Vượt lên khó khăn phát triển sản xuất
Báo cáo tình hình hoạt động nhiệm kỳ II (2008-2015) và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ III ( 2015-2020), ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, tiền thân là Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của Người tàn tật Việt Nam,VAIDE được thành lập theo quyết định số 13/2003/QĐ-BNV ngày 14/4/2003 của Bộ Nội vụ.
Từ khi thành lập cho đến nay, các Doanh nghiệp của thương binh và NKT là hội viên của hiệp hội đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “…Tàn nhưng không phế…”, đã vượt qua khó khăn, thách thức, vượt qua mặc cảm, bệnh tật, đã kiên cường phấn đấu, tận dụng tối đa sở trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, gia công sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ trong nước để phát triển ngành hàng mới, sản xuất nhanh, quay vòng hàng nhanh để duy trì việc làm và đời sống cho người lao động.
Thiếu tướng Trần Vinh Quang, Chủ tịch Hiệp Hội phát biểu tại Đại hội
Gần 700 hội viên của Hiệp hội đã duy trì việc làm cho hàng chục ngàn lao động là thương binh, bệnh binh, con em của các đối tượng chính sách, NKT các dạng còn khả năng lao động với thu nhập ở các doanh nghiệp từ 1,7 – 5 triệu/tháng. Trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp hội viên tuy vẫn còn một số hạn chế và rất nhiều khó khăn nhưng nhìn chung các đơn vị trong hiệp hội đã quyết tâm vượt lên chính mình, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo đó, trên mỗi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau đã có đóng góp xứng đáng vào nhiệm vụ giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động là thương binh, NKT và đối tượng chính sách đang lao động tại các đơn vị. Đồng thời, tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước.
Được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Dạy nghề, hàng năm, Hiệp hội đều được giao chỉ tiêu và cấp kinh phí dạy nghề cho thương binh và NKT. Theo đó, Hiệp hội đã thành lập 3 Trung tâm dạy nghề trực thuộc Hiệp Hội ở Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Tp Hồ Chí Minh. Trên cơ sở trang thiết bị ngày càng hoàn thiện, các trung tâm dạy nghề vừa tổ chức dạy nghề tại chỗ, vừa tổ chức liên kết để dạy nghề, truyền nghề và tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1.600 lao động là NKT ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Tập trung đào tạo nghề cho thương binh và NKT
Theo chỉ đạo của Thường trực Hiệp hội, năm 2010, 2011 và 2012, chỉ tiêu dạy nghề bằng kinh phí của nhà nước không có, các Trung tâm dạy nghề đã tranh thủ kinh phí dạy nghề do Sở NN&PTNT một số tỉnh, thành phố phân phối, tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn để duy trì hoạt động dạy nghề. Từ nguồn kinh phí này các Trung tâm đã dạy nghề cho 280 lao động nông thôn, trong đó có 32 lao động khuyết tật. Ngoài ra, cùng với các trung tâm dạy nghề trực thuộc hiệp hội, nhiều đơn vị hội viên đã chủ động dạy nghề bằng cách truyền nghề để thu hút lao động khuyết tật tại chỗ, vừa tăng nhân lực, vừa bảo đảm được sự đống góp vào nhiệm vụ thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động, Hiệp hội cũng đã chủ động đề xuất và tham gia đóng góp với chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc sửa, đổi sung một số chính sách liên quan đến NKT…Từ năm 2008 đến nay, Hiệp hội đã tổ chức 8 kỳ Hội chợ NKT, trưng bày nhiều gian hàng sản phẩm do NKT sản xuất, đặc biệt đã thu hút hàng trăm lao động là NKT tham gia phỏng vấn tìm được việc làm sau hội chợ... Tính đến tháng 6/2015, các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 500 tỷ đồng tiền thuế...
Thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo Cục Việc làm trao bằng khen của Bộ trưởng đến các tập thể, cá nhân
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngoài khó khăn về kinh phí hoạt động, lãnh đạo Hiệp hội cũng thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót, hạn chế về hiệu quả thông tin, tuyên truyền; nhận thức của công đồng xã hội và các cơ sở thành viên còn hạn chế; công tác phát triển hội viên và quản lý quỹ hội chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hiệp hội còn nhiều mặt chưa làm được...
Thiếu tướng Trần Vinh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ –TB&XH,Chủ tịch Hiệp Hội cho biết, nhiệm kỳ 2015-2010, Hiệp hội đề ra 9 giải pháp cơ bản gồm: Thực hiện tốt công tác truyền thông; Đổi mới, nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm; Đảm bảo tài chính hoạt động; Xây dựng, phát triển Hiệp hội; Tăng cường hợp tác, liên kết, phối hợp trong hoạt động; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; Chăm lo, đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên...
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng báo cáo và đề nghị với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương quan tâm tới đời sống và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của các doanh nghiệp thương binh, NKT như thực hiện đào tạo nghề và bố trí việc làm cho NKT; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn kinh doanh và mặt bằng sản xuất; chế độ ưu tiên đặc thù cho lao động là NKT khi tham gia học nghề; bố trí cấp kinh phí hỗ trợ để Hiệp hội thực hiện Đề án hỗ trợ NKT giai đoạn 2012- 2020...
Ra mắt Ban chấp hành khoá mới
Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, Hiệp hội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 2 tập thể và 3 cá nhân được UBTWMTTQ Việt Nam tặng Bằng khen; Bộ LĐ –TB&XH tặng Bằng khen cho 9 cá nhân và 12 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong các hoạt động...
Sau gần 2 ngày làm việc, Đại hội đã hoàn thành các nội dung đề ra và thông qua Nghị quyết của Đại hội. Cùng với đó, các đại biểu đã hiệp thương bầu Ban chấp hành gồm 38 thành viên; 09 ông bà vào Ban Thường trực ( gồm 01 Chủ tịch; 06 Phó Chủ tịch và 02 Ủy viên Thường trực), Ban kiểm tra gồm 03 người. Thiếu tướng Trần Vinh Quang tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hiệp hội; ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.