội biết thêm nhiều câu ca, điệu hát, tích trò… ở những vùng quê mình đặt chân đến. Và tâm nguyện "muốn làm gì đó cho nghệ thuật truyền thống" đã thôi thúc anh viết nên nhiều kịch bản, dàn dựng nên nhiều chương trình để phục vụ người dân thôn quê.
Bao nhiêu năm gắn với bó với công việc này, Lê Thế Song cùng bà xã Xuân Hồng đã đặt chân đến khắp mọi miền tổ quốc như: Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Hòa Bình, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên… Những chuyến đi ấy giúp anh có thêm nhiều trải nghiệm và đến gần hơn với di sản văn hóa quý báu của ông cha. Vốn di sản ấy cứ tích lũy ngày càng dày thêm, thôi thúc anh nghĩ đến những điều lớn lao hơn.
“Do đặc thù công việc như vậy nên tôi phải tự viết kịch bản, biên đạo, dàn dựng cho các chương trình, có những đêm diễn có hàng chục nghìn khán giả tới xem. Từ Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Hòa Bình, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên…. Từ đó tạo cho tôi vốn sống, đi đâu cũng thâm nhập văn hóa vốn sống vùng đất ấy. Các làn điệu dân ca, di sản văn hóa của từng vùng quê cứ được tôi tích lũy trong người thành cái "vốn"”- Tác giả Lê Thế Song chia sẻ.
Năm 2011, vợ chồng anh quyết định theo học lớp Biên kịch Kịch hát dân tộc (K31 Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Đây là lớp học được hình thành sau 9 năm mới có 1 khóa đào tạo biên kịch Kịch hát Dân tộc tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Và cho đến bây giờ, sau 12 năm cả khóa ra trường, chỉ còn mỗi vợ chồng anh là "thủy chung" với nghề viết.
Cho đến nay, ThS Lê Thế Song đã có gần 50 tác phẩm sân khấu được dàn dựng tại nhiều nhà hát chuyên nghiệp trong cả nước như: Tuồng, Chèo, Cải Lương, dân ca kịch, Kịch nói…trong đó có không ít vở diễn giành giải Vàng, giải Bạc tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Tác giả Lê Thế Song bảo đó là “vốn quý” khi anh bén duyên và nỗ lực sáng tạo nghệ thuật theo kim chỉ nam: “Gìn giữ truyền thống trong lối tư duy hiện đại”.
Sân khấu và lễ hội là đam mê từ trái tim
Gần đây, tác giả Lê Thế Song tiếp tục gây ngạc nhiên khi anh bén duyên và rất thành công với vai trò Biên kịch và Tổng đạo diễn cho một số lễ hội. Với năng khiếu bẩm sinh, kinh nghiệm và sự tích lũy từ thực tế, từ các thầy cô truyền giảng trong trường Sân Khấu điện ảnh Hà Nội và từ bạn nghề, Lê Thế Song đang có những dự án nghệ thuật về lễ hội mang dấu ấn cá nhân và chất lượng chuyên môn cao.
Có thể kể đến những lễ hội lớn có dấu ấn của anh trong ekip sản xuất như tác giả nhóm biên kịch của Seagames 31 tổ chức tại Hà Nội, tác giả nhóm biên kịch : Kịch bản lễ hội hoa Đà Lạt 2023, Tác giả kịch bản chuyển thể lễ hội cà phê Ban Mê Thuột năm 2023....
Gần đây nhất, hồi đầu tháng 2/2023, ThS Lê Thế Song được tin tưởng giao vai trò tổng đạo diễn chương trình Lễ công bố Quyết định ghi danh "Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai mạc Lễ hội năm 2023. Chương trình quy tụ hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp của hà Nội và Yên Bái, trong đó có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như: NSND Thái Bảo, NSND Thúy Ngần, NSND Thanh Ngoan, NSUT Thanh Tâm, NSUT Việt Hoàn, NNDG Ngọc Anh , ca sỹ Hoài Thanh và nhiều nghệ sỹ khác
Chương trình được lãnh đạo của Tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên đánh giá là hoành tráng, công phu, mang đậm chất sử thi về lịch sử, con người và vùng đất Văn Yên, nơi minh chứng cho sự giao thoa văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc lâu đời trên vùng đất thượng lưu sông Hồng. Sau thành công của sự kiện, UBND huyện Văn Yên đã trao tặng Bằng khen cho ThS Lê Thế Song và ê kíp thực hiện.
Chia sẻ về sự kiện lớn này, ThS Lê Thế Song cho biết, nhờ “nguồn vốn” về văn hóa truyền thống đã tích lũy trong nhiều năm qua, khi đảm nhận vai trò tổng đạo diễn những chương trình lễ hội văn hóa, nghệ thuật truyền thống, anh không bị ngợp. Anh đã đưa vào chương trình nghệ thuật sự đan xen giữa văn hóa truyền thống với hiện đại. “Tôi thực hiện Chương trình với ý nghĩa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ MẫuThượng ngàn, đồng thời có những tư duy hiện đại trong dàn dựng vũ đạo, âm nhạc và hiệu ứng ánh sáng, song vẫn đảm bảo sự kế thừa truyền thống, đúng nghi lễ trang nghiêm và giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt”- Tổng đạo diễn Lê Thế Song chia sẻ.
