Ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. Thay vào đó, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án trên.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả , nếu "không hạ chuẩn, chẳng có danh nghiệp trong nước nào đủ điều kiện". Song song đó, ông Trần Văn Thế đặt giả thiết các nhà đầu tư trong nước thực hiện 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam thì ngân hàng trong nước cũng không có khả năng cung cấp tín dụng. "Hiện nay, nhiều ngân hàng cho biết đã chạm trần mức cho vay trong lĩnh vực BOT rồi, lãi suất huy động cho vay cao, các bất cập chính sách làm cho ngân hàng lo lắng dẫn đến việc bảo lãnh đấu thầu, giải ngân tín dụng không đơn giản", Phó Chủ tịch Đèo Cả nói.
Dẫn ví dụ về bế tắc nguồn vốn tín dụng, ông Thế nói về vướng mắc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án này đã được ghi vốn NSNN hỗ trợ 2.186 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đã tham gia 30%, GPMB đã hoàn thành 100 %, lưu lượng ước đạt trên 20.000 xe/ngày đêm, hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng đầu mối Vietinbank cách đây 1 năm, hôm 27/9 vừa qua đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp thăm tuyến và tái khẳng định phải hoàn thành dự án trong năm 2021. Dù vậy, thái độ hoặc lấp lửng hoặc điều kiện cho vay khó khăn chưa có trong tiền lệ của ngân hàng chưa có động thái nới lỏng một chút nào khiến cho đến nay vẫn chưa rõ bao giờ giải ngân được. Từ đó, ông Thế cho biết, khi ngân hàng nói không với BOT thì nhà đầu tư không còn cách nào khác cũng sẽ nói không với cao tốc Bắc - Nam.
Ở khía cạnh điều kiện đấu thầu, chuyên gia Võ Hoàng Anh - Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT-CTCP (TEDI) cho rằng Nghị định 63/2018/NĐ-CP về PPP đã có quy định phần vốn chủ sở hữu, năng lực nhà đầu tư nếu áp dụng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam thì ở ngưỡng 11% - 12%. Chiếu theo quy định tại Nghị định đưa vào dự án này thì phần vốn nhà đầu tư khá thấp. Trong khi điều kiện dự thầu hiện đang quy định vốn chủ sở hữu 20%. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư trong nước gặp những khó khăn nhất định. "Trong một liên doanh, tiêu chí kinh nghiệm nên là tổ hợp của kinh nghiệm các nhà đầu tư chứ không phải kinh nghiệm riêng rẽ của một nhà đầu tư. Thay vì được cộng tiêu chí để các nhà đầu tư trong nước có thể liên danh với nhau một cách thuận lợi thì hiện lại đang chưa có điều khoản mở cho tiêu chí ấy", ông Võ Hoàng Anh chia sẻ.
Việc đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 654km mà số vốn huy động từ các nhà đầu tư chỉ khoảng 50.000 tỷ đồng, từ góc nhìn của một chuyên gia tài chính, ông Võ Hoàng Anh nhận định đây là một dự án hiệu quả nếu biết kết hợp hài hòa các thế mạnh trong ngoài nước. "Các tuyến cao tốc khác, vốn nhà đầu tư bỏ ra đến cả gần chục ngàn tỷ cho việc khai thác chỉ khoảng vài chục đến dưới 100 km mà vẫn đầu tư được, có hiệu quả", chuyên gia tài chính nói. Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn vừa mới thông xe hôm 29/9 chỉ sau hơn 2 năm triển khai xây dựng là một minh chứng cho điều đó.
Rõ ràng, việc đại dự án cao tốc Bắc-Nam hủy đấu thầu quốc tế đã "trao cờ" vào tận tay các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, việc họ có đủ sức "phất cờ" hay không lại là câu chuyện khác, khi vướng hàng loạt cơ chế, yêu cầu năng lực vượt quá khả năng của doanh nghiệp.
Đây cũng là một bài toán khó với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT. Bởi việc Bộ GTVT khẳng định, tiêu chí đấu thầu Cao tốc Bắc-Nam sẽ được giữ nguyên, tức những rào cản về năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu phải đáp ứng 20% tổng mức đầu tư), điều kiện huy động vốn tín dụng, cam kết cung cấp tài chính của ngân hàng… vẫn khiến các nhà đầu tư nội khó vượt qua.
Một chủ trương đúng đắn, được xã hội ủng hộ rộng rãi nhưng đang đứng trước thách thức lớn.