Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dạy con biết kính trên nhường dưới

“Gia đình là bến đỗ bình yên. Gia đình hạnh phúc - Xã hội phồn vinh” là câu nói tâm đắc của anh Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Yến Sào Nam Phú, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Gia đình anh luôn nghiêm túc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, tình nguyện vì cộng đồng. Năm 2016, anh Tuấn Anh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do BCH Trung ương Đoàn trao tặng; năm 2019 anh được Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen “Thanh niên sống đẹp”. Với những nỗ lực và thành tích đã đạt được, gia đình anh Trần Tuấn Anh, chị Dương Thị Tròn được Trung ương Hội LHTN Việt Nam xét chọn là 1 trong 22 gia đình trẻ được tuyên dương Gia đình trẻ tiêu biểu năm 2020.

Gia đình anh Trần Tuấn Anh, chị Dương Thị Tròn (ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) được tuyên dương là Gia đình trẻ tiêu biểu năm 2020.


Dễ làm theo Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình khi cùng chung chí hướng


Tìm hiểu về Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ Tiêu chí) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, vợ chồng anh Tuấn Anh cho rằng: Việc thực hiện theo Bộ Tiêu chí là rất cần thiết, vì hiện nay, ở đâu đó, những nét truyền thống trong gia đình đã bị mờ nhạt do ảnh hưởng bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, như việc vợ chồng lo làm ăn, kiếm tiền mà quên đi bổn phận làm cha, làm mẹ, làm con, làm chồng, làm vợ, thiếu đi không khí ấm áp trong gia đình, thiếu đi những bữa cơm quây quần bên gia đình; giao phó việc học và dạy con cho nhà trường, dẫn đến trẻ hư hỏng sau này. Hoặc vợ chồng xảy ra chuyện tình cảm ngoài luồng, dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình; hay không lo báo hiếu cha mẹ vì mải mê kiếm tiền... Vì vậy, rất cần thiết ban hành Bộ Tiêu chí này để góp phần giữ gìn đạo đức, lối sống gia đình trong thời đại hiện nay.
Nhận xét về 4 tiêu chí chung: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ, anh Tuấn Anh cho rằng, thực tế rất dễ thực hiện nếu chúng ta có nhận thức đúng đắn về hạnh phúc gia đình, thực sự yêu thương gia đình, yêu thương tôn trọng vợ/chồng mình, yêu thương các con, cùng chung chí hướng xây dựng hạnh phúc gia đình và tự ý thức về quyền và nghĩa vụ trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình.

Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong nhân dân


Trên thực tế hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trẻ ly hôn rất cao, hay tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, lối sống vô cảm, tình trạng mâu thuẫn xung đột trong gia đình để đến mức độ cha mẹ và các con, anh chị em ruột sát hại lẫn nhau phải hầu tòa chỉ vì tranh chấp phân chia tài sản, một phần nguyên nhân do ảnh hưởng bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, song trong đó cũng có sự thiếu hiểu biết, thiếu giáo dục và coi nhẹ việc giáo dục, ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Vì vậy, Bộ Tiêu chí cần sớm được triển khai thực hiện đại trà ở khắp các tỉnh/thành trong cả nước. Đối với Bình Phước là tỉnh có đông đồng bào dân tộc nên khi triển khai Bộ Tiêu chí, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong nhân dân.




Tổ ấm hạnh phúc của gia đình anh Trần Tuấn Anh, chị Dương Thị Tròn.


Dạy con quan tâm giúp đỡ ông bà, cha mẹ từ việc nhỏ nhất


Đề cập tới việc “hóa giải” sự mâu thuẫn để gia đình luôn hòa thuận, hạnh phúc, anh Tuấn Anh chia sẻ, vợ chồng cần có sự thông cảm, chia sẻ, phải biết lắng nghe và tôn trọng nhau, không khiêu khích, không thách thức và biết nhẫn nhịn khi vợ/chồng đang nóng, sau đó ngồi lại để phân tích và hiểu nhau. Đối với con, cần phải hiểu tâm lý của trẻ, luôn khích lệ, động viên, phải dành thời gian chơi cùng con, coi con là “bạn” và cũng cần biết lắng nghe ý kiến của con. Hàng tháng, tùy hoàn cảnh gia đình cần tổ chức những buổi dã ngoại, du lịch để hâm nóng tình cảm trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.


“Vết xe trước đổ đâu thì vết xe sau đổ đó”, vì vậy, bố mẹ phải làm gương cho con, dạy con “Chữ hiếu làm đầu”, biết kính trên nhường dưới, quan tâm giúp đỡ ông bà, cha mẹ từ việc nhỏ nhất (như việc chào hỏi, thưa gửi, mời ăn cơm, lấy tăm, bưng đồ ăn...). Cha mẹ phải dạy con biết yêu thương và chia sẻ với mọi người, biết sống biết ơn, phải biết “xin lỗi” và “cảm ơn”; Dạy con biết nhớ về cội nguồn, nhớ về tổ tiên ông bà, như: cho các con về quê viếng mộ, thắp nhang tổ tiên ông bà, thăm viếng bà con dòng họ; Dạy các con biết nhường nhịn, thương yêu nhau. Mỗi lần chơi cùng con, cha mẹ tranh thủ dạy con về tình cảm gia đình, lòng hiếu thảo, tình yêu thương, lòng vị tha, sự bao dung…
Vợ chồng anh Tuấn Anh luôn dạy con phải biết tiết kiệm và yêu thương, chia sẻ giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ngay từ khi các con còn nhỏ để dần hình thành và phát triển nhân cách cho các con.

 

Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện.

Hồng Nga /TC GĐ&TE