Ông Sang Sết tên thật là Thạch Sết, nguyên Trưởng đoàn nghệ thuật “Ánh Bình Minh” tỉnh Trà Vinh. Vừa làm công tác quản lý, ông vừa chuyên tâm nghiên cứu về văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Khmer Nam bộ. Tính đến nay, ông đã cho xuất bản gần 20 cuốn sách sưu tầm, nghiên cứu, khảo luận về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam bộ. Trong số đó, tiêu biểu là những cuốn sách đi sâu nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu dù kê rất công phu, rất thuyết phục, góp phần vào việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Theo ông, dù kê là một loại hình sân khấu kịch hát độc đáo, đặc sắc đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ.
Đây là một loại hình nghệ thuật sân khấu mang đậm dấu ấn giao thoa giữa văn hóa ba dân tộc: Khmer, Việt (Kinh) và Hoa. Đó là sự hòa quyện tinh tế giữa các làn điệu dân ca của người Hoa, với kỹ xảo thiết kế sân khấu cải lương của người Việt và ngôn ngữ, điệu bộ trình diễn âm nhạc của người Khmer Nam bộ. Chính vì thế, về nghệ thuật trình diễn dù kê vừa có điệu bộ, kịch tính, cốt truyện vừa kết hợp ca và múa với những động tác mềm mại, uyển chuyển rất cuốn hút người thưởng thức.
Nhà nghiên cứu văn hóa Sang Sết
Trong quá trình công phu nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu dù kê, ông nhận thấy nhạc cụ sử dụng trong biểu diễn của loại hình nghệ thuật này cũng rất độc đáo, được chia thành nhóm nhạc gõ, nhạc dây và thổi. Trong đó, nhóm nhạc gõ (tiếng trống, chiêng) chiếm phần ưu thế và rất quan trọng tạo ra sinh khí, tiết tấu cho các lớp diễn võ thuật, vũ đạo trong vở diễn, nên nó trở thành linh hồn của ban nhạc. Nội dung của các vở diễn trong nghệ thuật sân khấu dù kê phong phú, độc đáo và chủ yếu khai thác trong kho tàng truyện cổ dân gian của dân tộc Khmer Nam bộ.
Nói về công việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Khmer nói chung và nghệ thuật sân khấu dù kê nói riêng, ông rất tâm đắc, hào hứng, nhưng cũng đầy day dứt, trăn trở. Ông cho biết, ở Trà Vinh có Bảo tàng Dân tộc học Khmer; có Đoàn Nghệ thuật Khmer “Ánh Bình Minh”; có 141 ngôi chùa Khmer là những nơi lưu giữ bảo tồn đầy đủ tinh hoa văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ, trong đó có nghệ thuật sân khấu dù kê. Đặc biệt hiện nay Trà Vinh có Trường Đại học Trà Vinh là trường đại học công lập duy nhất trong cả nước đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam bộ. Nhà trường chính là nơi thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực về ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam bộ, cung cấp đội ngũ trí thức, nhà khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, sưu tầm, bảo tồn gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống giàu bản sắc dân tộc Khmer ở Nam bộ.
Tất cả những điều vừa kể trên, theo ông đó là thuận lợi cơ bản để có thể bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu dù kê trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên ông vẫn trăn trở, đó là hiện nay rất cần thiết phải đào tạo một cách bài bản chuyên sâu một đội ngũ lý luận phê bình, nhạc sĩ, họa sĩ là người Khmer để nghiên cứu sưu tập, dàn dựng và đưa vào học thuật sân khấu dù kê. Để từ đó khai thác, đưa vào giảng dạy, đào tạo diễn viên bổ sung thêm lực lượng cho các đoàn nghệ thuật Khmer Nam bộ.
Cuối cùng điều khiến ông tâm huyết nhất, mong mỏi nhất chính là nghệ thuật sân khấu dù kê được UNESCO ghi nhận, tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.