Chất thải làm vàng đổ trực tiếp ra hồ Phú Ninh
Nghe chuyện khai thác vàng trái phép giờ sao quá quen tai. Thế mà đến tận nơi chứng kiến cảnh khai thác vàng, đổ chất thải ra ngay hồ nước trong xanh in bóng mây trời thơ mộng của khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Nơi chúng tôi tiếp cận đầu tiên là cánh rừng phía đối diện khu vực điều hành của Cty du lịch hồ Phú Ninh. Bằng phương tiện canô từ bờ vào đến chân núi chỉ mất khoảng 10-15 phút. Cửa rừng, nơi tiếp giáp giữa hồ và rừng là một bãi bùn đỏ ngầu như nham thạch núi lửa phun trào, lấn sâu vào hồ nước. Theo phán đoán, chúng tôi men theo dấu vết này là con suối nhỏ dẫn ngược vào rừng. Chẳng mấy khó khăn chúng tôi “điểm danh” ngay khu vực đang diễn ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép chỉ cách cửa rừng khoảng hơn 100m.
Biết trước sự có mặt của cơ quan chức năng nên số người khai thác vàng sa khoáng trái phép tại đây đã cao chạy xa bay. Hiện trường chúng tôi chứng kiến là một cơ ngơi làm vàng mới toanh từ khâu đào đất, dựng nhà, làm hầm đến việc đào đãi, xử lý đất đá để tìm vàng... Theo những cán bộ Hạt Kiểm lâm Phú Ninh thì nơi đây là rừng Lăng Nghè, thuộc lâm phận xã Tam Thạnh, H. Núi Thành. Trời chiều, ca nô còn phải quay lại phía bờ bên kia nên chúng tôi không thể đi thực địa nhiều hơn xung quanh khu vực này. Song một điều chắc chắn có thể khẳng định đây không phải điểm duy nhất diễn ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng.
Tham gia chuyến đi, ông Dương Được, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Phú Ninh phân trần: “Điểm khai thác vàng ni cũng mới trong khoảng tuần ni. Trước đó chúng tôi có tuần tra qua đây nhưng không phát hiện. Địa bàn rộng, lực lượng mỏng, mỗi lần tuần tra cần đến phương tiện đi lại trên hồ cũng vất vả lắm”. Và điều này chúng tôi đã chứng thực ngay chuyến trở về khi một trong 2 chiếc ghe của cơ quan chức năng không nổ máy được phải nhờ canô của Cty khai thác du lịch hồ Phú Ninh nối dây kéo sau đuôi, mới nhìn chẳng khác mấy thuyền ngư dân bị gió bão đánh chìm được cơ quan chức năng kéo vào bờ hồi những mùa bão lũ. Tâm trạng vui mấy đố ai nhìn vào mà không ngao ngán lắc đầu.
Trong khi đó ai cũng biết, người khai thác vàng trái phép vì lợi nhuận mang lại sẵn sàng tìm cách khai thác dễ nhất và rẻ nhất. Điều đó cũng đồng nghĩa phải dùng đến chất cực độc cyanua... đầu độc hồ Phú Ninh.
Bùn đất chất thải khai thác vàng đổ trực tiếp ra hồ Phú Ninh.
Rừng phòng hộ Phú Ninh lại bị chặt phá
Một điều cũng đáng lo ngại khi hơn tuần nay đó là tình trạng rừng keo ngay khu vực cửa vào khu du lịch hồ Phú Ninh bị chặt phá không thương tiếc. Nhiều vạt keo lai chỉ một hai năm tuổi bị cưa ngang thân nằm vắt vẻo khắp nơi, cành nhánh đổ ra héo rũ. Bà Nguyễn Thị Hạnh, người dân thôn Đại An, xã Tam Đại đang đi vớt vát loại củi này giãi bày: “Ai chặt phá keo rừng phòng hộ tui không biết, mà họ cũng đâu để cho tui biết. Còn tui già yếu cũng chỉ vào kiếm ít củi mà thôi”. Nhìn cây rựa trên tay bà, tôi biết bà nói thật bởi toàn bộ số keo bị đốn hạ theo quan sát của chúng tôi đều bị cưa máy tiện đứt hẳn hoi.
Tìm hiểu sự việc chúng tôi được biết, có một thực tế không phải bây giờ mà nhiều năm qua vẫn diễn ra đó là, tình trạng người dân quanh khu vực hồ Phú Ninh sản xuất bấp bênh, đời sống khó khăn đã bỏ ruộng vào rừng. Có người dân thật thà, nếu không vào rừng kiếm củi mỗi ngày lấy chi nuôi con. Người có sức thì đi chặt gỗ bán, người già yếu đi nhặt củi kiếm ngày mấy chục ngàn đồng. Song không ít người mượn cớ nghèo khó để phá rừng, tận thu tất cả những gì có từ rừng phòng hộ Phú Ninh.
Một lãnh đạo Cty khai thác du lịch ở hồ Phú Ninh cho hay: Việc phát hiện tình trạng rừng keo bị chặt phá chúng tôi rất lo lắng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và hoạt động của khu du lịch, nhất là thời tiết nắng nóng hiện nay rất dễ xảy ra cháy rừng”.
Rõ ràng câu chuyện khai thác vàng trái phép, rồi chặt phá rừng keo ở khu du lịch rừng phòng hộ Phú Ninh (Quảng Nam) không là chuyện nhỏ mà cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, hòng ngăn chặn, giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc khi thực tế không đóng khung mãi ở chuyện cảnh báo là chấm hết.