Cây dầu đôi nhìn từ hướng Ngã ba Thành về Nha Trang
Từ dấu tích của phong trào Cần Vương…
Từ TP. Nha Trang đi theo đường 23/10 chừng 10 cây số, vừa tới Ngã ba Thành là bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy cây dầu đôi uy nghi bên cạnh miếu thờ Bình Tây Đại Tướng Quân - Trịnh Phong. Cây dầu đôi là dấu tích duy nhất còn sót lại của rừng dầu già hàng trăm năm trước. Dưới Phong trào Cần Vương một thời, quân và dân khu vực Thành Diên Khánh đã dựa vào rừng để chống Pháp. Chính cây cổ thụ này là tên gọi chung cho cả vùng đất xung quanh - vùng Cây Dầu Đôi. Đồng thời, nó cũng là tên của ngôi miếu nằm ngay bên cạnh: miếu Cây Dầu Đôi (thờ vị tướng tài ba, dũng cảm, gan dạ Trịnh Phong, nên miếu thờ này con có tên gọi khác là Miếu Trịnh Phong).
Miếu thờ Bình Tây Đại Tướng Quân Trịnh Phong bên cây dầu đôi.
Ông Nguyễn Văn Tròn (60 tuổi), cựu binh ở Diên Khánh, có ông nội từng tham gia phong trào Cần Vương kể rằng: “Ông nội tôi, rồi cha tôi kể lại cho chúng tôi là ông Trịnh Phong ở làng Phú Vinh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, là một hào sĩ có uy tín trong vùng. Ông từng đỗ võ cử dưới triều Tự Đức nhà Nguyễn và làm quan đến chức Đề đốc. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của nhà vua yêu nước Hàm Nghi sau khi kinh đô Huế thất thủ, nhiều thân hào nhân sĩ Khánh Hòa đứng lên chống Pháp, tôn xưng Trịnh Phong làm Bình Tây Đại tướng hợp cùng hai bậc sĩ phu Trần Đường và Nguyễn Khanh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Quân và dân Khánh Hòa đều đồng lòng đứng dưới cờ nghĩa quân. Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong là người lãnh đạo nghĩa quân cao nhất tỉnh Khánh Hòa lúc đó, trực tiếp trấn thủ và chỉ huy Quân khu Nam, đóng đại bản doanh tại thành Diên Khánh, chủ yếu dựa vào vùng rừng núi hiểm trở chống giặc. Ông đã nhiều lần lãnh đạo nhân dân nghênh chiến với quân Pháp. Nhưng cũng như những cuộc khởi nghĩa Cần Vương khác, cuối cùng trước thế áp đảo lớn của quân Pháp, thủ lãnh Trịnh Phong buộc phải rút quân vào vùng rừng già Diên Khánh để bảo toàn lực lượng. Không khuất phục được Trịnh Phong, thực dân Pháp lùng bắt rồi giết Trịnh Phong, bêu đầu ông tại cây dầu đôi”.
Thành Cổ Diên Khánh được chúa Nguyễn xây dựng năm 1793.
Các vị cao niên ở Diên Khánh cũng xác nhận, trước đây vùng Ngã ba Thành bạt ngàn rừng dầu, rộng hàng chục ha, chính vì vậy, các cuộc đấu tranh của Bình Tây Đại Tướng - Trịnh Phong đều được người dân dựa vào rừng dầu để bao bọc, che chở. Cây dầu đôi bây giờ là cây duy nhất còn sót lại của rừng dầu…”..
… Đến cuộc nổi dậy giải phóng Nha Trang năm 1975
Ông Võ Văn Đi, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Diên Khánh thời kỳ năm 1975, người nắm rõ tình hình lực lượng vũ trang của ta ở Diên Khánh, kể: “Hồi đó lực lượng của ta rất mỏng. Trước khi nhận lệnh giải phóng Diên Khánh, Huyện đội có chưa đầy một tiểu đội. Tỉnh đội phải bổ sung thêm một tiểu đội nữa. Lúc này, đồng chí Nguyễn Hồng Lới làm Huyện đội trưởng, lực lượng của ta chia làm 2 vùng: vùng 1 (khu vực Diên Điền) xuống Vĩnh Phương có 1 tiểu đội; vùng 2 (khu vực Diên Sơn) có 1 tiểu đội. Vũ khí trang bị cho chỉ huy có súng ngắn và AK, chiến sĩ có AK và đạn dược đủ chiến đấu 3 ngày liền. Nhiệm vụ của Huyện đội là kìm chân và tiêu hao sinh lực địch để bộ đội chủ lực tiêu diệt. Lực lượng địch lúc này còn rất đông và mạnh, chúng đóng quân trong làng. Khu vực cây dầu đôi bây giờ và khu vực Am Chúa cửa ngõ của TP. Nha Trang luôn có rất đông lính ngụy chốt giữ”.
