NKT rất cần được tạo điều kiện để hòa nhập với môi trường sản xuất, ổn định công việc.
Trên 9,8 triệu NKT được trợ giúp
Theo báo cáo của Hội Bảo trợ người tàn tật (NTT) và Trẻ mồ côi (TMC) Việt Nam, khả năng của NKT và những đóng góp của họ vào sự phát triển của xã hội là rất lớn, nhưng nhận thức của cộng đồng và chính bản thân NKT về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Hội Bảo trợ NTT, TMC đặc biệt quan tâm, thực hiện các chương trình nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật. Nhân các dịp kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam, Ngày quốc tế NKT… Hội Bảo trợ NTT, TMC Việt Nam đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và một số đơn vị tổ chức nhiều hoạt động như: Hội nghị biểu dương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc; “Một trái tim - Một thế giới”; hội thi tiếng hát của NKT “Những trái tim khát vọng; đi bộ vì NKT, cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tặng quà cho thương binh, TMC, khuyết tật, trẻ em nghèo…
Trong 25 năm qua, Hội Bảo trợ NTT, TMC và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được hơn 2.523 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 268,2 tỷ đồng. Từ nguồn quĩ này, Hội triển khai các hoạt động nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất của NKT, TMC trên cơ sở bám sát các chương trình, đề án của Chính phủ, Hội đã thực hiện các hoạt động trợ giúp cho trên 9,8 triệu NKT được hưởng lợi. Tổ chức nhiều hình thức dạy nghề, tạo việc làm cho 27.400 lượt người, tổng kinh phí 74,2 tỷ đồng với tỷ lệ có việc làm luôn đạt trên 70%. Bên cạnh đó Hội còn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình bằng việc hỗ trợ vay vốn cho gần 5 nghìn lượt người, trị giá 10,7 tỷ đồng; hỗ trợ vật nuôi cho 4.500 gia đình, trị giá 15 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT, TMC cho biết, cùng với dạy nghề và tạo việc làm, Hội đã có nhiều hoạt động trợ giúp NTT, TMC, cùng với Bệnh viện mắt Trung ương xây dựng chương trình phẫu thuật thay thủy tinh thể cho người mù có hoàn cảnh khó khăn, không thuộc diện được hưởng bảo hiểm y tế. Từ năm 2002 đến nay đã có 100.307 lượt người mù được phẫu thuật mắt, với số tiền trị giá gần 154,2 tỷ đồng.
Với số lượng NKT vận động chiếm tới 30% trên tổng số NKT, nhu cầu chỉnh hình, phục hồi chức năng là rất lớn, Hội đã triển khai các hoạt động trợ giúp NKT phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp các dụng cụ hỗ trợ. Hỗ trợ mổ tim cho 4.600 người, trong đó có 80% số ca là trẻ em, với tổng số tiền 217,5 tỷ đồng . Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 2 triệu lượt người, với kinh phí trên 156 tỷ đồng.
Lối lên xe buýt dành cho người khuyết tật.
Đặc biệt, Hội đã tích cực tham gia thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020. Từ năm 2012 đến 2017, các tổ chức của Hội đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 84 nghìn lượt NKT và một số đối tượng khác thuộc hộ cận nghèo với số tiền 6,8 tỷ đồng. Tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ hỗ trợ cho hơn 110 nghìn lượt NKT và hàng chục ngàn đường tiếp cận với tổng trị giá 182,7 tỷ đồng. Từ 2012 đến 2017, Hội đã hỗ trợ xây dựng hơn 1 nghìn công trình vệ sinh, trị giá 3 tỷ đồng; cải thiện 299 hệ thống nước sinh hoạt, trị giá 1,3 tỷ đồng.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội đã đề ra chương trình thứ 6 “Hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới”, mở ra một hướng đi mới trong công tác trợ giúp cho đối tượng. NKT, TMC không chỉ được tạo cơ hội thoát nghèo mà còn được cải thiện sinh hoạt như: Xây nhà, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt, xây đường tiếp cận, tặng bò, lợn, hỗ trợ thức ăn trăn nuôi, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng làm kinh tế gia đình…
Vẫn còn nhiều rào cản đối với NKT
Ông Nguyễn Đình Liêu cho biết, bên cạnh những việc mà Hội đã làm được thì vẫn còn những khó khăn như: Công tác thông tin tuyên truyền chưa được thường xuyên, đồng đều, không mang lại hiệu quả. Số lượng và nhu cầu trợ giúp của NKT, TMC ngày càng gia tăng, đa dạng; xu thế phát triển đặt ra chuyển phương tiếp cận dựa trên quyền của đối tượng trong khi năng lực của cán bộ Hội chưa theo kịp sự thay đổi này. Hơn nữa, nguồn quỹ vận động từ nước ngoài còn thấp, kinh phí dành cho các chương trình trợ giúp mang tính bền vững còn chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều trụ sở cơ quan Hội chưa thuận lợi cho NKT tiếp cận…
Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Liêu cho rằng, số NKT được cấp Giấy xác nhận khuyết tật chiếm tỷ lệ rất ít, còn bị hạn chế. Khó khăn của NKT hiện nay là chính sách xác nhận NKT, đặc biệt NKT vừa và nhẹ chưa giải quyết được, NKT còn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực dạy nghề và tiếp cận các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, NKT tham gia công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm vẫn còn bị hạn chế, trong khi nhu cầu còn rất lớn, nhưng điều kiện khả năng đáp ứng, tạo điều kiện cho NKT chưa nhiều. Nhiều khả năng khó đạt chỉ tiêu của Đề án 1019 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Nhận thức về việc chuyển phương thức sang trao quyền NKT cho NKT theo Luật Người khuyết tật hiện nay đã được nâng lên nhưng vẫn còn những hạn chế và những rào cản xung quanh việc tiếp cận các phương tiện giao thông cũng như các dịch vụ xã hội khác.
“Về mặt chính sách đã cơ bản tương đối hoàn thiện và đã đi vào cuộc sống, nhưng phải tiếp tục hoàn thiện nó theo hướng của Luật Người khuyết tật và Công ước quốc tế NKT, theo kế hoạch Công ước mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành để bảo đảm cho họ được tiếp cận nhiều hơn đối với các dịch vụ cơ bản. Tiếp tục tăng cường xã hội hóa trợ giúp NKT, động viên, khuyến khích NKT, từ chính sách của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng thì bản thân NKT tự mình phấn đấu vươn lên, không ỷ lại trông chờ. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn qua những sự tiếp cận đó, NKT tự vươn lên làm chủ cuộc sống, giải quyết những cơ bản đời sống của mình”, ông Nguyễn Đình Liêu nhấn mạnh.