Giờ Trái đất: Việc làm nhỏ - ý nghĩa lớn
Ðúng 8h30’ ngày 26/3, Bảo Ngọc nhắc mẹ tắt đèn và tivi để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất. Mẹ của em thoáng chút ngạc nhiên, vì cô bé năm nay mới 7 tuổi. Chị không nói với con về việc tắt các thiết bị điện trong 1 giờ từ 20h30 đến 21h30 ngày 26/3 để tiết kiệm năng lượng và hạn chế biến đổi khí hậu, vì nghĩ rằng con còn quá nhỏ để hiểu được những vấn đề mang tính chất toàn cầu. Nhưng chị đã nhầm. Rất nhiều bạn trong lớp của Bảo Ngọc cũng biết về Giờ Trái đất, và tất cả sẵn sàng ngừng xem tivi trong vòng 1 tiếng để bảo vệ môi trường. Thậm chí, các bạn nhỏ còn rủ nhau phải tiết kiệm nước vì nguồn nước tự nhiên trên trái đất đang ngày một cạn kiệt. Thông qua giáo viên và bạn bè, cũng như các phương tiện truyền thông, trẻ em biết nhiều về trái đất hơn chúng ta nghĩ. Chúng biết rằng, để hành tinh này mãi xanh, sạch, đẹp và an toàn, loài người cần chung tay bảo vệ môi trường.
Từ chiến dịch Giờ Trái đất, cha mẹ hãy nhân cơ hội hướng trẻ tới nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.
Vì sao chúng ta phải tiết kiệm nước?
70% bề mặt trái đất được bao phủ bởi nước, tuy nhiên nước mặn chiếm tới 97%, nước ngọt (nước con người sử dụng để sinh hoạt hàng ngày) chỉ chiếm có 3%. Nhưng trong 3% nước ngọt này chỉ có 1/3 là có thể khai thác để sử dụng, 2/3 tồn tại ở dạng băng tuyết hoặc nằm sâu trong lòng đất. Bạn có biết, đến năm 2050 sẽ có 70% dân số trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu nước hoặc chất lượng nước kém, từ đó dẫn đến dịch bệnh và thiếu lương thực. Hiện tại, các quốc gia ở châu Phi thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, nhiều trẻ em chết vì đói và khát.
Con người không thể sống thiếu nước mà nguồn nước tự nhiên lại có hạn. Tiết kiệm nước không chỉ ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm và phòng ngừa ô nhiễm nước mà còn là tiết kiệm điện năng để sản xuất ra nước sạch.
Hãy hướng dẫn trẻ dùng nước vừa đủ, không lãng phí. Không nên đánh răng trực tiếp dưới vòi nước xả mạnh. Hứng nước ra cốc để đánh răng sẽ tiết kiệm một lượng nước không nhỏ. Ðừng quên vặn vòi nước sau khi sử dụng. Có thể tái sử dụng nước sạch. Ví dụ, dùng nước vo gạo và rửa rau, tưới cây; dùng nước giặt quần áo để cọ nhà tắm hay sân…
Tiết kiệm điện để hạn chế biến đổi khí hậu
Ðiện được sản xuất từ năng lượng mặt trời, nước, gió, nhiệt (than đá, dầu khí…), phản ứng hạt nhân… Các nhà máy nhiệt điện khi vận hành thải ra một lượng lớn khí thải, bụi thải, nước thải có lẫn hóa chất, chất thải rắn có tro xỉ, rác bẩn… gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các đập thủy điện lại làm thay đổi dòng chảy của nước, là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt, xói lở bờ sông, ảnh hưởng tới việc canh tác của người nông dân. Nhìn chung, các nhà máy điện trong quá trình sản xuất đều gây ảnh hưởng ít hoặc nhiều tới môi trường.
Mặt khác, việc sử dụng các thiết bị điện như điều hòa, lò sưởi, tủ lạnh gây ra hiệu ứng nhà kính, làm cho trái đất nóng dần lên.
