Mỗi khi Tết đến xuân về, nhiều người mắc bệnh xương khớp lại cảm thấy ốm yếu hơn bình thường. Theo PGS.TS Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng), bệnh nhân xương khớp thường gặp những khó khăn khi vận động, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
"Những triệu chứng bệnh xương khớp thường gặp là đau lưng, gối, khớp tay, chân… Đặc biệt, các cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn khi thời tiết thay đổi hoặc sau khi bệnh nhân vận động nhiều, đứng lâu, mang vác nặng... Do đó, chế độ dinh dưỡng giữ vai trò quyết định đến việc phòng ngừa và điều trị các bệnh về xương khớp", vị chuyên gia này cho hay.
Vào dịp Tết, chế độ ăn uống ít còn thanh đạm như bình thường. Sự mất cân đối dinh dưỡng, cộng thêm thói quen sinh hoạt có tiệc tùng nhiều, ngồi lê la ăn uống… có thể khiến sức khỏe bệnh nhân xương khớp thêm phần suy yếu. Chế độ ăn nhiều dầu mỡ có thể làm tăng hàm lượng mỡ trong máu, gây bất lợi cho người đang bị viêm khớp vì xúc tác phản ứng viêm tấy ở mặt trong bao khớp. Không chỉ thịt mỡ, bơ, xúc xích, dăm bông – vốn được ăn nhiều dịp Tết mà cả bánh kẹo cũng cần phải cực hạn chế trong khẩu phần của người bị bệnh xương khớp.
Một số thực phẩm phổ biến ngày Tết mà bệnh nhân xương khớp nên hạn chế tối đa được vị chuyên gia này chỉ ra là:
Thực phẩm chiên rán
Vào những ngày lễ Tết, trên mâm cơm của chúng ta thường có rất nhiều món chiên rán như nem rán, xúc xích, thịt chiên, khoai tây chiên, phồng tôm… Điều đáng nói là những món ăn này chứa rất nhiều dầu mỡ, làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể, khiến triệu chứng viêm khớp và các cơn đau khớp nặng hơn. Do đó, bệnh nhân xương khớp cần tránh ăn hoặc ít nhất cũng phải hạn chế tối đa những món ăn này.
Thịt đỏ
Dịp Tết là dịp chúng ta ăn rất nhiều thịt. Mâm cơm Tết có nhiều loại thịt khác nhau có ý nghĩa tượng trưng năm mới ấm no hơn. Nhưng ăn những loại thịt đỏ quá nhiều thực sự không tốt cho người bị viêm khớp.
Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt dê, thịt bê… cần ăn hạn chế trong thực đơn của bệnh nhân viêm xương khớp. Thịt đỏ giàu axit béo omega-6 (chất béo không lành mạnh). Cơ thể hấp thu quá nhiều axit béo omega-6 khiến mức cholesterol và các tế bào mỡ tăng, là nguyên nhân khiến tình trạng viêm khớp trở nên tồi tệ hơn.
Rượu bia, đồ uống có cồn
Chuyện tụ tập tiệc tùng và uống rượu bia chắc chắn chẳng thể nào thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Uống rượu, bia có thể làm bùng phát cơn đau vì mức độ purine cao trong các sản phẩm này. Hơn nữa, rượu, bia vô hiệu hoá hầu hết các loại thuốc chống viêm khớp và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân viêm khớp cần hết sức lưu ý.
Món ăn chứa nhiều muối
Hàm lượng muối từ những món ăn chế biến sẵn thực sự rất khó lường, trong khi vào dịp Tết, chúng ta thường mua thêm một số món ăn sẵn cho gia đình. Hàm lượng muối cao trong các món ăn dịp Tết như thịt hun khói, lạp xưởng, hay đơn giản như món dưa muối, hành muối dịp Tết có thể khiến tế bào của bạn giữ nước, làm chúng bị sưng lên.
Cơ thể bị sưng phồng là một chuyện, bạn sẽ cảm thấy đau nhức khớp khi ăn thực phẩm chứa nhiều muối nữa. Đó là do natri chứa quá nhiều trong cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Do đó, bệnh nhân xương khớp cần hết sức lưu ý khi ăn những món ăn này nhé!
Bánh kẹo, chè kho, đồ ăn nhiều đường nói chung
Chế độ ăn nhiều đường và carb sẽ làm tổn thương các protein trong cơ thể và gây viêm. Và cơn đau đầu tiên hiện hữu do viêm nhiễm sẽ là ở xương khớp. Do đó cần hạn chế tối đa những đồ ăn nhiều đường.
Tóm lại, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, ăn nhiều rau và trái cây tươi như rau cải, mồng tơi, đu đủ…, hạn chế ăn đồ nếp như xôi, bánh chưng; các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê..; các thức uống có cồn như bia, rượu; đồ ngọt và không hút thuốc lá.
Để đón năm mới an lành và khỏe mạnh, người bệnh xương khớp không nên lơ là hoặc nới lỏng các biện pháp phòng và điều trị bệnh. Người bệnh cần chú ý giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, đeo găng tay và tất chân, uống trà nóng... Khi trời quá lạnh hay vào lúc trời mưa, nên hạn chế ra ngoài. Nếu tình trạng đau nhức gia tăng, có thể ngâm tay, chân vào nước ấm hoặc tắm nước nóng. Người bệnh cũng có thể sử dụng túi chườm nóng để làm giãn mạch, mềm cơ, có tác dụng giảm đau và cải thiện vận động của khớp.