Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người bệnh tâm thần tại cộng đồng

Thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang đã triển khai tập huấn cho cộng đồng về công tác chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần. Đây là hoạt động nhằm huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

 

Cần sự hỗ trợ và chung tay của cộng đồng

Đối với người bệnh tâm thần, khâu chăm sóc và điều trị góp phần lớn trong việc giúp cho người bệnh phục hồi sớm. Chính vì vậy, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cho cộng đồng nắm bắt các phương pháp điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần. Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam về cơ sở thực hiện phục hồi chức năng  (PHCN) có 3 loại đó là PHCN dựa vào bệnh viện: Người mới mắc bệnh tâm thần hay người bệnh tâm thần mãn tính khi có triệu chứng lâm sàng phát triển rầm rộ, được nhập viện đựơc điều trị ổn định được các nhân viên y tế PHCN tại bệnh viện. Hình thức này đem lại hiệu quả rất cao. Tuy nhiên do sự hạn chế về giường bệnh (số giường bệnh nội trú dành để phục vụ bệnh nhân cấp tính), chi phí cao nguồn nhân lực ít.

PHCN ngoại viện: Cán bộ PHCN tổ chức các buổi khám và hướng dẫn PHCN cho nhóm bệnh nhân tâm thần mãn tính tại địa bàn sinh sống của họ (Trạm y tế xã, phường) theo lịch định kỳ. Hình thức này cho phép số bệnh nhân tiếp cận với dịch vụ PHCN được nhiều hơn. Song thực tế cho thấy hình thức này chưa  thật sự phù hợp bởi vì số lượng cán bộ PHCN phải rất đông mà khó có thể đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy đã ra đời hình thức PHCN dựa vào cộng đồng như là một tất yếu của quá trình phát triển mô hình này. PHCN dựa vào cộng đồng:  Là một sách lược để giải quyết vấn đề bệnh nhân tâm thần mãn tính, thực hiện tại cộng đồng.

 Tuy nhiên, một thực tế hiện nay người bệnh tâm thần (NBTT) bị hạn chế tham gia các hoạt động của xã hội, ở nhiều cộng đồng, mọi người cho rằng NBTT là do bị trừng phạt hoặc do ma quỷ ám hại vì vậy họ xa lánh, xua đuổi hoặc thờ ơ không quan tâm chăm sóc. NBTT trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng gây xáo trộn cuộc sống an ninh trật tự. Khó khăn việc thực hiện chức năng sinh hoạt hàng ngày; hạn chế không thực hiện được các chức năng  ăn uống, tắm rửa vệ sinh cá nhân, mặc quần áo cũng như các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày.

Phương pháp phục hồi chức năng hiện nay chủ yếu là điều trị thuốc và huấn luyện các chức năng sống hàng ngày. Giúp cho bệnh nhân  hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội. Hiện nay trên thị trường có nhiều thuốc mới. Gia đình cần đưa người bệnh đến khám ở các khoa tâm thần hoặc trạm tâm thần để được cấp thuốc và lập sổ theo dõi.  Phải đảm bảo cho người bệnh có đủ thuốc điều trị và đảm bảo chắc chắn họ sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn.  Cán bộ y tế hẹn người bệnh đến khám vào những ngày nhất định trong tháng. Hãy nói với họ để chắc chắn ngày đó họ đến khám. Thời gian điều trị thuốc kéo dài tiếp tục sau 2 năm sau khi hết các triệu chứng

Lớp tập huấn tại cộng đồng.

Những hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng có tác dụng giúp người bệnh phục hồi. Những việc làm đều đặn hàng ngày đó giúp cho người bệnh tập trung chú ý vào một việc và giảm thiểu các hành động bất thường. Gia đình có thể nhắc nhở nhẹ nhàng người bệnh đi tắm, làm vệ sinh thân thể, chải tóc, thay quần áo... Những người bị nhẹ có thể khuyến khích họ tham gia các công việc nội trợ nhẹ nhàng nhưng cần giám sát và trợ giúp khi cần. Không nên để người bệnh tâm thần làm một việc gì lâu, mà nên nghỉ giải lao thường xuyên hơn.

 Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng đến việc tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng xã hội phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, nhân cách. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng cho người tâm thần, người bị rối nhiễu tâm trí đang sống tại cộng đồng. Cung cấp các dịch vụ công về công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình có vấn đề xã hội tại cộng đồng.

Với sự nỗ lực trên,  tổng kết 5 năm thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí đựa vào cộng đồng giai đoạn từ năm 2011 – 2015, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả như sau:  Lập hồ sơ quản lý người bệnh tâm thần tại cộng đồng là 150 hồ sơ. Tổ chức được lớp tập huấn cho cán bộ lao động – thương binh và xã hội các phường xã trong tỉnh có 173 người tham dự. Tổ chức các lớp tập huấn về quy trình phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần mãn tính cho người chăm sóc trực tiếp người bệnh tâm thần tại cộng đồng có 320 người tham dự. In tờ rơi tuyên truyền về “Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng”.

Trang bị dụng cụ phục hồi chức năng dành riêng cho người bệnh tâm thần như: Máy đi bộ, xe đạp, dụng cụ tập đi, dụng cụ tập bằng tay, chân... Sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật để phục hồi chức năng luân phiên cho đối tượng theo Đề án 1215.