Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dạy con là cả nghệ thuật và khoa học

Vì yêu chiều con cái nên nhiều cha mẹ vẫn nai lưng làm hộ, quyết định thay con hầu hết các công việc trong cuộc sống. Với mong muốn con được sung sướng nhưng thực chất bố mẹ đang vô tình làm hại con và tước đi quyền tự do, tự lập của trẻ.

 

 

Giúp trẻ tự đứng trên đôi chân dù nhỏ

Người Mỹ cho rằng cần phải rèn luyện tính tự lập cho trẻ từ bé, nó không những giúp trẻ độc lập hơn mà còn là điều kiện tốt để trẻ phát triển về sau này, đồng thời nó còn giúp ích được cho người lớn. Vì thế, ngay từ khi trẻ một tuổi rưỡi, họ đã bắt đầu dạy cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân.

Trẻ con Mỹ sẽ phải học cách tự phục vụ chính bản thân mình ngay từ khi còn rất nhỏ như buộc dây giày, mặc quần áo, rửa bát, đánh răng… Phải chăng đó là lí do dễ hiểu khi chúng ta thấy các bà mẹ Mỹ nuôi con nhàn hơn mẹ Việt.

Để con được tự lập, và giáo dục con cái tự lập ra sao từ nhỏ đúng cách là cả một vấn đề. Từ nhiều chia sẻ kinh nghiệm thì việc tách trẻ ra khỏi mẹ dần dần vô cùng cần thiết. Đừng vì quá thương con mà ngay từ khi bé sinh ra các mẹ suốt ngày ôm ấp bé trong vòng tay.

Khi lớn lên tùy theo lứa tuổi mà hàng ngày, hàng giờ cha mẹ hãy tận dụng thời gian để dạy con tính tự lập bằng cách hướng dẫn con tự làm những việc vừa sức mình. Ban đầu bé có thể phá hư, làm hỏng thì cũng là chuyện thường nên cha mẹ đừng vội la mắng mà hãy hướng dẫn cho trẻ cách làm đúng để dần dần trẻ có thể tự làm.

Ngay khi các bé còn nhỏ, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự chơi một mình với đồ chơi mà không cần bố mẹ bên cạnh, để trẻ tự xúc cơm ăn, tự thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong, tự lựa chọn áo quần để mặc hàng ngày hay xếp áo quần của chính các bé…

Khi bé lớn lên, hãy hướng dẫn trẻ tự chăm lo cho chính mình như tự đạp xe đến trường, tự giặt áo quần hay có thể tự tay làm những món ăn đơn giản khi không có mẹ ở nhà, thậm chí là giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà đơn giản… Đây chính là những kỹ năng hết sức cơ bản và quan trọng giúp bé tự chăm lo cho chính mình mà không cần sự nhắc nhở của bố mẹ.

Với các công việc trong gia đình, khéo léo phân công và kéo trẻ cùng làm. Nên để trẻ hiểu rằng mỗi người đều có trách nhiệm với công việc và hình thành thói quen làm việc, tính tự lập từ sớm. Mẹ có thể giao nhiệm vụ lau bàn ăn, lấy chén bát ăn cơm, sắp xếp kệ dép gọn gàng mỗi ngày, xách những túi nhỏ khi đi siêu thị… và nhắc nhở trẻ làm thường xuyên để hình thành thói quen tốt.

Một kinh nghiệm quý trong giáo dục đó là khen ngợi, động viên cho dù trẻ ở lứa tuổi nào. Việc khen ngợi cần được xem như hành động công nhận trẻ đã hoàn thành công việc nào đó, cho dù chúng chỉ hoàn thành ở mức sơ sài nhất, đơn giản nhất. Hãy đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm, cần hạn chế việc dùng những từ khen ngợi quá đáng cho một hành động đơn giản sẽ làm phản tác dụng mà thay vào đó là những lời động viên tích cực.

