Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên

Báo Tin tức Cuối tuần số 13 đăng chuyên đề “Giúp nông dân Tây Nguyên làm giàu” phản ánh nhiều mô hình nông dân Tây Nguyên đầu tư, mở rộng sản xuất quy mô lớn. Báo Tin Tức xin giới thiệu thêm ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên, phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn.

 

* Ông có nhận xét gì về tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên, thưa ông? 

Tây Nguyên có vị trí địa lý chính trị và an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, là vùng có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa, do có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, đất đai trù phú. 

 

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam

 

Tây Nguyên cũng có những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, nông dân tỷ phú, thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm từ mô hình kinh tế gia trại cà phê, cao su, hồ tiêu, điều... Họ biết xây dựng các mô hình sản xuất, biết tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên như đất đai, khí hậu; tiếp thu và áp dụng tốt các kỹ thuật, công nghệ phù hợp để tối đa hóa lợi nhuận, tiết kiệm chi phí đầu vào, hạn chế dịch bệnh. 

* Tây Nguyên nếu muốn phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, nông dân có cơ hội làm giàu, thì cần có những điều kiện gì, thưa ông? 

Để nông nghiệp Tây Nguyên có thể phát triển đúng với tiềm năng và thế mạnh của nó, việc tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên là cần thiết. Tây Nguyên có một nền nông nghiệp vừa bền vững về tăng trưởng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có hàm lượng tri thức cao, thu hút được đầu tư doanh nghiệp, vừa bền vững về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, vừa bền vững về xã hội. 

Hiện có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên, trong đó dễ áp dụng và hiệu quả là: bắt đầu từ những gì ta có, từ việc học tập kinh nghiệm thực tiễn sản xuất - kinh doanh của những người nông dân đang sinh sống, làm việc và thành công trên chính mảnh đất của họ, với sự tháo gỡ các điểm nghẽn cơ bản là tổ chức sản xuất, tổ chức nông dân và tổ chức thị trường, với điểm tựa là khoa học công nghệ, bao gồm kỹ thuật - công nghệ và khoa học quản lý. 

Quan điểm tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên là tạo ra các mô hình sản xuất do người Tây Nguyên làm, tuân thủ nguyên tắc “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Doanh nghiệp đầu tư phải dẫn dắt, tổ chức và bao tiêu sản phẩm của nông dân, với sự vào cuộc của các nhà khoa học. Nhà nước có chính sách hỗ trợ tài chính cho cả doanh nghiệp đầu tư và nông dân sản xuất. Với cách làm này, chỉ trong thời gian ngắn, một số doanh nghiệp đã xây dựng và phát triển được vùng nguyên liệu ổn định với hàng trăm hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, những nông dân tỷ phú. 

Nhiều hộ nông dân “hạt nhân” đã tham gia cùng doanh nghiệp. Họ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai... để làm giàu. Tây Nguyên có gần 1 triệu hộ nông dân, trong đó có hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thành công và sẽ nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều hộ nông dân khác ở Tây Nguyên.

 

Anh Nguyễn Quốc Cường, ngụ tại xã Ya Tờ Mốt (Ea Súp, Đắk Lắk) đã thành công với mô hình trồng nấm rơm và giúp đỡ nhiều hộ nông dân thành công với mô hình này, vươn lên thoát nghèo bền vững.


* Theo ông, tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên cần triển khai các giải pháp đồng bộ nào? 

Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, trong thời gian từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến 2030, vùng Tây Nguyên cần triển khai đồng bộ các giải pháp: 

Thực hiện tốt quy hoạch sản xuất theo thị trường và theo ngành hàng nông sản, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý. Trước hết, tổ chức nông dân và tổ chức thị trường, để kiên trì thực hiện quy hoạch phát triển, hướng tới hộ nông dân có doanh thu đạt bình quân 180 - 190 triệu đồng/ha/năm, ngày càng nhiều mô hình đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm. 

Tập trung chỉ đạo tăng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 10 - 20%, làm chắc chắn theo hướng xã hội hóa; trong đó, có ít nhất 30% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn bền vững. 

Triển khai triệt để chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong việc hình thành các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, các công ty cổ phần nông nghiệp vùng nông thôn, các hợp tác xã hay tổ hợp tác trong sản xuất. Chính các doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ chính sách tín dụng và thuế, giữ vai trò đầu tàu trong việc triển khai các dự án khu nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các liên kết trong sản xuất. Các doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, chủ động hội nhập quốc tế.

 Xác định một số đối tượng vật nuôi, cây trồng mới có lợi thế cạnh tranh của Tây Nguyên như cây ăn quả, cây dược liệu, cây đặc sản, bò sữa, bò thịt, ong, thủy sản... Tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng gắn với tổ chức sản xuất, tổ chức thị trường, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường nội tiêu và xuất khẩu.

 Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất. Phải xác định khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo bước đột phá, điểm nhấn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tây Nguyên. 

Ngoài các giải pháp đồng bộ, cơ bản để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để mở rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh thành công ở Tây Nguyên, rất cần sự quan tâm, ủng hộ và đồng hành của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Tăng cường khuyến khích, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả, góp phần xây dựng Tây Nguyên trở thành trung tâm nông nghiệp hàng hóa hàng đầu. 

Xin cảm ơn ông!