Giải thích cho con hiểu về sống có trách nhiệm
Nói với con về việc sống có trách nhiệm là điều khá khó khăn. Tuy nhiên, bằng các hành động cụ thể, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ hiểu dần khái niệm “sống có trách nhiệm”. Ví dụ, với trẻ nhỏ, khi chơi đồ chơi xong, con phải thu dọn, cất đồ chơi đúng chỗ, đó chính là sống có trách nhiệm. Hoặc khi con làm đổ sữa ra bàn, con cần lấy khăn lau sạch chỗ sữa đổ.
Với trẻ lớn hơn, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ, sống có trách nhiệm là luôn chủ động trong mọi việc, tự giác học tập và làm việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm về các hành động của bản thân mình, không đổ lỗi cho người khác. Trẻ sống có trách nhiệm đồng thời cần hành xử đúng mực, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu… Ví dụ, nếu con làm một việc sai trái gây ảnh hưởng đến người khác, con cần nói lời xin lỗi và tìm cách khắc phục hậu quả.
Cha mẹ đừng bao giờ có suy nghĩ, “trẻ con nó còn bé đã biết gì”. Trách nhiệm không chỉ là nghĩa vụ mà đó là thái độ sống tích cực, ai cũng phải có. Cha mẹ có yêu thương con đến mấy cũng không thể bao bọc con mãi được, để trưởng thành trẻ cần sống có trách nhiệm.
Khuyến khích con sống tự lập
Ðể trẻ sống có trách nhiệm, ngay từ nhỏ, cha mẹ cần khuyến khích trẻ sống tự lập. Cha mẹ không nên làm hộ trẻ, hãy để trẻ tự mình khám phá cuộc sống. Trẻ cần được trang bị các kỹ năng sống cơ bản như: chăm sóc bản thân; chuẩn bị sách vở, quần áo để đi học; tự dọn dẹp phòng riêng; cùng cha mẹ chuẩn bị bữa ăn, làm việc nhà… Những việc này trẻ cần làm một cách tự nhiên và thuần thục, có trách nhiệm với những việc nhỏ thì sau này mới có trách nhiệm với những việc lớn hơn.
Không ít trẻ học đại học phải sống xa nhà nhưng không biết nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, vì khi còn nhỏ được cha mẹ chiều chuộng nên không biết làm việc gì. Quen sống ỷ lại vào cha mẹ sẽ khiến cho trẻ khi trưởng thành gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý cuộc sống.
Dạy con cách quản lý tiền bạc
Trẻ em Việt Nam thường được cha mẹ cho tiếp cận với tiền khá muộn, vì nhiều phụ huynh cho rằng, tiền bạc là thứ vật chất đầy cám dỗ có thể làm hư trẻ. Thực tế, ở các nước phương Tây, đặc biệt là người Do Thái, họ cho con tiếp xúc với tiền từ rất sớm, nhờ đó mà khi trưởng thành, trẻ biết chi tiêu một cách khoa học, khả năng thành công dường như cũng dễ đạt được hơn so với những đứa trẻ tiếp xúc với tiền quá muộn.
Trẻ em cần học cách quản lý chi tiêu ngay từ nhỏ, nhất là cách tiết kiệm tiền để có thể quản lý tài chính một cách thông minh khi trưởng thành.
Quản lý thời gian
Thời gian là vàng, là bạc, nếu trẻ biết cách quản lý thời gian từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên chúng sẽ có một cuộc sống khoa học và ngăn nắp.
Cha mẹ cần hướng dẫn hoặc đề nghị trẻ lập một thời gian biểu khoa học và cố gắng thực hiện đúng theo thời gian biểu đó. Trẻ nên ngủ sớm, dậy sớm, đi học đúng giờ, phân bổ thời gian một cách hợp lý cho các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí trong một ngày...
Đặt mục tiêu cụ thể
Cha mẹ có thể gợi ý trẻ lập ra các mục tiêu và lên kế hoạch cụ thể để hoàn thành các mục tiêu đó. Hành động này chính là một trong những cách thức tuyệt vời nhất để dạy trẻ sống có trách nhiệm. Trẻ sẽ phải cố gắng hết mình để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trong trường hợp trẻ chưa thể hoàn thành mục tiêu, cha mẹ hãy động viên trẻ tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu đó.
Để trẻ tự đưa ra quyết định
Nhiều cha mẹ có thói quen quyết định thay cho trẻ mà rất ít khi hỏi ý kiến của con. Trẻ em cũng có quan điểm riêng của mình, cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ có quyền tham gia và đưa ra các quyết định về các vấn đề liên quan đến bản thân trẻ. Ví dụ, trẻ thích chơi bộ môn thể thao nào, bạn hãy đăng kí cho trẻ tham gia môn thể thao đó thay vì bắt ép trẻ phải học môn thể thao mà bạn cảm thấy thích. Hè này, cả nhà bạn sẽ đi nghỉ mát, đừng chỉ bàn bạc hai vợ chồng, hãy hỏi ý kiến con, “con thích đi đâu, làm gì?”. Việc được cha mẹ hỏi ý kiến là những bước đi đầu tiên giúp trẻ hình thành việc ra quyết định, trẻ sẽ biết suy nghĩ và cân nhắc để đưa ra các quyết định đúng đắn và phù hợp nhất.
Cha mẹ hãy làm gương
Muốn con là người sống có trách nhiệm thì trước tiên cha mẹ cũng phải là những người sống có trách nhiệm. Muốn vậy, bạn phải luôn gương mẫu, có trách nhiệm đối với mọi lời nói và hành động của mình.
Và ngoài việc dạy con sống tự lập, biết quản lý thời gian và tiền bạc, biết đặt ra các mục tiêu và lên kế hoạch cho cuộc sống, cha mẹ cũng nên trang bị cho trẻ các kỹ năng sống quan trọng khác như cư xử có văn hóa, biết làm việc nhóm, biết tự bảo vệ bản thân, ứng phó trong các tình huống khẩn cấp, biết đứng dậy sau vấp ngã…
Trong một sự kiện từ thiện, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ những lời khuyên của mình về cách dạy hai cô con gái trở thành người lãnh đạo tốt. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc sống có trách nhiệm. “Những gì chúng tôi muốn truyền lại cho cuộc đời bọn trẻ là mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm. Khi bọn trẻ còn nhỏ, trách nhiệm của chúng rất nhỏ. Nhưng khi lớn lên, trách nhiệm ấy cũng lớn dần theo”, ông Obama nói.
Ông Obama cho rằng, trách nhiệm đánh dấu sự trưởng thành. Khi chúng ta trưởng thành, những người khác sẽ dựa vào chúng ta, rằng chúng ta là người có ảnh hưởng và những nỗ lực của chúng ta sẽ giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người. Ông Obama cũng cố gắng giúp hai cô con gái thấm nhuần các giá trị cơ bản của lòng tốt, biết đồng cảm và làm việc chăm chỉ.