Hơn 90% nạn nhân buôn bán người là phụ nữ và trẻ em gái
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, từ năm 2012 đến năm 2017 lực lượng chức năng đã giải cứu được khoảng 7.500 người. Nạn nhân bị mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chiếm trên 90% và có đến 80% thuộc dân tộc ít người. Có đến 70% nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm. Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 80%, trong đó hơn 75% sang Trung Quốc. Các nạn nhân là phụ nữ bị bán ra nước ngoài đa số bị ép kết hôn làm vợ và bóc lột tình dục chiếm gần 80%.
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số về tình trạng buôn bán người.
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: Do đặc điểm phần lớn nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em gái, vì vậy trong nhiều năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động, triển khai nhiều mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng như: truyền thông phiên chợ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ nhóm... và từ những mô hình này, Hội Phụ nữ các cấp đã nhân rộng tại nhiều địa bàn, tạo hiệu quả thiết thực và sâu rộng trên khắp địa bàn trọng điểm.
Tại các tỉnh biên giới, Hội LHPN các tỉnh đều có hoạt động phối hợp, giao lưu với tỉnh bạn, tăng cường truyền thông và quản lý hội viên phụ nữ di cư qua biên giới nhằm phòng, chống mua bán người. Tại các địa bàn nguy cơ, Hội chú trọng xây dựng mô hình phòng, chống mua bán người có hiệu quả tại cộng đồng như: Nhóm tự lực, đội tuyên truyền viên nòng cốt, câu lạc bộ (CLB) nữ chủ nhà trọ, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, trung tâm hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng... Tại 17 tỉnh xây dựng và duy trì sinh hoạt 343 CLB phòng, chống mua bán người với gần mười nghìn thành viên tham gia. Các tổ, nhóm, CLB duy trì sinh hoạt định kỳ, với các chủ đề: Phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em; Phòng, chống bạo lực gia đình; Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình thông qua các hình thức truyền thông trực tiếp, thảo luận, sân khấu hóa. Nhờ vậy, các thành viên CLB không chỉ được cung cấp kiến thức mà còn trở thành các tuyên truyền viên tại địa phương, góp phần cải thiện tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) đã vận động các nguồn tài trợ thực hiện thành công mô hình Ngôi nhà bình yên, là nơi tiếp nhận những nạn nhân bị mua bán trở về tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước (Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế). Chỉ riêng Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm phụ nữ và phát triển của Hội LHPN Việt Nam, trong 5 năm (2012 - 2017), đã có 181 nạn nhân được hỗ trợ, 98 lượt người được học nghề, trong đó 38 người có việc làm ổn định, một số người làm việc tại các khách sạn, nhà hàng có thu nhập tốt, có 10% nạn nhân tự mở cơ sở kinh doanh riêng. Trung tâm đã xem xét hỗ trợ 30 gói phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho 30 nạn nhân dựa trên khả năng của từng người.
Đẩy mạnh dạy nghề và các hoạt động hỗ trợ
Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn buôn bán người là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh, thành phố khảo sát nhu cầu, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo các nghề như: Chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ sau đào tạo, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hội viên, phụ nữ có nguy cơ cao, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, phụ nữ vùng giải phóng mặt bằng, tái định cư, vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Bên cạnh đó, các cấp hội đẩy mạnh công tác tín chấp, ủy thác với các ngân hàng nhằm hỗ trợ, giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế. Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ổn định cho chị em phụ nữ tại địa phương, hạn chế đáng kể việc phụ nữ bươn chải đi làm ăn xa, tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Nâng cao nhận thức của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số về nạn buôn bán người.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình mua bán người vẫn có chiều hướng phức tạp, vì vậy Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người thông qua việc tổ chức các cuộc diễn tập, xử lý tình huống về phòng, chống mua bán người, tổ chức các chiến dịch truyền thông. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm, các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Chú trọng công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thông qua ký kết các chương trình phối hợp với ngành tư pháp. Tiếp tục kiện toàn, thành lập Trung tâm tư vấn, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ kết hôn.
Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam cam kết và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp của các ngành chức năng trong việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các thủ tục đi lao động ở nước ngoài, các thủ tục và điều kiện vay hỗ trợ lao động nước ngoài, các thủ tục pháp lý khi kết hôn với người nước ngoài, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và những rủi ro trong và sau quá trình đi lao động, những biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi bị mua bán khi đi lao động.