Có thể thấy, điện năng là nguyên nhân gây nên những vấn đề như hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, băng tan, ô nhiễm không khí… Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại không thể thiếu điện, nhưng chúng ta hãy sử dụng điện năng một cách tiết kiệm nhất có thể để bảo vệ môi trường.
Cha mẹ nhắc nhở trẻ tắt bóng đèn khi không sử dụng đến, không mở tủ lạnh thường xuyên, nếu trời không quá nóng nên dùng quạt thay vì bật điều hòa 24/24. Mặt khác, tiết kiệm điện cũng là góp phần giảm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Do đó, trẻ càng cần phải biết tiết kiệm điện.
Vứt rác đúng nơi quy định
Không ít trẻ em có thói quen xấu vứt rác bừa bãi trên đường phố. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất đi hình ảnh Việt Nam tươi đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Ở nhiều nước phát triển, việc vứt rác bừa bãi có thể bị xử phạt rất nặng, tuy nhiên, ở nước ta, vấn đề này chưa thực sự được chú trọng. Cha mẹ cần làm gương, vứt rác đúng nơi quy định để trẻ học theo. Nếu thấy trẻ vứt rác bừa bãi, cần nghiêm khắc nhắc nhở, thậm chí có thể áp dụng các hình phạt nếu trẻ liên tiếp vi phạm.
Phân loại rác thải
Hãy nói cho trẻ biết, có những loại rác có thể tái chế như rác hữu cơ, giấy, nilon, chai nhựa… Các loại thức ăn thừa có thể tận dụng để làm phân bón cho cây trồng. Các túi nilon, các chai nhựa có thể rửa sạch để tái sử dụng. Các rác điện tử như pin, sạc, điện thoại cũ… không vứt chung với rác sinh hoạt mà cần được chuyển tới các cơ sở thu gom để được xử lý. Chúng ta cần phân loại rác thải theo quy định trước khi vứt bỏ.
Cho con tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường
Có rất nhiều hoạt động khác nhau để bảo vệ môi trường. Chiến dịch Giờ Trái đất mà phần đầu bài viết nhắc đến là một trong những hoạt động ấy. Ngoài ra, cha mẹ có thể khuyến khích con cùng tham gia dọn dẹp công viên, nhặt rác trên bãi biển, khơi thông nguồn nước gần nhà… để bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan thiên nhiên nơi mình sinh sống.
Hạn chế sử dụng túi nilon và chai nhựa một lần
Túi nilon và các vật dụng làm từ nhựa cần từ 500 - 1.000 năm để phân hủy. Ảnh hưởng của túi nilon và nhựa tới môi trường sống là rất lớn.
Cha mẹ nên hướng trẻ sử dụng các loại bao bì ít gây ảnh hưởng tới môi trường, thay thế cho các loại túi nilon hay chai nhựa sử dụng một lần. Khi đi chợ, chúng ta có thể sử dụng túi giấy hoặc làn nhựa để đựng thực phẩm. Nên dùng túi đựng rác tự phân hủy để thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày thay cho túi nilon thông thường. Gom các loại chai, lọ nhựa tới các điểm thu gom để được tái chế hoặc tự tái chế các vật dụng này thành các món đồ chơi.
Trồng và bảo vệ cây xanh
Trong quá trình quang hợp, cây xanh tạo ra khí oxy để chúng ta hít thở hàng ngày; đồng thời, nó lại hấp thụ khí CO2 mà chúng ta thải ra. Cây xanh được ví như “lá phổi xanh” của con người. Cây xanh làm trong sạch bầu khí quyển, do đó, cần trồng thật nhiều cây xanh để bảo vệ môi trường.
Hãy nói với trẻ về điều này để con thêm yêu quý và biết bảo vệ cây xanh. Nếu nhà bạn có vườn, hãy cùng con trồng một vài loại cây và hướng dẫn con cách chăm sóc. Cây xanh không chỉ có tác dụng lọc sạch không khí mà còn giúp cho ngôi nhà bạn thêm màu sắc tươi vui, thậm chí, một số loại cây còn cung cấp cho chúng ta hoa thơm và trái ngọt.