Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đẩy mạnh công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong năm 2019


 
Điều cốt lõi thu hút nhiều người theo học nghề là cần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và việc làm. Ảnh: Đức Tuấn
 
Tuyển sinh học nghề vượt khó
 
Nếu những năm 2016 trở về trước, công tác tuyển sinh học nghề gặp rất nhiều khó khăn, toàn bộ khối giáo dục nghề nghiệp chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh vào khối giáo dục nghề nghiệp đã đạt trên 100%. Đặc biệt, năm 2018, cả nước tuyển sinh được 2,21 triệu học sinh, vượt 5% so với kế hoạch đề ra, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 545.000 người (đạt 100,9% kế hoạch); sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,665 triệu người (đạt 100,3% kế hoạch). Cả nước cũng có khoảng 2,1 triệu người tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp khoảng 440.000 người.
Có được kết quả này là do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp như tuyển sinh gắn với tuyển dụng; cam kết có việc làm sau khi ra trường; nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện các chính sách cho người học. Đặc biệt là việc tăng cường công tác truyền thông cho tuyển sinh, giúp nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp có sự thay đổi tích cực. 
 
Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo
 
Để đạt được mục tiêu tuyển sinh 2,26 triệu người trong năm 2019, trong đó: trung cấp và cao đẳng: 560 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1.700 nghìn người; hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956: 950 nghìn lao động (trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20 nghìn người khuyết tật), theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả, đồng bộ phục vụ công tác tuyển sinh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ổn định về đầu ra cho người học. 
 
Trước hết là tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế để nâng cao năng lực quản lý giáo dục nghề nghiệp, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung tăng cường tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và cam kết việc làm. Cùng với đó là sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh giản đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, tập trung hình thành mạng lưới trường nghề chất lượng cao…
 
 
Cùng với đó là cần đổi mới công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Ảnh: Văn Đạt
 
Cùng với tăng số lượng tuyển sinh, cần nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng những ngành nghề, những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao, chuyên môn cao, bắt kịp xu hướng phát triển ở trong nước, cũng như quốc tế, trong đó cần tập trung ưu tiên cho những ngành như cơ khí, chế tạo, lắp ráp, tin học, du lịch... và một số lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo cho khu vực FDI phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phục vụ mục tiêu đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Triển khai thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.
 
Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các địa phương để tăng cường phân luồng học sinh THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để các em có các kỹ năng cần thiết sớm tham gia thị trường lao động.
 
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay đào tạo các bậc học sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Các trường xét tuyển theo nhiều phương thức đa dạng: học bạ, điểm thi THPT quốc gia, thi tuyển (chủ yếu khối ngành văn hóa nghệ thuật) hoặc kết hợp cả thi và xét tuyển.

Đối tượng tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp là thí sinh đã tốt nghiệp từ THCS trở lên. Khi vào học trung cấp, học sinh có thể học liên thông lên các bậc cao hơn. Hiện có hơn 600 ngành cao đẳng và 700 ngành bậc trung cấp. Thời gian đào tạo trung cấp từ 1-2 năm và cao đẳng 2-3 năm. Chi phí học tập thấp hơn và cơ hội việc làm cũng nhiều hơn do chương trình đào tạo chú trọng trang bị kỹ năng thực hành cho người học.

An Nhiên/TC GĐ&TE