Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dẫu mất làng vẫn quyết dựng lại đình để thờ Đức Quốc Tổ

Ngày này, giữa lúc cả nước hướng về đền thờ các vua Hùng ở Phú Thọ trong ngày giỗ Tổ 10/3 (Âm lịch) thì ở một làng quê hẻo lánh bên bờ sông Hồng có hàng trăm người dân của làng Mỹ Cơ xưa (nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cũng đang làm lễ tế Quốc Tổ hay còn gọi là Quốc phụ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ và các vua Hùng.

 

 

Qua tìm hiểu các tài liệu thư tịch cổ và truyền thuyết dân gian còn lưu truyền trong dân thì: Làng Mỹ Cơ xưa là một vạn chài, thuộc làng chài cổ trên đất Thái Bình. Các cao niên trong làng cho biết, cách đây khoảng 200 năm, vạn chài Mỹ Cơ còn lênh đênh sông nước. Với họ, nỗi đau nhất là cảnh “sống vô gia cư, tử vô gia táng”, nghĩa là “sinh ra không có đất để ở, khi chết không có đất để chôn”.

 

Sau một đám tang “chôn người chết dưới nước”, nhân sắp tới ngày giỗ Quốc phụ, ông trưởng nhóm vạn chài họp cả làng chài lại, làm lễ tế và cầu mong đức Quốc phụ hiển linh giúp cho con dân có nơi neo thuyền, tránh bão, tránh gió... khi chết có đất để chôn trên bờ.

Đêm đó trời bỗng mưa to, nước sông dâng lên, ông trưởng trùm vạn chài thấy Quốc phụ đứng trên sóng nước nói vọng vào thuyền: “sáng mai có thiên tử qua đây, hãy cầu xin người giúp”. Quốc phụ nói xong biến thành rồng xanh ẩn mình trong làn nước.

Chẳng rõ mơ hay tỉnh, nhưng ông trưởng nhóm vạn chài vẫn đánh thức mọi người dậy và kể cho nghe câu chuyện lạ vừa xảy ra. Mọi người trong vạn chài không ai bảo ai đều về thuyền thu dọn, chuẩn bị hành lễ đón chờ Đức Vua.

 

Quả nhiên vào giờ Thìn sáng hôm đó, thuyền rồng của vua trên đường vào thành Thăng Long đã đi qua nơi dân vạn chài sinh sống. Ông trưởng nhóm vạn chài đầu đội lễ, dẫn các thuyền ra đón vua. Thấy lạ, nhà vua cho dừng thuyền lại và sau khi nghe lời cầu xin của dân làng, vua xuống chiếu chỉ truyền quan sở tại cấp ngay bãi bồi ven sông Hồng để làm nơi cho dân chài tránh bão, xây nhà dựng cửa...

Trải qua 5 đời tiếp theo, người làng vạn chài chuyển hẳn lên định cư sống bằng nghề trồng ngô, trồng lúa, bỏ hẳn nghề chài lưới. Theo các cụ truyền lại, ngay sau khi được vua cấp đất, dân vạn chài đã xây đình thờ Quốc phụ Lạc Long Quân và các vua Hùng, cạnh đình dân làng xây phủ mẫu thờ Quốc mẫu Âu Cơ.

 

Tìm hiểu sâu hơn về đình, Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng cho biết, năm 1973, làng Mỹ Cơ cùng với làng Tịnh Xuyên và một làng thuộc xã Tân Lễ (Hưng Hà) phải di dời dân đi nơi khác để lưu thông dòng chảy và đề phòng đê quai bị vỡ khi mùa nước sắp tới. Dân làng Mỹ Cơ phải phá bỏ nhà cửa, phần thì chuyển vào trong đê ở các làng thuộc xã Việt Hùng (huyện Vũ Thư), dòng họ Đỗ và một vài dòng họ khác theo dòng sông Trà Lý về định cư ở khu vực đất Nhất Thanh, Đồng Lôi (phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình), một số hộ dân sang đất bãi ven sông thuộc đất Mỹ Lộc (Nam Định), có những hộ ra tận Cẩm Phả (Quảng Ninh).

 

“Tuy ly tán mỗi hộ một phương nhưng hàng năm cứ đến ngày 10/3 Âm lịch, chẳng ai bảo ai, các con dân làng Mỹ Cơ xưa lại tìm về bãi ngô vên sông Hồng - nơi còn lưu giữ nền móng ngôi đình và phủ mẫu xưa để làm lễ tế Quốc phụ, Quốc mẫu. Năm 1993 - 1994, các cư dân cũ của làng Mỹ Cơ được chính quyền địa phương cho phép đóng góp tiền của, công sức để xây lại đình làng và phủ mẫu xưa”, nhà nghiên cứu Đặng Hùng cho biết.

 

Mặc dù ngôi đình nằm trơ giữa cánh đồng ngô, dân làng đến theo từng đoàn, từng thời gian nhưng không khí buổi lễ tri ân Quốc phụ, Quốc mẫu cùng các vị Vua Hùng vẫn diễn ra trang nghiêm với lòng thành kính sâu sắc, thể hiện tình yêu thiêng liêng bền chặt của người dân với cội nguồn tiên tổ.