Bộ trưởng Cao Đức Phát:"Đầu độc dã man hàng vạn người, phạt 6,5 triệu đồng. Không thể được. Không thể được!".
8-10% mẫu rau có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, với thực trạng VSATTP như hiện nay, cả hệ thống, bộ máy Nhà nước, nhất là bộ máy chính quyền địa phương phải vào cuộc rất quyết liệt mới khắc phục được.
"Chúng tôi có một số vấn đề ưu tư đặt ra là tại sao, có những vụ, khi lực lượng của Bộ về địa phương, phối hợp với địa phương thì bắt được. Trong khi ở đó bình thường lại không làm, mà có nhiều việc, không chỉ chất cấm", ông nói.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay, hành lang pháp lý về VSATTP còn có nhiều vấn đề nên xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ mạnh. Một số quy định như điều 155 và điều 244 của Bộ luật Hình sự vừa qua đã sửa nhưng nhiều Nghị định về qui định xử phạt hành chính về ATVSTP còn nhẹ.
"Có những vụ như vụ ngâm chuối vào thuốc trừ cỏ, có qui mô bán cho hàng vạn người ăn, khi cơ quan chức năng đến phát hiện, bắt thì phạt 6,5 triệu đồng. Một hành vi dã man, đầu độc bao nhiêu người như vậy mà chỉ bị phạt 6,5 triệu đồng rồi thôi. Không thể được, không thể được", ông Phát nhấn mạnh.
Trong khi đó, lại thiếu cả chính sách khuyến khích những người làm tốt. "Ví dụ như trồng rau, muốn có rau sạch thì dứt khoát phải trồng theo quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp (trong tiếng Anh, gọi là tiêu chuẩn Vietgap). Và để có rau sạch cần có chính sách khuyến khích nông dân để họ áp dụng qui trình đó, hình thành các chuỗi, để rau đó được đưa vào tận cửa hàng, để người dân ta biết mà mua và yên tâm.
"Chúng tôi làm xét nghiệm rau có tới 8-10 % dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức. Nhưng người dân không phân biệt được thì người ta cho là tất cả có vấn đề. Hoặc là như thịt, chỉ có vài % thôi nhưng không phân biệt được thì người ta cho là tất cả có vấn đề thì tạo thêm sự lo lắng", Bộ trưởng Phát nói.
Rau "Vietgap": Mới được 1%, nhưng dân không biết
Tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã mạnh dạn đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ra một văn bản hoăc một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chứ không phải là một thông báo kết quả cuộc họp về vấn đề VSATTP mới đủ mạnh để chỉ đạo.
"Đầu tiên cần nêu lên ngay các địa phương phải làm gì, trách nhiệm thế nào, sau đó đến các bộ. Lĩnh vực nông nghiệp đề nghị chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp và tập trung vào một số việc mà người dân bức xúc nhất như chất cấm trong chăn nuôi. Riêng vấn đề này, chúng ta đánh chết thì thôi, bóc đến tận gốc thì thôi trong thời gian ngắn nhất để người dân yên lòng", ông Phát nói.
Vấn đề thứ 2 về sử dụng, lạm dụng thuốc trừ sâu, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây là bấn đề khó hơn, liên quan đến cả triệu hộ nông dân phải có thời gian nhưng vẫn phải làm.
Ông nói: "Hiện nay, trong hơn 800 ngàn ha rau được trồng, mới có 7000 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap thôi, chưa được 1%. Rau Vietgap nó cũng đi lung tung nên người ta cũng không biết đâu là "Gap" đâu là không "Gap". Nên bây giờ phải tập trung vào làm có hệ thống, tổ chức liên kết".
Vấn đề thứ 3, theo Bộ trưởng Phát, cũng rất đáng quan ngại là vấn đề sử dụng chất bảo quản, phụ gia cần phải "đánh cấp tập để tạo sự chuyển biến".
"Có chăng nữa là vấn đề nữa là lò mổ. Ở lò mổ nhỏ lẻ lúc mổ ra thì sạch nhưng khi người dân mang về nhà thì nhiễm rất nhiều vi khuẩn các loại do khâu vận chuyển, buôn bán. Thịt bày trên các bàn gỗ quanh năm ngày tháng ngoài trời thì nó nhiễm chứ ko phải nhiễm từ con lợn", ông nói.
Theo Bộ trưởng Phát, mỗi năm, số lợn được nuôi, thịt là khoảng 37 trệu con nhưng chỉ thỉnh thoảng bắt vài con sẽ không giải quyết được vấn đề gì mà vấn đề là phải giải quyết tận gốc nơi cung cấp ra chất cấm. "Nước ta không sản xuất ra Sabutamol mà hoàn toàn nhập khẩu. Thì có thể là nhập chính ngạch, tiểu ngạch, chúng ta có những manh mối để triệt phá tận gốc. Vấn đề là quyết tâm làm, quyết liệt làm và chúng ta có thể làm được", ông nói thêm.
Về lâu dài, theo Bộ trường Cao Đức Phát, để đảm bảo ATVSTP, phải quyết liệt làm nhiều việc. Ngay trừ khâu tuyên truyền, theo ông, phải đảm bảo hiệu quả và chuẩn mực để tạo ra thay đổi về hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất với qui mô hàng triệu người.
"Chúng ta phải tiến thêm làm một bước, thay đổi hành vi của người sản xuất, người cung cấp thực phẩm:Không được làm hại người khác và để người tiêu dùng biết để cảnh giác", ông nói.
Về pháp lý, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Bộ Tư pháp phải hướng dẫn nhanh Bộ luật Hình sự để có xử lý ngay nhiều vụ vi phạm. "Điều 317 mới của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) qui định khi bắt được đối tượng sử dụng chất cấm, buôn bán chất cấm là xử theo Luật hình sự như ma túy luôn chứ không chờ ai ăn phải lăn ra chết hay nằm liệt giường như qui định trước đây. Thì bây giờ phải hướng dẫn và công bố cho xã hội biết", ông đề xuất.