Yêu thương con đúng cách là cả nghệ thuật. Làm thế nào để giúp trẻ sớm có tính tự lập... không dễ dàng. Nhưng chắc chắn cha mẹ cần nhớ rằng, sống hộ con, quyết định hộ con, chiều chuộng quá đà thì một đứa trẻ mãi mãi sẽ không thể lớn.

Những sai lầm cần tránh

Đã 10 tuổi nhưng Hương con chị Hòa vẫn không biết làm những việc đơn giản như cắm cơm, úp mì tôm, lau nhà… Đi đâu, làm gì Hương cũng tỏ ra bị động, phải nhờ đến bố mẹ giúp đỡ. Nguyên nhân khiến cô con gái thiếu mạnh dạn, tự lập được chị Hòa cho biết bởi nhà chỉ có mình con, được cả gia đình cùng chiều chuộng. Đặc biệt ông bà nội ngoại luôn coi em như báu vật nên dù có lỗi vẫn vỗ về, xuê xoa cho xong chuyện mà không chỉ bảo, hay mắng mỏ bao giờ. Con dù vẫn ngoan ngoãn với mọi người xong luôn bị động, thiếu tự lập.

Quan sát nhiều gia đình Việt cũng dễ nhận thấy, cha mẹ đang sống hộ con quá nhiều. Từ việc đốc thúc dậy đi học, nhắc nhở có bài tập hàng ngày; Bắt con phải ăn món này món kia vì bổ; Uống sữa đúng giờ… Thậm chí nhiều bố mẹ còn áp đặt, cấm đoán con chỉ được chơi với bạn này không chơi với bạn kia. Con phải học giỏi hơn bạn, không được thua kém bạn.

Cách cư xử của nhiều cha mẹ Việt đã nói lên sự áp đặt, xâm hại quyền tự do, riêng tư của trẻ. Họ hành xử một cách hồn nhiên mà không mấy khi đặt ra câu hỏi liệu trẻ có tự do không với cách cư xử, áp đặt ấy. Những việc như ăn mặc, đi học, giao lưu với bạn bè… rõ ràng cha mẹ có quyền, và trách nhiệm hướng dẫn trẻ tự làm, tự quyết, tự xử lý các vấn đề để các em tự rút ra bài học riêng cho bản thân, để các em tự tiến bộ sau mỗi hành động, quyết định của bản thân mình chứ không thể thay trẻ làm hết, quyết hết các vấn đề thuộc về cá nhân trẻ.

Phải chăng vì cha mẹ đang sống hộ con trẻ quá nhiều nên tình trạng trẻ thiếu tính tự lập giờ đây ngày một phát triển trong xã hội. Một trong những nguyên nhân cơ bản bởi mỗi gia đình ngày càng hiếm và ít con (đặc biệt ở các thành phố).

Trẻ em luôn được người lớn coi như những tài sản vô giá, từ đó ôm ấp, chiều chuộng, bao bọc, giúp đỡ một cách mù quáng. Cho dù trẻ đã lớn nhưng vẫn giáo dục, hành xử như đứa trẻ không lớn nên vô hình chung đã làm thui chột tính tự lập của trẻ từ nhỏ.

Nhiều gia đình vẫn cho rằng sự bao bọc xuất phát từ tình thương với con. Làm hết mọi việc để con chỉ phải tập trung tốt nhất vào học tập. Dù con đã học tới bậc THCS, THPT cha mẹ phục vụ, quyết định hết mọi việc. Lúc tính cách thiếu tự lập của trẻ bộc lộ rõ ràng thì việc ngộ ra cũng muộn, giáo dục vô cùng khó khăn, thậm chí thất bại. 

Chiều chuộng, bao bọc con cái càng khiến trẻ dễ ỷ lại bấy nhiêu. Khi trẻ không biết làm những công việc cá nhân mình thì khi lớn lên, các công việc trong nhà chúng cũng không thể làm tốt. Đây là hệ quả tất yếu của việc sống hộ con, không để con đứng trên đôi chân của mình. Thương con cũng phải thương đúng cách và có phương pháp.