Rất nhiều cha mẹ, đặc biệt là các mẹ rất lúng túng trong việc dạy con làm việc nhà. Các mẹ hãy tham khảo một số nguyên tắc sau để đảm bảo việc dạy dỗ đó thành công,
1. Dạy con từ việc đơn giản nhất
Càng dạy sớm, việc con làm càng nhanh chóng trở thành thói quen. Các con nên được bắt đầu với những nhiệm vụ khả thi đơn giản như bỏ rác vào thùng, đi "chợ" (sang nhà bác hàng xóm mua gói muối về chẳng hạn)...
2. Đừng chê nếu con làm chưa tốt
Khi con đang hào hứng làm, dù làm "chưa đâu vào đâu", các mẹ nên khuyến khích con theo kiểu: "Ơ, con làm được rồi à". Các bé vô cùng sung sướng và hãnh diện. Bên cạnh đó mẹ kiên nhẫn hướng dẫn con cách làm thế nào để đạt hiệu quả cao hơn.
3. Thưởng cho con khi con làm việc nhà
Việc nhà là công việc chung, con cần đóng góp công sức. Mọi thành viên trong nhà cần có trách nhiệm. Bạn nên thưởng cho con khi con hoàn thành việc nhà một cách xuất sắc. Vi dụ con bạn thích chơi điện tử, hãy thêm thời gian lên 10-15 phút. Nhưng cũng có hình thức "kỷ luật" nếu con không hoàn thành.
4. Đảm bảo tính công bằng trong khi giao việc
Khi giao việc cho con, tốt nhất mẹ nên đặt ra đầu mục công việc, yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình chọn vài đầu mục. Ưu tiên cho con chọn trước, sau đó yêu cầu tất cả mọi người thực hiện cho đúng. Nếu con đi đổ rác thì không phải rửa bát. Hoặc hôm nay con lau nhà thì bố sẽ nấu cơm. Đơn giản như thế để trẻ không cảm thấy ghét công việc và ai cũng phải làm việc nhà.
5. Giao quyền cho trẻ
Các mẹ cũng nên nhớ tùy vào độ tuổi, con gái, con trai để giao việc cho con khiến con cảm thấy mình được tôn trọng và có trách nhiệm cao với công việc được giao. Ví dụ: Khi con gái đã học cấp 2, mẹ có thể giao cho con việc lên kế hoạch sắm Tết. Mọi thứ nên được lập kế hoạch nghiêm chỉnh ra giấy, ghi tên người thực hiện rõ ràng. Nếu là con trai thì phân công con lau dọn nhà cửa, sắm sửa bàn thờ tổ tiên.
6. Chia sẻ cùng con
Khi con lớn, việc nhà của con sẽ tăng dần. Cha mẹ cần dành thời gian chia sẻ với con. Các công việc sẽ dần được chuyển giao toàn bộ cho chúng, nhưng lâu lâu mẹ rửa bát hoặc quét nhà, bố thì phơi giúp con chậu quần áo, như thế trẻ sẽ rất vui.
7. Ghi nhận
Ở mọi nơi mọi lúc, khi nói đến việc nhà là nhấn mạnh tầm quan trọng của con. Tuy con có lúc lười biếng nhưng chắc chắn chúng đóng góp công sức rất nhiều. Vì thế, nếu chúng làm mà không được ghi nhận sẽ chóng oải.
8. Kiên nhẫn
Cha mẹ hãy chấp nhận bát bị rửa bẩn (khắc phục bằng cách tráng bát nước sôi trước khi ăn cho đảm bảo), hay nhà lau không sạch hoặc quần áo lâu không được giặt trong một thời gian đầu... Nếu lâu lâu con lên cơn lười, mẹ đừng lao vào làm giúp con ngay mà cần có chút đàm phán, nhắc nhở. Thỉnh thoảng phạt. Như vậy con sẽ hiểu trách nhiệm việc nhà và biết không thể thể ỷ lại được.
9. Về vấn đề trọng số
Các cha mẹ đồng ý rằng cũng phải có trọng số trong khi giao việc nhà. Ví dụ em bé thì biết gì mà giao việc, bé còn nhỏ quá thì chưa phải làm (bé dưới 2 tuổi). Điều này bọn trẻ con sẽ dễ dàng đồng ý. Cha mẹ lưu ý, đặt trọng số tùy sức khỏe và độ tuổi của các đối tượng, nhưng tuyệt nhiên không được phân biệt nam nữ - điều đó bất hợp lý và sẽ có nhiều hệ lụy. Chuyện trọng số là chuyện khá tế nhị, các cha mẹ phải khéo léo nói với con chứ đừng áp đặt, trẻ rất ghét khi có người được chơi trong lúc mình phải làm.