3 tuần nay, cứ mỗi cuối tuần là ở phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại diễn ra một không khí hết sức náo nhiệt. Một sân chơi với các loại đồ chơi dân gian như cà kheo, xích đu, bập bênh, cầu trượt, ô ăn quan, nhảy dây, chơi chuyền…, đã thu hút hàng trăm gia đình đưa trẻ nhỏ đến tham gia vào các trò chơi thú vị đó. Những buổi tối như thế, cả một khoảng phố dài 500m luôn tràn ngập tiếng cười của trẻ nhỏ và ánh mắt lấp lánh niềm vui của ông bà, cha mẹ chúng.
Mô hình “Sân chơi trong phố” do nhóm Think playgrounds, một nhóm các kiến trúc sư tình nguyện, tổ chức thực hiện dưới sự hỗ trợ cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ chức. “Sân chơi trong phố” được tổ chức di động vào các tối thứ Bảy hàng tuần từ tháng Tư đến tháng Bảy tại các tuyến phố trong khu vực phố đi bộ Hà Nội nhằm tạo ra nhiều sân chơi cho trẻ em, nơi mà chúng có thể dễ dàng tiếp cận miễn phí và trong khoảng cách đi bộ thuận tiện.
“Sân chơi trong phố” là một mô hình sân chơi mới, phát huy tính sáng tạo và khuyến khích các hoạt động thể chất cho trẻ em tại các khu vực dân cư hạn chế về không gian công cộng ngoài trời. Với đặc điểm sử dụng các vật liệu địa phương, thân thiện môi trường và tái chế, tái sử dụng, “Sân chơi trong phố” có chi phí thấp.
Ngoài ra mô hình sân chơi này còn được thiết kế, tổ chức với sự tham gia của cộng đồng nhằm xây dựng và phát huy bản sắc, thu hút trẻ em trong khu vực, khách du lịch và từ đó góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trong bối cảnh khu vực phố cổ Hà Nội đang rất thiếu các không gian công cộng ngoài trời, đặc biệt là các sân chơi dành cho trẻ em để phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần, mô hình “Sân chơi trong phố” với chi phí thấp, sử dụng đất hỗn hợp và do cộng đồng quản lý, duy trì hứa hẹn sẽ là một hình mẫu về sân chơi cho trẻ em lành mạnh, bền vững.
Chị Trần Thị Kiều Thanh Hà, công tác trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng các thành phố sống tốt của tổ chức HealthBridge, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, nói: “Trẻ em, cũng giống như người lớn, không thể phát triển tốt trong những môi trường biệt lập. Nghiên cứu quốc tế về nhu cầu của trẻ em cũng chỉ ra rằng, trẻ em được hạnh phúc nhất không phải ở những nơi giàu có mà là ở những nơi có cuộc sống đường phố đông đúc và có tính cộng đồng cao. Mô hình sân chơi trong phố như thế này là một minh chứng cho điều đó. Hãy nhìn những đứa trẻ chơi ở đây mà xem, ánh mắt ấy, nụ cười ấy, chắc chắn bạn sẽ không thể thấy khi chúng ngồi ở trong nhà với những chiếc tivi hay máy tính…”
Hãy cùng ngắm những hình ảnh sinh động, đáng yêu ở sân chơi phố cổ Hà Nội:
Bọn trẻ con sung sướng được cùng nhau chơi đùa thỏa thích trên chiếc cầu trượt được đặt ở giữa phố Đào Duy Từ,một con phố mà ngày thường luôn đông nghịt khách mua bán, đi lại.Còn nếu là cuối tuần thì cũng chỉ là một phố đi bộ, trong đó đa phần là người lớn...
Món đồ chơi được các Kiến trúc sư tình nguyện làm từ những ống tre, một loại vật liệu quen thuộc từ bao đời nay ở Việt Nam, nhưng cũng lại rất xa lạ với trẻ em ngày nay. Cậu bé này đã vô cùng vui thích với món đồ chơi đơn giản này thay vì chiếc Ipad hay màn hình tivi.
Ở bất cứ chỗ nào, với bất cứ trò chơi gì, bạn cũng sẽ nhìn thấy những khuôn mặt bừng sáng, những ánh mắt lấp lánh, những nụ cười rạng rỡ như thế này trong sân chơi phố cổ
Trong khi bạn vất vả kiếm tiền để lo cho con một cuộc sống đầy đủ, thì đôi khi, bọn trẻ lại chỉ cần những niềm vui giản dị mà tuyệt vời như thế này.
Không gì tốt hơn cho một đứa trẻ khi sau một ngày cặm cụi bên sách vở, được tung người đùa giỡn với những vòng dây như thế này
Một đống rơm thơm giữa phố thu hút bất kỳ đứa trẻ nào, không phân biệt tuổi tác, màu da, ngôn ngữ, sự giàu nghèo... Sau buổi tối vui chơi như thế này, chắn chắn rằng niềm vui, niềm hạnh phúc sẽ đi vào những giấc mơ con trẻ...
Giây phút này chắc chắn sẽ là kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí của bé. Bạn cũng có thể sẽ biến mỗi ngày là một kỷ niệm tuyệt vời như thế với con của bạn, nếu Hà Nội của chúng ta có thêm nhiều sân chơi...
Hình ảnh dễ thương khiến cho kỷ niệm tuổi thơ của bạn ùa về...
Và bạn sẽ không ngừng suy nghĩ: Chúng ta đã có một tuổi thơ tuyệt vời, dù khó khăn, thiếu thốn nhưng đầy ắp niềm vui và kỷ niệm. Còn con cái chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có lỗi gì khi để chúng ngày ngày bị giam lỏng trong 4 bức tường?
Những lời cảm ơn đã nói lên tất cả: Hà Nội cần có thêm nhiều, rất nhiều những sân chơi miễn phí cho trẻ em!