Dạy con nói “không” giúp bảo vệ trẻ
"Không nhận quà từ người lạ” là trải nghiệm khi chị Nguyễn Minh Tâm gặp và tiếp xúc với những người bạn mới của con mình. Kể về kỷ niệm “không mấy dễ chịu” này, chị Tâm chia sẻ: Sau khi chuyển về sống ở một chung cư tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), 2 con của chị (đang học lớp 1) đã có sự hòa nhập tốt với những bạn cùng toà nhà. Để tạo thêm mối thân tình, chị chủ động mua một vài cuốn sách cùng những món đồ chơi nhỏ để tặng cho các bạn mới của con. Tuy nhiên, điều làm chị bất ngờ là chúng đều cảm ơn nhưng từ chối nhận quà (khác với những đứa trẻ ở nơi cũ) khiến chị cảm thấy hụt hẫng và có chút bối rối.
Trao đổi vấn đề này với chuyên gia tâm lý Vũ Hoài Sơn, chị được biết đó là một kỹ năng cần thiết để bảo vệ các con khỏi bị lợi dụng, bắt nạt hay lạm dụng tình dục trước những người mới quen, thậm chí là cả người thân với những lời đề nghị không phù hợp các nguyên tắc của gia đình, xã hội...
Khi trẻ chưa tự phân biệt được những tình huống cần nói “không”, cha mẹ hãy là người hướng dẫn và giúp con hình thành thói quen xin phép cha mẹ trước khi nhận từ ai đó món quà hay lời đề nghị gì. Và khi bạn không cho phép, đừng quên giải thích vì sao cho trẻ hiểu. Làm như thế, bạn có thể an tâm hơn về con trước những lời dụ dỗ của người lạ. Hãy cho trẻ một vài ví dụ về lý do đưa ra để từ chối, chẳng hạn “Bố mẹ con chưa cho phép ạ”. Đây sẽ là một lý do chính đáng mang tính nghiêm túc mà trẻ cung cấp để người đối diện tiếp nhận thông tin và không ép buộc trẻ phải nhận quà.
Theo chuyên gia Vũ Hoài Sơn: “Việc các cháu từ chối nhận quà của chị Tâm chính là kỹ năng ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra khi giao tiếp với người lạ khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ. Tuy nhiên, hãy dạy trẻ cần phải cảm ơn một cách lễ phép trước khi từ chối để làm giảm đi cảm xúc tiêu cực ở người bị từ chối, đồng thời biết ghi nhận lòng tốt từ người đề nghị”.
Ngoài ra, để trẻ có thể tự tin nói “không” trong những tình huống cần thiết, cha mẹ và con nên thường xuyên thực hành các tình huống xem trẻ sẽ làm gì nếu bị yêu cầu làm một việc mà chúng không thích, hoặc sẽ từ chối thế nào trước một lời đề nghị hấp dẫn nhưng tiềm ẩn những rủi ro.
Biết nói “không”, con sẽ ý thức hơn về quyền của mình
Thực tế cho thấy, việc học cách nhận biết và nói “không” trong những trường hợp cần thiết không chỉ giúp trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ lạm dụng, xâm hại... mà còn giúp trẻ tự tin nói “không” để bảo vệ quan điểm cá nhân trước những định hướng, áp đặt mà trẻ cảm thấy không phù hợp. Biết nói “không cũng giúp trẻ nhận thức hơn về các quyền của chính mình đã được pháp luật công nhận cũng như được ghi trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Trong đó nhấn mạnh, trẻ em có quyền được tự do bày tỏ ý kiến và mọi quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em.
Thông qua trao đổi với chuyên gia tâm lý Vũ Hoài Sơn, chị Tâm hiểu rằng, cha mẹ không nên ép trẻ làm những điều trẻ không thích. Hãy cho con quyền tự chủ trong tầm kiểm soát của con và cha mẹ cần học cách tôn trọng sự lựa chọn của con. Cũng sau buổi trao đổi đó, chị Tâm đã thay đổi “chiến thuật” tặng quà. Lần này, chị cùng con chủ động liên hệ và đến tận nhà các bạn, bày tỏ niềm vui khi các con có sự hoà nhập và xin phép gia đình được tặng những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa nhân dịp Trung thu cho những người bạn mới.
Theo chị Tâm, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn không ít trường hợp, tiếng nói của trẻ em trong gia đình chưa được bố mẹ tôn trọng. Nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về quyền tham gia của trẻ. Vì thế, việc trẻ em được bày tỏ ý kiến hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định bị xem nhẹ. Nhiều gia đình vẫn áp đặt theo kiểu cha mẹ là người sinh thành nên có quyền bắt con nghe theo mọi chuyện.
Dạy trẻ biết từ chối, nói “không” trước những điều kiện cụ thể không chỉ là kỹ năng giúp con tự bảo vệ mình mà còn hỗ trợ rất nhiều trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ có thể tự nhận thức việc nên làm và không nên làm trong những tình huống cụ thể, học cách dứt khoát trong lời nói và hành động. Quan trọng hơn, trẻ có thể tham gia và có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân.