Xuồng ba lá nét đặc trưng độc đáo
Dẫu xuồng ba lá lênh đênh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Anh ơi chớ ngại ngần chi/ Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên... Câu hò quen thuộc này vừa mang đậm dấu ấn sông nước Nam bộ, vừa tái hiện những hình ảnh thân quen…
Cơ sở đóng xuồng ba lá ở miền Tây
Có dịp qua các làng quê vùng sông nước Nam bộ, nơi đâu cũng bắt gặp hình ảnh xuồng ba lá ngang dọc trên những kênh rạch. Do đặc điểm thường ngập nước, nhiều sông, nên từ rất lâu, xuồng ba lá là phương tiện đi lại hữu dụng, phổ biến của người dân nơi đây.
Theo anh Đông, chủ cơ sở đóng thuyền Mai Bê (An Giang), đặc trưng chiếc xuồng ba lá theo nguyên gốc ban đầu là theo chiều dọc chiếc xuồng, được đóng bằng ba mảnh ván phẳng, đẹp và chắc. Một mảnh rộng, bản to được dùng làm đáy xuồng, hay còn gọi là lồng xuồng. Hai mảnh nhỏ hơn được lắp hai bên làm mạn xuồng (người địa phương còn gọi là be xuồng). Tuy nhiên, do gỗ rừng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, nên người đóng xuồng ba lá thường tận dụng bằng cách ghép nhiều mảnh ván lại để tạo nên chiếc xuồng và người dân vẫn gọi tên xuồng ba lá. Ngày nay, một số cơ sở đóng thuyền còn sử dụng các vật liệu hợp kim và vật liệu hợp chất phi kim loại để làm xuồng. Nhưng dù làm bằng nhiều cách thức khác nhau, chất liệu không giống nhau nhưng tác dụng của chiếc xuồng ba lá đối với người dân vùng sông nước Nam bộ vẫn nguyên giá trị, vẫn là nét truyền thống.
Thịt chuột đồng đặc sản vùng sông nước
Chiếc xuồng ba lá còn là hiện vật trong thời kỳ kháng chiến, má Mười (một người dân ở huyện Phú Trung, An Giang) kể: “Hồi xưa chiến đấu, người dân dùng xuồng ba lá đưa bộ đội, du kích qua sông, vận chuyển vũ khí, lương thực... Ngoài ra còn dùng xuồng chở lực lượng, giấu cán bộ trong những đám lục bình trên sông.”
Ngày nay, các tỉnh miền Tây Nam bộ đã mở nhiều tuyến đường, tỉnh lộ, khai thông cầu đường, tạo thuận lợi cho việc đi lại, dọc theo hai bên bờ kênh cũng có nhiều xe cộ qua lại. Dù vậy, tại các bến đò, chợ nổi cũng không thể vắng bóng hình ảnh xuồng ba lá. Tại một số địa điểm du lịch, xuồng ba lá dùng chở du khách, những chàng trai, cô gái chèo thuyền rất điêu luyện, chỉ cần ngồi trên xuồng dùng hai chân chèo lái chở khách lướt sóng giúp họ tận hưởng cảm giác yên ả trên sông nước, do vậy nhiều du khách rất thích thú và ấn tượng.
Chuột đồng đặc sản miệt đồng
Chuột đồng được xem là món ăn dân dã nhưng được xếp vào loại món đặc sản miệt viền. Đến mùa chuột, bà con nông dân thường tổ chức những buổi đi săn bắt chuột, vừa dùng để cải thiện bữa cơm gia đình vừa để chiêu đãi khách quí và làm giảm bớt chuột bảo vệ mùa màng. Một số nơi còn phát triển thành “nghề chuột”.
Đến làng chuột Phù Dật tại ấp Bình Chiến, xã Bình Long, Châu Phú An, làng chuyên săn bắt, mua bán chuột nằm bên dòng kinh Phù Dật, nơi đây, bình quân mỗi ngày có hơn 1 tấn chuột được đưa từ các nơi về, sau đó phân phát đi các tỉnh thành.
Làng có 664 hộ, trong đó trên 300 hộ chuyên sống bằng nghề săn bắt, mua bán, làm thịt chuột. Khoảng 60 hộ được vay vốn xoá đói giảm nghèo để phát triển nghề chuột. Trong làng hình thành 3 đội quân chủ yếu: Đánh bắt, mua bán và làm thịt.
Mùa lũ lên, người dân về tận huyện Thoại Sơn, Tri Tôn (An Giang) hoặc về các vùng có nhiều đê bao săn chuột. Thịt chuột hoàn toàn làm bằng cách thủ công, người thợ dùng dao loại bỏ đầu và tứ chi, rạch bụng lột da, lấy ruột. Thịt chuột được đem bán, còn da và ruột cho cá bè.
Chèo xuồng trên đồng ruộng
Gần đây, món thịt chuột đồng quê dân dã trở thành đặc sản của người thành thị, do vậy thịt chuột được đưa vào bán tại các nhà hàng sang trọng. Thịt chuột chứa nhiều đạm nên thường dùng để chế biến nhiều món ăn khác nhau như: chiên, kho, xào lăn, rô-ti nước dừa, xúc bánh tráng, hấp nước mắm, hấp nước ngọt 7 up và độc đáo hơn cả là món “trinh nữ kén chồng”. Đầu bếp chọn những con chuột cái chưa sinh đẻ, sau khi lột da, bỏ ruột, tứ chi, còn đầu và thân chuột được ướp gia vị rồi cho nấm mèo, thịt heo ba chỉ, gan heo, đậu xanh để nguyên vỏ… dồn vào bụng chuột và khâu lại. Để nguyên con chiên vàng, tiếp tục sắp vào nồi đất, đổ nước dừa tươi lấp xấp nấu cho đến khi nước dừa sền sệt, trở cho chuột thấm đều. Chuột “trinh nữ kén chồng” thơm, béo và để thưởng thức nên đang rất thịnh hành ở vùng Núi Cấm (An Giang).
Người làng Phù Dật còn dùng thịt chuột để chữa lang ben, lác bằng cách ăn thịt chuột cống lang.