Ngày 8/2, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân và huyện Hoài Đức phối hợp triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022- 2025.
Hoạt động này nhằm thực hiện kế hoạch số 4340/KH-SGDĐT ngày 12/12/2022 của Sở GD&ĐT Hà Nội với mục đích vận động toàn ngành GD&ĐT tham gia các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các nhà trường, các đơn vị.
Trên cơ sở kế hoạch đã đề ra, ngành GD&ĐT Thanh Xuân và Hoài Đức xác định các hoạt động giao lưu, chung tay chia sẻ, hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông 2018.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, bản thân mỗi cơ sở giáo dục, mỗi đơn vị phải luôn xác định: Cái gì cần thì thổ lộ, cái gì thiếu thì nói ra để đơn vị bạn giúp đỡ, hỗ trợ, phối hợp nhằm tạo điều kiện cùng phát triển.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa, nhiều năm gần đây, quận Thanh Xuân rất quan tâm đến công tác giáo dục thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường trên địa bàn.
Tuy nhiên, đó mới là cơ sở bước đầu còn về chất lượng, tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết của đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng thì chủ yếu vẫn là tự lực. Hy vọng rằng, với phong trào ý nghĩa do Sở GD&ĐT phát động, Thanh Xuân sẽ được học hỏi mô hình hay, cách làm tốt của giáo dục huyện Hoài Đức. Và lĩnh vực GD&ĐT sẽ là đại sứ, là cầu nối mở ra mối quan hệ hợp tác đa chiều giữa hai đơn vị.
“Với việc xây dựng kế hoạch bài bản, chu đáo, hai đơn vị hứa sẽ thực hiện chương trình thực chất, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần vào thành tích chung của giáo dục Thủ đô”- Nhà giáo ưu tú Phạm Gia Hữu- Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân bày tỏ.
Cũng trong ngày 8/2, các cán bộ quản lý, giáo viên đại diện cơ sở giáo dục của hai đơn vị Thanh Xuân và Hoài Đức đã tham gia dự các chuyên đề thuộc cấp mầm non, tiểu học, THCS, sau đó, cùng trao đổi, rút kinh nghiệm.
Được biết, để thực hiện tốt phong trào trên, hai đơn vị Thanh Xuân và Hoài Đức sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng dạy học; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Mỗi đơn vị sẽ lựa chọn 10 trường (3 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 3 trường THCS) xây dựng điểm, từ đó, chỉ đạo, hướng dẫn các trường tổ chức các hoạt động kết nối, chia sẻ và tổ chức sơ kết (1 lần/năm), tổng kết (kết thúc giai đoạn thực hiện) để đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào.