Từ chiều 27 đến 29/7 tại Đà nẵng, diễn ra Hội thảo quốc tế tâm lý học đường lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển tâm lý học đường trên thế giới và ở Việt Nam”. Chương trình do Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I) tổ chức, Vụ công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục đào tạo) đồng chủ trì.
Tiến sĩ tâm lý học Lê Nguyên Phương, người Việt tại Hoa Kỳ, Chủ tịch CASP-I trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về những nét đặc biệt của hội thảo lần này.
Thưa tiến sĩ Lê Nguyên Phương, được biết sau Hội thảo tâm lý học đường quốc tế tổ chức tháng 8/2009 tại Hà Nội, và các kỳ tiếp theo mỗi hai năm một lần tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thì kỳ này là ở TP Đà Nẵng do ĐH SP Đà Nẵng đăng cai. Với sự tham dự của các chuyên gia nước ngoài cũng như hàng trăm đại biểu ngành tâm lý từ các trung tâm, đại học lớn của Việt Nam, chương trình hội thảo lần này có những gì đáng chú ý?
TS Lê Nguyên Phương: Chương trình chính diễn ra ngày 28 với nội dung khai mạc và các tiểu ban hội thảo bàn tròn về những vấn đề trong phát triển ngành tâm lý học đường trên thế giới và Việt Nam, cũng như những nghiên cứu thực tiễn. Sáng 29 đặc biệt chúng tôi có 10 khóa tập huấn ngắn do các chuyên gia nước ngoài từ Mỹ và Nhật thực hiện.
Mỗi khóa tập huấn chuyên về một kỹ năng cho những ngươi làm công tác tham vấn, công tác tâm lý ở học đường cũng như ở ngoài xã hội. Những khóa tập huấn đặc biệt rất có giá trị thực tế. Chẳng hạn như khóa tập huấn do GS Scherr Tracey từ ĐH Wisconsin – Hoa Kỳ là về vấn đề phát hiện trẻ em bị những chấn thương tâm lý., phương pháp thu thập dữ liệu và viết Báo cáo tâm lý học đường tối ưu (Diệu Kim, Mỹ), Ý nghĩa của vòng tuần hoàn văn hóa Freirean đối với tâm lý học đường: Gia tăng ý kiến học sinh qua hợp tác (Bolin Timothy), Hợp tác gia đình – nhà trường để giúp trẻ thành công trong học tập và cảm xúc xã hội ( Miller Gloria), Đánh giá chứng Tự kỷ trong Học đường (Carriere Jeanne Anne) , Kế hoạch hòa nhập cho người khuyết tật và gia đình của họ (Talapatra, Devadrita), Phương pháp Dosaho trong trị liệu tâm lý cho trẻ khuyết tật ( GS. Yoshikawa Yoshimi, Nhật Bản) Quán niệm trong lớp học: Tích hợp kỹ năng cảm xúc-xã hội (Bích Đỗ) , Ứng dụng quán niệm trong Điều trị trẻ chấn thương tâm lý ( TS. Lê nguyên phương) Kỹ năng hóa giải cơn giận dữ của trẻ (Catherine Yến Phạm)…
TS Lê Nguyên Phương tại Hội thảo lần thứ 2.
Ông có kỳ vọng gì vào Hội thảo lần này?
TS Lê Nguyên Phương: Chúng tôi rất mừng khi hội thảo này có sự tham dự của Vụ công tác sinh viên học sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội).
Điều tôi hy vọng là những cơ quan nhà nước thấy được nhu cầu tâm lý giáo dục, sức khỏe tâm thần của trẻ em Việt Nam và thấy được rằng ngành tâm lý học đường với mô hình tổng hợp tham vấn học đường, công tác xã hội học đường của CASP-I có thể giải quyết được vấn nạn đó, không chỉ giúp cho trẻ em khuyết tật, hay gặp những vấn đề giới hạn trong xã hội, mà còn cả những trẻ em có nhu cầu học, phát triển tài năng của mình. Tôi cũng hy vọng các cơ quan liên quan tại Việt Nam tạo điều kiện cho chúng tôi làm công việc này tốt hơn, ban hành những chính sách điều luật hỗ trợ cho công việc cũng như cùng hợp tác để công việc của chúng tôi có hiệu quả hơn.
Hy vọng qua hội thảo cũng sẽ phổ biến những thông tin về những dịch vụ này cho phụ huynh, học sinh sinh viên. Chúng tôi biết nhu cầu xã hội rât lớn. Nhưng khi truyền thông làm công việc tốt hơn thì các bậc phụ huynh học sinh sẽ ý thức được dịch vụ nào có thể giúp đỡ được họ, mà không lựa chọn những phương pháp sai lầm hay nhầm lẫn vào tính chất huyền bí tâm linh nào đó.
Và chúng tôi cũng mong muốn những anh em đang hành nghề tương cận trong ngành tâm lý học đường như về công tác xã hội, giáo dục vv.. qua đây cũng là dịp ý thức nhu cầu chung của xã hội, nâng cao trình dộ nghiệp vụ của mình. Chắc chắn đây cũng là dịp mà chúng tôi giới thiệu hoạt động của CASP- I đến với các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại VN. Lâu nay họ có thể phục vụ trẻ em trên phương diện về quyền trẻ em hay những nhu cầu về vật chất xã hội của trẻ em hiện nay cần tiến xa hơn là đáp ứng nhu cầu giáo dục và sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Trong việc đào tạo cũng như việc cung cấp dịch vụ trong ngành tâm lý học đường trên thế giới có thể nói có những quan điểm khác nhau. Ông từng nói CASP- I mong muốn cùng Việt Nam xây dựng một chương trình chuẩn cho việc phát triển ngành này. Vậy Chuẩn đó sẽ dựa trên tiêu chí nào?
TS Lê Nguyên Phương: Đúng là trong đào tạo vàc cung cấp dịch vụ của ngành tâm lý học đường có nhiều dị biệt. Mỗi học khu, mỗi trường đào tạo ngay tại Hoa Kỳ hoặc ngay cùng tiểu bang cũng có nhiều dị biệt. Tuy nhiên có điều may mắn là tại Hoa Kỳ có hiệp hội rất mạnh là Hội các nhà tâm lý học đường quốc gia Hoa Kỳ (NASP), họ có một mô hình để xây dựng về vấn đề đào tạo và cung cấp dịch vụ. Và những trường phải được công nhận bởi tổ chức NASP thì mới được coi là chuẩn, được xem như có uy tín để đào tạo ngành này. Nhưng tại sao mỗi trường lại có sự nhấn nhá khác nhau, là có trường nhấn mạnh hơn trong việc đào tạo những chuyên viên có khả năng tham vấn những ca sức khỏe tâm thần nặng, hoặc trường khác nhấn mạnh khả năng học tập đặc biệt, vv…
Về phục vụ cũng vậy, có những trường chuyên gia tâm lý làm việc tại các sở giáo dục địa phương (học khu) thì phải lo luôn phần đánh giá trẻ tài năng,giúp cho giáo viên trong trường dạy những trẻ tài năng đó. Số khác đa phần chỉ tập trung vào giáo dục đặc biệt. …
Riêng thế giới có một cái chuẩn về vấn đề dịch vụ là của tổ chức IPSA (tổ chức Tâm lý học đường Quốc tế). IPSA hiện nay có khoảng 40 thành viên là các quốc gia trên thế giới.
Định hướng của chúng tôi trong việc xây dựng chương trình đào tạo cũng như hoạch định việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam là tôi dựa theo hai chuẩn của NASP Hoa Kỳ và IPSA của thế giới. Dĩ nhiên nó phải đáp ứng được nhu cầu và thực trạng tại Việt Nam. Chẳng hạn việc khuyết tật khả năng học tập là điều mình quan tâm nhưng những trẻ em bị trầm cảm, chấn thương… tập thể là những vấn đề nổi cộm trong báo chí trong 10 năm qua mà chúng tôi thường xuyên theo dõi.
Gần đây rộ lên vấn đề bạo lực học đường, trẻ em gái đánh nhau, bêu xấu nhau trước công chúng vv.. Đó là những vấn đề nằm trong phạm vi cung cấp dịch vụ của chuyên viên tâm lý học đường.
Xin cảm ơn ông!