Trẻ em mới sinh được tiêm phòng viêm gan B tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh.
Thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho trẻ em
Trong kỳ họp thứ 17 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc vào tháng 9 năm 2015, các nhà lãnh đạo đến từ 193 quốc gia đã cùng cam kết: Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn trong 15 năm tới. Lãnh đạo các quốc gia nhất trí thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), tập trung giải quyết các thách thức chính hiện nay, đó là tình trạng nghèo và bất bình đẳng, nạn đói và bệnh tật, bạo lực và biến đổi khí hậu...
Mục tiêu phát triển bền vững là một kế hoạch hành động lớn và phổ quát vì con người, hành tinh, sự thịnh vượng, hòa bình và quan hệ đối tác. Đây là một cơ hội tuyệt vời để củng cố các quyền và phúc lợi cho mỗi trẻ em. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững hướng trọng tâm tới trẻ em, và nhấn mạnh vào sự bình đẳng: Các mục tiêu phát triển chỉ có thể đạt được nếu các mục tiêu này phục vụ trẻ em trên toàn thế giới. Sự đầu tư vào những năm đầu đời của trẻ sẽ tạo tiền đề quan trọng cho các giai đoạn phát triển trí tuệ sau này và góp phần đảm bảo sự phát triển toàn diện cho mọi trẻ em, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của xã hội.
Sự phát triển toàn diện của trẻ em là một trong những chỉ số quan trọng trong tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Vì sự phát triển của trẻ em thường không được thể hiện rõ ràng qua các số liệu và chính sách, nên quá trình triển khai, giám sát và báo cáo Chương trình nghị sự các Mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi nhiều nỗ lực bền bỉ để đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017) cũng đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có 13 mục tiêu và 40 chỉ tiêu về hoặc liên quan đến trẻ em.
“30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam cần nhìn lại những bài học quá khứ và hướng về tương lai phát triển bền vững mà ở đó trẻ em chính là những người kiến tạo. Trẻ em vừa thuộc về hiện tại vừa thuộc về tương lai nên phải làm mọi cách để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Và hơn bao giờ hết, chúng ta cần biến tất cả cam kết thành hành động khẩn trương, mạnh mẽ, cụ thể ngay từ bây giờ vì mỗi trẻ em bị bỏ lại phía sau thì nguy cơ tụt hậu của quốc gia sẽ lại càng lớn hơn” – Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ.
Học sinh mầm non TX. Từ Sơn, Bắc Ninh vui đùa trong ngày khai giảng năm học mới.
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ chiến lược
Để trẻ em Việt Nam có cơ hội phát triển tốt hơn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu đưa mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; rà soát, hoàn thiện thể chế bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, các ngành, địa phương bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở; phân bổ nguồn ngân sách hợp lý cho các chương trình, hoạt động liên quan đến trẻ em… Cùng với đó, các ngành, địa phương cần tạo ra mạng lưới kết nối giữa các cấp, các tuyến dịch vụ và thiết lập mô hình dịch vụ chăm sóc, phát triển toàn diện tại gia đình, cộng đồng cho nhóm trẻ em dưới 8 tuổi, trong đó ưu tiên cho giai đoạn 1.000 ngày đầu đời - giai đoạn "vàng" cho sự phát triển của trẻ.
“Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho trẻ em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình” – đây là nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một buổi làm việc với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Phó Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về trẻ em, đặc biệt là việc thông qua Luật trẻ em 2016 và một số văn bản pháp luật liên quan đã tạo khuôn khổ pháp lý bảo vệ, chăm sóc trẻ em, khuyến khích sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều chương trình, đề án quan trọng liên quan đến chăm sóc y tế, tạo môi trường giáo dục thân thiện an toàn cho trẻ em, trong đó có Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp một số thách thức trong lĩnh vực này như nguồn lực còn hạn chế, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn cao, ảnh hưởng đến nỗ lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Phó Thủ tướng đề nghị UNICEF hỗ trợ Việt Nam trong huy động nguồn lực đủ, bền vững, hỗ trợ tư vấn chính sách, nâng cao năng lực công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Việt Nam, trong đó có hỗ trợ xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em giai đoạn 2020-2022, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng chống đuối nước.
“Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 không còn trẻ em nào nghèo đói, trẻ em được chăm sóc dinh dưỡng tốt, được hưởng nền giáo dục toàn diện và công bằng, được đối xử bình đẳng, được sử dụng nước sạch, không phải lao động sớm, được sống trong hòa bình và được pháp luật bảo vệ chính đáng…
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ trẻ em đang được triển khai rất hiệu quả, thiết thực: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, hoạt động 24/7 miễn phí; quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng điều tra thân thiện với trẻ em...
Phương Anh/TC GĐ&TE