Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đạo đức nhà báo trong lĩnh vực báo chí trẻ em

 
Các nhà báo viết về trẻ em tại một cuộc hội thảo.
 
Báo chí trẻ em có vị trí đặc biệt trong hệ thống báo chí 
 
Sở dĩ nói là “đặc biệt” vì nó có những đặc tính riêng, đòi hỏi sự tinh tế và thận trọng trong cách làm, cách thể hiện. Báo chí về trẻ em buộc phải rõ ràng, trong sáng về nội dung; nghiêm túc, vui nhộn về hình thức; toát lên vẻ sáng tạo đầy cảm xúc trong tổng thể. 
 
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, những cái hay và cái dở của xã hội tiêu dùng ở các nước phát triển cũng được du nhập vào Việt Nam. Hình như những cái dở tác động đến trẻ em nhiều hơn. Những em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, dễ bị xâm hại hơn. 
 
Và điều này chúng ta cần nhận thức cho rõ: Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường. Giai đoạn này được các nhà lý luận gọi là “thị trường hoang dã”, do vậy, có rất nhiều cái ác, cái xấu xảy ra trong giai đoạn này. Những người gánh chịu hậu quả lớn nhất lại là trẻ em. Vì vậy, những người làm báo về trẻ em phải thấu hiểu và tìm mọi cách bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh phức tạp này.
 
Đạo đức và đạo đức nhà báo viết về trẻ em
 
Về mặt đạo đức, nhà báo phải là những con người có những phẩm chất tốt của con  người. Có thể kể ra một số phẩm chất: trung thực, dũng cảm, thông minh, có tự trọng danh dự, nghĩa hiệp, tôn trọng công chúng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, nhiệt tình, chu đáo, bao dung… Nếu là nhà báo viết về trẻ em, phải có thêm những phẩm chất như: yêu trẻ, chịu khó, giàu tình thương, cẩn thận, tinh tế, thấu hiểu tâm hồn trẻ thơ… Có được những phẩm chất này, các nhà báo hành nghề sẽ có hiệu quả hơn, được yêu mến, tin cậy hơn.       
                                        
- Tính chuyên nghiệp của nhà báo khi viết về trẻ em
 
Hiện nay, không ít nhà báo vô tình hay cố ý đã làm tổn thương trẻ em bằng chính ngòi bút, góc ảnh của mình. Thực tiễn cho thấy, sự thật là “sinh mệnh” của báo chí, song, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các nhà báo cũng cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Vậy, câu hỏi được đặt ra là, khi đưa tin về trẻ em, các nhà báo cần tuân thủ những nguyên tắc gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các em? Đây không còn là câu hỏi mới, song nó luôn là thách thức lớn đối với các nhà báo.
 
- Hiểu rõ mối quan hệ giữa trẻ em và báo chí
 
Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện trên 3 phương diện: trẻ em là đối tượng phản ánh của truyền thông; là công chúng, đối tượng thụ hưởng và chịu sự tác động của truyền thông; đồng thời, là những người tham gia vào hoạt động truyền thông để bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của mình. 
 
- Thể hiện cái tâm và sự hiểu biết của người làm báo trẻ em
 
Viết về trẻ em là một “kênh” rất quan trọng đối với việc tuyên truyền nếp sống, nhân phẩm cho thế hệ trẻ. Bởi vì, trẻ em trong sáng, dễ đọc, dễ tin, dễ để những ấn tượng ban đầu hằn sâu trong tâm hồn và có thể hướng cách sống, cách nghĩ sau này theo những ấn tượng ban đầu ấy. Điều kỳ diệu và điều khủng khiếp đều khó phai trong tâm hồn mỗi bạn đọc nhỏ tuổi. Chính vì vậy, những người cầm bút hãy thận trọng như khi viết cho chính con em mình đọc. 
 
Một bài báo nhỏ có thể ngăn chặn được cả một tội ác to lớn, nhưng chỉ một dòng thông tin, một tấm ảnh nhỏ trên báo chí cũng có thể phá đi cuộc sống yên lành của một đứa trẻ. 
 
- Tiếp tục hoàn thiện kỹ năng làm báo về trẻ em
 
Những thông tin về việc trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng nhiều và rất bi thảm. Những thông tin như vậy gây bức xúc trong dư luận. Viết như thế nào để nạn nhân là trẻ em không bị tổn thương thêm là một vấn đề cần đến kỹ năng và sự tinh tế. Tránh làm cho các em và gia đình các em lâm vào hoàn cảnh khó xử, gần như bị ức hiếp lần nữa. Tránh bắt các em phải kể là các em bị xâm hại như thế nào. Khi đưa tin, phải chú trọng việc bảo mật và dùng từ ngữ chuẩn xác. Ví dụ, không nên dùng cụm từ “lạm dụng tình dục trẻ em”, mà phải viết rõ cưỡng hiếp hay xâm hại tình dục trẻ em.

 
Nhà báo tác nghiệp tại làng SOS Hải Phòng. 
 
Cần bộ quy tắc ứng xử khi làm truyền thông về trẻ em
 
Đã đến lúc, chúng ta cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi làm truyền thông về trẻ em. Bộ quy  tắc đó dựa vào những nội dung và yêu cầu cơ bản sau đây:
 
- Người viết báo về trẻ em phải nắm vững luật pháp về trẻ em, hiểu và tôn trọng tất cả các quyền của trẻ em.
 
- Khi làm truyền thông về trẻ em, phải được sự đồng ý của người đại diện quyền lợi của trẻ em (cha mẹ, ông bà, anh chị, thầy cô giáo).
 
- Cần biết thông tin đầy đủ, trung thực về những trẻ em mà mình sẽ làm truyền thông.
 
- Luôn luôn áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong những vụ án nghi phạm là trẻ em.
 
- Tuyệt đối không khai thông tin cá nhân của trẻ tại nơi công cộng.
 
- Phải xin phép khi chụp ảnh cho trẻ em trong sự kiện; xin phép phụ huynh và trẻ trên 7 tuổi; khi sử dụng cũng nên xin phép.
 
- Không xâm phạm bí mật riêng tư của trẻ về thông tin và hình ảnh thân thể.
 
- Tránh vô tình xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ.
 
Trên đây chỉ mới là những phác thảo những ý chính của bộ quy tắc ứng xử trong làm báo về trẻ em. Tôi mong, các đồng nghiệp nghiên cứu, cho ý kiến và chúng ta sẽ hoàn thiện nó.

HBK/TC GĐ&TE