Nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, lãnh đạo Cục Việc làm thăm Trung tâm GQVL tại thành phố Huế.
Trung tâm dịch vụ việc làm: Địa chỉ tin cậy cung cấp các dịch vụ tư vấn chính sách, nghề nghiệp, việc làm
Cuối những năm 80, tại Việt Nam đã bắt đầu hình thành các Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc về dạy nghề và việc làm. Trải qua hơn 30 năm hoạt động, với vai trò là cầu nối trung gian giữa người lao động và người sử dụng lao động, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm nói chung và các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH đã có những đóng góp không nhỏ cho công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài ra, các Trung tâm dịch vụ việc làm còn là địa chỉ tin cậy cung cấp các dịch vụ tư vấn chính sách, nghề nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động, cung cấp các dịch vụ dạy nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Năm 1994, để tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động dịch vụ việc làm hoà nhập với thế giới; đáp ứng với yêu cầu không ngừng biến đổi của thị trường lao động, tổ chức dịch vụ việc làm chính thức được quy định tại Bộ luật Lao động (năm 1994). Thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (Bộ luật Lao động năm 2002), ngày 28/02/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2005/NĐ-CP quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm (bao gồm trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm), đánh dấu một bước ngoặt mới trong quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ việc làm. Trên cơ sở Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm được rà soát, đánh giá, quy hoạch lại, theo đó cả nước có 130 Trung tâm (trong đó có 64 Trung tâm thuộc ngành LĐ-TB&XH). Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010, hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH đã được đầu tư cơ bản về trang thiết bị thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2006 - 2010; Dự án thị trường lao động EU/MOLISA/ILO (2008 - 2011),... Với sự ra đời của Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm – đây là cơ sở pháp lý quan trọng để một lần nữa rà soát kiện toàn lại hệ thống Trung tâm. Đến nay, số Trung tâm dịch vụ việc làm của cả nước là 98 trung tâm DVVL (giảm 32 trung tâm so với năm 2011), với tổng số người làm việc làm 3.957 người, trong đó: 63 trung tâm do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập, giao Sở LĐ-TB&XH quản lý.
Trong thời gian qua, các Trung tâm dịch vụ việc làm đã được địa phương và Bộ LĐ-TB&XH quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ do Trung tâm cung cấp: Hoạt động tư vấn: Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động không vì lợi nhuận, có mạng lưới rộng khắp, phong phú, đa dạng về hình thức tư vấn, là chỗ dựa cho tất cả các đối tượng người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là lao động yếu thế. 100% lao động và người sử dụng lao động đến với trung tâm có nhu cầu đều được tư vấn. Giai đoạn 2011- 2017, các trung tâm đã tư vấn cho 16.782.109 lượt người (trong đó có 9.565.802 lượt người lao động được tư vấn về việc làm, chiếm 57%; lao động nữ được tư vấn chiếm 46,35%).
Bên cạnh đó, hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động được kết nối qua nhiều hình thức, như trực tiếp tại trụ sở chính, tại các điểm giao dịch vệ tinh của trung tâm DVVL, các phiên giao dịch việc làm; gián tiếp qua cổng thông tin điện tử việc làm, các Website, điện thoại, tin nhắn,... tạo thành một mạng lưới bao phủ trên toàn quốc. Hiện nay, cả nước có 48 địa phương tổ chức sàn giao dịch việc làm. Giai đoạn 2011- 2017, các trung tâm đã tổ chức 6.790 phiên giao dịch việc làm. Số lượt lao động nhận được việc làm do trung tâm giới thiệu và cung ứng là 5.112 nghìn lượt người.- Các trung tâm đã tổ chức thu thập thông tin về việc làm trống, người tìm việc và đưa số liệu này lên website của trung tâm, đồng thời kết nối với Cổng thông tin điện tử việc làm (vieclamvietnam.gov.vn) để có thể chia sẻ thông tin trên phạm vi toàn quốc. Định kỳ, các trung tâm đã tích cực thực hiện việc phân tích và đưa ra các bản tin về thị trường lao động, bản tin về dự báo thị trường lao động ngắn hạn trên địa bàn, nhiều địa phương đã tập trung vào công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn như Hải Dương, Hà Nội, Bình Thuận...
Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Số lượng người lao động đến với trung tâm DVVL nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đều qua các năm. Các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp dành cho lao động thất nghiệp được các trung tâm tổ chức thực hiện và cung cấp một cách nghiêm túc và từng bước nâng cao hiệu quả. Đến hết năm 2017, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11.954.740 triệu người, năm 2017 tổng thu được 13.591.830 triệu đồng. Giai đoạn 2011-2017: Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 3.508.910 người; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3.464.273 người; số người được hỗ trợ học nghề là 123.828 người; số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 3.900.495 người.
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật. Trung bình mỗi năm các trung tâm tổ chức đào tạo được khoảng 200 - 300 ngàn người, trong đó các trung tâm tự đào tạo chiếm tỉ lệ trên 60%, liên kết đào tạo 25%, số được đào tạo theo địa chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp chỉ từ 5 -10%.
Phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng chuyên nghiệp
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm còn những khó khăn, hạn chế về hoạt động thu thập, tổng hợp phân tích thông tin và dự báo thị trường lao động; hạn chế về nguồn lực và trình độ năng lực cán bộ; các chương trình, hoạt động dành cho các nhóm đối tượng đặc thù chưa được thiết kế, triển khai một cách bài bản và chuyên nghiệp; Sự phối hợp hoạt động giữa các trung tâm còn hạn chế, đặc biệt thiếu sự liên kết, chia sẻ các thông tin về thị trường lao động giữa các trung tâm; Ứng dụng công nghệ thông tin tại các trung tâm còn rất hạn chế, thiếu đồng bộ và thống nhất trong hệ thống các trung tâm dẫn đến hạn chế trong hiệu quả hoạt động và chia sẻ, gắn kết trong hệ thống.
Để nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian tới cần tập trung vào: Phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tư vấn việc làm, học nghề và chính sách có liên quan, Giới thiệu việc làm, tuyển dụng và cung ứng lao động; Thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động; Thực hiện các hoạt động sự nghiệp về bảo hiểm thất nghiệp, Dự báo biến động của thị trường lao động; Đào tạo kỹ năng cho người lao động; Lấy thông tin thị trường lao động là kim chỉ nam cho hoạt động của trung tâm DVVL; xác định được dữ liệu về thị trường lao động, dữ liệu người tìm việc, việc tìm người. Hình thành mạng lưới kết nối các Trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc, phục vụ kết nối cung – cầu lao động; Tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động tiếp cận dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng không phải mất chi phí về tài chính và tiết kiệm được thời gian; Đa dạng hóa nguồn lực đóng góp cho hoạt động của các Trung tâm DVVL, trong đó Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là nguồn kinh phí chính để Trung tâm DVVL tổ chức vận hành có hiệu quả các hoạt động thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, duy trì việc làm,... để đưa người lao động nhanh chóng tham gia thị trường lao động; Tăng cường hợp tác công tư, thông qua các chương trình thị trường lao động chủ động, dự án phát triển thông tin và thị trường lao động có sự tham gia, đóng góp của các tổ chức tư nhân về dịch vụ việc làm và các tổ chức khác.