Anh cũng bật mí thêm: “Để chương trình mang tính sử thi, ấn tượng và ca ngợi sự đổi mới vùng đất Quế Văn Yên, tôi đã nghiên cứu, khảo sát thực tế, tìm hiểu văn hóa dân gian các dân tộc Văn Yên – Yên Bái và nghi lễ Múa Then người Tày độc đáo trong lễ rước Mẫu... Chính từ quá trình nghiên cứu ấy sẽ tạo nên cảm xúc, có sự rung động, rồi bật ra ý tưởng hay để viết kịch bản. Trong đó, nhấn mạnh vào tính thiêng liêng. Bởi Lễ hội đền Đông Cuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng; là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong lễ hội này đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc nơi đây”- ThS Lê Thế Song nói.
Đặc biệt, cùng với những tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, phát huy sở trường sáng tác của mình, tác giả Lê Thế Song thường có những sáng tác riêng cho mỗi lễ hội. Nhờ đó, mỗi lễ hội do anh viết kịch bản hoặc biên kịch kiêm tổng đạo diễn đều có dấu ấn riêng, bản sắc riêng, câu chuyện nghệ thuật riêng, mới lạ, hấp dẫn, không trùng lặp. Như với lễ hội Đền Đông Cuông, tác giả đạo diễn Lê Thế Song viết tác phẩm “Đông Cuông mở hội đền thiêng” mang âm hưởng dân gian hòa quyện giữa chèo và chầu văn. Với chương trình nghệ thuật khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Hà Nam, anh lại sáng tác luôn một ca khúc Rap trẻ trung sôi động “Hà Nam bừng sáng”.
Lời bình trong những lễ hội mà Ths Lê Thế Song khởi bút cũng mang dấu ấn riêng của anh bởi sự nghiêm túc, khắt khe câu từ, chi tiết và nội dung và các phân đoạn đều viết bằng văn biền ngẫu hoặc các thể thơ tạo cảm xúc rất sâu sắc cho người nghe...người xem...
Sau “gia tài” đáng nể về các tác phẩm sân khấu, ThS Lê Thế Song đã thể hiện rất chắc tay với vai trò vừa là tác giả kịch bản, vừa là tổng đạo diễn. Có thể kể đến như tác giả kịch bản và tổng đạo diễn: Chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Tân Châu - An Giang; Chương trình tôn vinh học sinh sinh viên thiểu số tiêu biểu toàn quốc do Ủy ban dân tộc tổ chức; Kịch bản và tổng đạo diễn Cuộc thi hoa hậu YOGA Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng; Kịch bản và Tổng đạo diễn đại hội điểm Lễ Khai mạc đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hà Nam, tỉnh Hưng Yên; Kịch bản và tổng đạo diễn chương trình Nghệ thuật chào mừng thành công hội nghị những người đứng đầu công vụ ASEAN + 3 ( Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc)…
Chia sẻ về đam mê mới này, ThS Lê Thế Song cho biết: “Ngoài sân khấu truyền thống, tôi rất mê được thực hiện các lễ hội. Biết đam mê này của tôi, Xuân Hồng- vợ tôi đã khích lệ, thôi thúc tôi làm thêm những điều mình thích. Đất nước Việt Nam có rất nhiều lễ hội truyền thống, có lịch sử ngàn năm và mỗi lễ hội chính là bản sắc, là cội nguồn và là văn hóa của một vùng đất. Hai vợ chồng đã và sẽ song hành đến với rất nhiều lễ hội, đến các chương trình với khát vọng làm được nhiều hơn nữa, tái hiện những lễ hội truyền thống, góp phần bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa của cha ông”.
Trong thời gian tới, lịch trình làm việc của tác giả Lê Thế Song vẫn dày đặc với những lễ hội như Lễ hội Đền mẫu phố Cò và Lễ hội Chùa Ngọc Bích (Thái Nguyên), đồng thời kết hợp với đạo diễn NSND Tự Long và e kíp thực hiện dàn dựng một vở chèo về đề tài chiến tranh cách mạng, chiến tranh biên giới… Anh chia sẻ: “Nghề đạo diễn rất khó bởi đạo diễn không thể làm việc đơn lẻ một mình mà phải làm việc với nhiều người với các cá tính khác nhau, phải làm sao để kích thích niềm cảm hứng sáng tạo cho họ và khó hơn là làm sao để mọi người tin mình mà đồng hành trên con đường sáng tạo với mình. Ðiều quan trọng nhất là phải ý thức rõ về trách nhiệm và bổn phận đối với công việc của mình, không phải vì tiếng tăm thương hiệu, mà vì đông đảo khán giả và những người tin tưởng trao chương trình cho mình làm. Tất cả cũng chỉ vì một điều là chương trình phải để lại dấu ấn và cảm xúc, phải mang tới một giá trị trong đời sống tinh thần và nhận thức của người xem”.