Từ khi có Pháp lệnh phong tặng danh hiệu vinh dự của nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đến nay toàn tỉnh đã đề nghị và được phong tặng, truy tặng 5.539 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện có 519 bà mẹ còn sống đang được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Đồng thời tổ chức triển khai tốt 5 chương trình đền ơn đáp nghĩa. Phong trào nâng cao mức sống cho gia đình chính sách cũng được các ngành các cấp và nhân dân quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ đến nay đã có 173/173 xã phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, có 98% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn cộng đồng dân cư.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo tỉnh thăm gia đình chính sách
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất nước nhà việc tìm mộ liệt sĩ thường xuyên được phát động và đã quy tập được hơn 34 ngàn mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang trong tỉnh. Số mộ gia đình đang quản lý cũng được nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây mộ khang trang hơn. Đối với hơn 4.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt ngành đã tham mưu cho tỉnh đã xây dựng nhà bia để ghi tên liệt sĩ, sửa chữa nâng cấp 20 nghĩa trang khang trang, sạch đẹp nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Trong thời gian này, ngành cũng đã phối hợp tổ chức việc di dân phát triển vùng kinh tế mới, đã đưa trên 11.800 hộ, trên 26.400 lao động đến vùng kinh tế mới huyện Tân Phước và tỉnh Long An, góp phần tạo công ăn việc làm, cho người lao động, cho các hộ không có tư liệu sản xuất, đồng thời góp phần bố trí quy hoạch lại dân cư, phần lớn các hộ này đã ổn định cuộc sống và kinh tế phát triển, an tâm sản xuất nhờ vào các chính sách đối với hộ kinh tế mới. Bình quân hàng năm ngành tham mưu cho tỉnh tạo việc làm mới, tạo việc làm thêm trên 22.000 lao động.
GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang
Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 9,82% năm 1995, tăng lên 35% năm 2010 và 45% vào năm 2015; Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 21,4% (năm 2007) tăng lên 27% (năm 2010) tăng lên 36% năm 2015. Các cơ sở đào tạo nghề nhà nước đã đào tạo nghề hàng năm cho trên 12.000 lao động, trong đó có trên 7.000 lao động được hỗ trợ học phí học nghề theo chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, người tàn tật và người nghèo.
Là một bộ phận của chính sách xã hội hướng tới việc giúp đỡ những đối tượng đặc biệt khó khăn, trong xã hội do những điều kiện khách quan mang lại. Công tác cứu trợ xã hội đã phát huy vai trò và sức mạnh của cộng đồng trong việc chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng. Từ các phong trào như: “ hũ gạo kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động để diệt “Giặc đói” đến các phong trào xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo”, “Quỹ ủng hộ nạn nhân chiến tranh” … Ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng, thành lập nâng cao năng lực hoạt động các loại hình cơ sở bảo trợ như Trung tâm Công tác xã hội trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Bảo trợ xã hội, Hội người mù… Mặc dù ngân sách của tỉnh còn khó khăn song đến nay toàn tỉnh đã trợ cấp thường xuyên cho trên 120.000 lượt người, tổng kinh phí trên 140 tỷ đồng, giai đoạn 1995 có trên 3.000 người, đến năm 2010 trợ giúp trên 21.000 người, năm 2012 trợ giúp trên 56.000 người, tăng trên 260% so với năm 2010, năm 2014 trợ cấp 60.423 người với tổng kinh phí chi trả trợ cấp là 166.933 triệu đồng, mua bảo hiểm y tế là 24.966 triệu đồng tập trung nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội thường xuyên hơn 250 đối tượng.
Mô hìn giảm nghèo hiệu quả của tỉnh
Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn, nhóm dân cư. Gắn với tăng trưởng bền vững xóa đói giảm nghèo được coi là mục tiêu quan trọng của tỉnh. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo, sở đã đề xuất điều tra nắm tình hình đói nghèo, tham mưu cho Tỉnh xây dựng chương trình xóa đói giảm nghèo và phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả.
Trong 5 năm (2006-2010) đã giảm 49.548 hộ nghèo xuống còn 28.115 hộ (31/12/2010), tỷ lệ 6,40%. Năm 2011, theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 48.135 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,96%; đến cuối năm 2014, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 22.643 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,98%, (Bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 1,36%); kế hoạch đến năm 2015 còn dưới 4,5%.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh trao quà cho học sinh nghèo
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tiếp tục phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm cho người lao động trên cả 2 hướng số lượng và chất lượng. Cụ thể hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 51% , trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 40,5%. Duy trì tăng trưởng để ổn định tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%. Mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa đạt 10 tỷ đồng/năm . Vận động ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp hàng năm đạt 09 tỷ đồng/năm.
Bí thư tỉnh ủy Trần Thế Ngọc tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng
Đẩy mạnh việc chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ người có công, duy trì các xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ. Tổ chức các phong trào chăm sóc đời sống đối tượng. Lồng ghép việc chăm lo con em thương binh, liệt sĩ vào các chương trình tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động, để không còn gia đình chính sách nằm trong diện hộ nghèo. Tập trung dứt điểm việc xác nhận hồ sơ chính sách thương binh, liệt sĩ người có công, để chuyển sang thực hiện các chế độ chính sách mới cho đối tượng khi Pháp lệnh thay đổi.