Tấm bia ghi rõ mặt trận Khánh Hòa ở sát cây dầu đôi.
Theo lời kể của ông Võ Văn Đi, nhận nhiệm vụ giải phóng Nha Trang đối với lực lượng vũ trang của huyện Diên Khánh trở nên cấp thiết và bất ngờ . Nhiều người còn băn khoăn, vì lực lượng ta mỏng, trong khi lực lượng địch chưa suy giảm. Nhưng với quyết tâm chiến lược là giải phóng quê hương nên mọi người đều phấn chấn. Đêm 1/4/1975, trời mưa rất to. Lực lượng Huyện đội đóng quân ở gộp Cây Gạo (Diên Điền) chờ bắt liên lạc với bên trong. Lúc bấy giờ, các đội công tác cũng đã “ém quân” trong làng, hoặc nằm yên bên ngoài chờ lệnh xuất phát. Tuy nhiên, trong đêm 1/4, toàn bộ quân ngụy trong làng và các khu vực khác đã vứt súng bỏ chạy. Bộ máy ngụy quyền cũng đã rệu rã khi nghe tin quân chủ lực ta hùng dũng kéo về Nha Trang sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ. Hôm sau (2/4/1975), các đội công tác vào làng trước, sau đó đến lượt Huyện đội nhập làng trong tiếng reo hò, cổ vũ của quần chúng.
Lúc bấy giờ, tình hình ở Diên Khánh, đặc biệt là Thành Diên Khánh rất hỗn loạn. Nhiều người rủ nhau đi cướp gạo tại Trại lính Trung Dũng. Một số thanh niên lấy súng của lính vứt bỏ bắn loạn xạ, tạo ra cảnh hỗn loạn chưa từng có. Lực lượng Huyện đội lúc này chuyển sang ổn định trật tự, bảo đảm trị an, củng cố lực lượng dân quân du kích sau khi tiếp quản chính quyền. Khu vực Diên Điền vẫn còn một số tên ác ôn chưa chịu ra đầu thú, ta đã vận động ra hàng để nhận được khoan hồng của chính quyền cách mạng.
Văn bia ghi lại năm chúa Nguyễn xây dựng Thành Cổ Diên Khánh
Quân đoàn 3 tiến vào Nha Trang, từ Ngã 3 Thành nơi có cây dầu đôi, chốt Ngụy quân ở đây cũng đã tháo chạy. Quân chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương, đánh tốc thẳng vào Nha Trang, chỉ trong ngày 2/4 bộ đội ta đã giải phóng Nha Trang. Những ngày sau, bộ đội kêu gọi lính ngụy giao nộp vũ khí, đưa đón những người tị nạn hồi cư.
Gần một thế kỷ qua, cây dầu đôi cùng ngôi miếu thiêng vẫn luôn chứng kiến bao cảnh máu lửa tang thương do chiến tranh gây ra trên vùng đất này. Cây dầu đôi còn là dấu tích, chứng tích lịch sử một thời khai hoang giữ đất, là niềm tự hào của người dân xứ Trầm Hương trong công cuộc đấu tranh sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt lẫn các thế lực ngoại xâm. Và, Thành Diên Khánh cũng từng là Sở Chỉ huy đầu não trực tiếp của mặt trận Nha Trang, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Trung bộ.
Đến Ngã ba Thành, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về ông Trịnh Phong hiển linh bên cạnh miếu thờ chống giặc, hay chuyện bác sĩ Yessin đến khai phá vùng đất Đà Lạt, mỗi lần đi qua cây dầu đôi đều vào miếu Trịnh Phong cúi mình khấn xin, thắp hương khấu tạ… Mỗi câu chuyện đều giải thích về nguồn gốc và sự linh thiêng của Miếu thờ Trịnh Phong, cùng cây dầu đôi hàng trăm năm tuổi. Hiện nay, trong miếu bên cạnh cây dầu đôi có các bài vị và câu đối ca ngợi công lao Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, cùng những nhà yêu nước hy sinh trong phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa. Sử sách có ghi lại: Đầu thế kỷ XX, hai ông vua nhà Nguyễn là Thành Thái và Khải Định từng dừng chân vào miếu chiêm bái và sắc phong ngôi miếu là “Đại đức khôi tinh” |
Hiện nay, cây dầu đôi và ngôi miếu cổ vẫn luôn có một vị thế riêng biệt, mang vẻ đẹp “độc nhất vô nhị” của tạo hóa và con người. Có lúc cây dầu đôi tưởng chừng bị xóa dấu vết do đạn bom, do con người tác động, nhưng rồi lạ thay, nó vẫn hiên ngang tồn tại, tiếp tục vươn lên và được nhân dân Diên Khánh bảo vệ, giữ gìn. |