Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đầu tư ngân sách nhà nước cho vùng Tây Nguyên ngày càng tăng

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho vùng Tây Nguyên vẫn tăng lên trên 62.100 tỷ đồng.

Hồ chứa nước ở xã Ea Ral,huyện Ea H’leo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN


Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 55.675 tỷ đồng, tăng hơn 1,43 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, còn lại là vốn của các bộ, ngành Trung ương đầu tư các công trình trên địa bàn. 
Các tỉnh Tây Nguyên ngày càng tự chủ hơn trong cơ cấu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhất là thể hiện qua nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương đã tăng lên trên 27.200 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng đầu tư ngân sách nhà nước (giai đoạn 2011- 2015 vốn cân đối ngân sách của vùng là 12.680 tỷ đồng, chỉ chiếm 32,5% tổng đầu tư ngân sách nhà nước), tạo điều kiện chủ động hơn cho các tỉnh trong vùng. 
Với nguồn vốn trên, nhà nước tiếp tục đầu tư từng bước hoàn thiện các dự án giao thông kết nối vùng, nhất là các tuyến đường ngang nối từ các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ đến các tỉnh vùng Tây Nguyên. 
Theo quy hoạch, có 7 tuyến quốc lộ, đó là quốc lộ 24, 19, 25, 29, 26, 27, 28 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ từ các cảng ven biển đến các địa phương trong vùng Tây Nguyên và ngược lại. 
Các tỉnh Tây Nguyên cũng ưu tiên nguồn vốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đầu tư các công trình thuỷ lợi, hồ chứa chống hạn và biến đổi khí hậu, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, đất ở. 
Trước mắt, Trung ương tiếp tục đầu tư vốn sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình thuỷ lợi có quy mô lớn như hồ chứa nước Krông Pắk thượng, hồ Ea H’leo1, hồ thuỷ lợi Ea Tam (Đắk Lắk), hồ Nam Xuân, hồ Gia Nghĩa (Đắk Nông), cụm công trình thuỷ lợi Ia H’Đrai (Kon Tum), hồ Đạ Xị (Lâm Đồng)… để đưa diện tích tưới cho các loại cây trồng có nhu cầu tưới nước trong mùa khô ở các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 36.000 ha. 
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với nguồn vốn trên, các tỉnh Tây Nguyên cũng tiếp tục đầu tư hoàn thành kiên cố hoá trường học và hoàn thiện một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, cũng như mua sắm trang thiết bị phục vụ tốt yêu cầu khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục sử dụng nguồn vốn trên đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như xoá nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…. nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn...