Ông Nguyễn Trung Hiếu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
* Ông có thể cho biết công tác đào tạo nghề của tỉnh Sóc Trăng hiện nay như thế nào và nhu cầu học nghề của người lao động tại địa phương?
Sóc Trăng là một tỉnh kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao – nhất là hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy tỉnh xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giải quyết việc làm là vấn đề quan trọng. Thời gian qua, bên cạnh các đề án, chương trình đào tạo nghề của Chính phủ, UBND tỉnh đã giao cho các cấp, các ngành liên quan thực hiện xây dựng các Kế hoạch, đề án tổng thể về dạy nghề theo từng năm tại địa phương, từ đó có những điều chỉnh, định hướng phù hợp với yêu cầu thực tế ngành nghề cần đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân.
Hiện nay hệ thống cơ sở dạy nghề của tỉnh đã được mở rộng, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người lao động trong tỉnh. Nhờ thực hiện tốt việc dạy nghề cho người lao động nên công tác giải quyết việc làm ở Sóc Trăng cũng thuận lợi hơn.
Theo khảo sát, nhu cầu được học nghề của lao động nông thôn rất cao. Để các lớp học nghề đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, trước khi tổ chức các lớp dạy nghề, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức khảo sát, đánh giá đúng, chính xác nhu cầu học nghề của người dân. Sau khi tổ chức khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, các lớp dạy nghề thường được tổ chức phối hợp ngay tại địa phương. Trong dạy nghề, phối hợp dạy nghề, tập huấn nghề, các cấp hội đặc biệt chú trọng tới việc học đi đôi với hành.
* Tỉnh đã có những chính sách gì để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động, thưa ông?
Để nâng cao nguồn nhân lực, trong thời gian qua, tỉnh đã tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Hiện nay, quy mô đào tạo của 11 cơ sở dạy nghề trong tỉnh cho lao động nông thôn là 11.065 người/năm. Tính đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn được 51 nghề, trong đó có 25 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp và 26 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Tỉnh đã triển khai các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và hỗ trợ vốn vay tạo việc làm sau học nghề. Điển hình như các mô hình dạy nghề cho ngành nông nghiệp nuôi bò sữa, nuôi heo, nuôi ếch, nuôi cá lóc trong vèo, trồng nấm bào ngư, nấm rơm, trồng lúa năng suất cao… điều mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân thoát nghèo và giảm nghèo bên vững.
Thông qua vai trò của đoàn thể, tỉnh sẽ chỉ đạo việc đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.
Học viên trường cao đẳng nghề Sóc Trăng nhận bằng tốt nghiệp được doanh nghiệp đánh giá năng lực khi thực tập.
* Ông có thể cho biết những khó khăn của tỉnh trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) hiện nay?
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đưa kinh tế địa phương phát triển, trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại mà UBND tỉnh và các ngành, cơ quan đang cùng nhau tháo gỡ.
Ở một số địa phương, công tác tuyên truyền, tư vấn dạy nghề chưa thực hiện thường xuyên và sâu rộng, từ đó phát sinh khó khăn, vướng mắc nhưng không được phản ánh kịp thời. Mặt khác, nhận thức về học nghề để có việc làm của LĐNT chưa cao, bộ phận người nghèo với tâm lý “không muốn thoát nghèo” đã ảnh hưởng đến việc tự giác tham gia học nghề và tự tìm việc làm. Ngành nghề đào tạo cho LĐNT ngày càng đa dạng, trong khi đội ngũ giáo viên dạy nghề thì chưa đáp ứng đủ yêu cầu, các cơ sở dạy nghề phải huy động và ký hợp đồng với cán bộ kỹ thuật, kỹ sư chuyên ngành, nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp để giảng dạy.
Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở thêm ngành nghề mới rất khó khăn, có huyện, xã không có doanh nghiệp hoặc rất ít doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Vì vậy, hầu hết các huyện, xã thường tổ chức các lớp dạy nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong khi các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, đặc biệt một số ngành nghề truyền thống có xu hướng giảm dần quy mô sản xuất. Không chọn được ngành nghề phù hợp để đào tạo, nhiều địa phương thực hiện dạy nghề gắn với việc làm không đạt hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế nhất định do nguồn kinh phí hạn hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu học nghề của người lao động. Các điều kiện để bảo đảm nâng cao chất lượng dạy nghề còn hạn chế, chưa có giáo trình thống nhất cho các nghề đào tạo. Ý thức tham gia học nghề của một bộ phận người lao động còn thấp. Một số lao động sau khi học xong nghề không phát huy được kiến thức đã học, không mở rộng được sản xuất do thiếu vốn, thiếu đất…
Dạy nghề cho phụ nữ nông thôn
* Trước những khó khăn trên, định hướng phát triển đào tạo nghề cho lao động và lao động nông thôn trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Để công tác đào tạo nghề hiệu quả, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, khắc phục được những mặt yếu kém còn tồn tại trong quá trình triển khai các đề án, chương trình đào tạo nghề. Đồng thời rà soát lại từng khâu thực hiện và từng bước chỉnh đốn những mặt hạn chế còn tồn tại để công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho người lao động nhằm mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa.
Bên cạnh việc vận dụng tốt mô hình tạo việc làm, nâng cao tay nghề người lao động từ các liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh, từ đó sẽ đáp ứng được cung - cầu, tỉnh sẽ kiểm tra lại tất cả các trường và trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh để đánh giá hiệu quả của thiết bị dạy nghề, rà soát các nghề do các trung tâm đã và đang dạy từ trước đến nay nhằm xác định thế mạnh của từng nghề, từ đó vận dụng đào tạo bảo đảm phù hợp với nhu cầu của từng nơi.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục huy động nhiều nguồn vốn tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Củng cố và phát triển mạng lưới dạy nghề công lập từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ dạy nghề, tư vấn việc làm ngoài công lập; tổ chức đào tạo nghề linh hoạt, phong phú về quy mô và số lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người học nghề.
Hằng năm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trên cơ sở thống kê nhu cầu học nghề của nông dân. Tranh thủ các nguồn lực từ trung ương, địa phương phục vụ cho công tác dạy nghề. Đầu tư, duy trì tốt hoạt động của các trường CĐ nghề, trung tâm dạy nghề, làm nòng cốt cho công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!